Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
"Samsung, SK, LG, LOTTE… ", ông gọi những cái tên của các doanh nghiệp này một cách rành mạch giống như cách phát âm của người Hàn Quốc và nói "họ giống như bạn và anh em của tôi vậy". Đây là chia sẻ của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài khi lần đầu tiên tham gia phỏng vấn với báo Maekyung (Báo Kinh tế hàng ngày, một tờ báo nổi tiếng tại Hàn Quốc) .
Tờ Maekyung dẫn lời ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời kỳ hậu COVID, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm đến Việt Nam, nơi đã có thành công trong các biện pháp phòng chống dịch và tiếp tục duy trì các hoạt động kinh tế. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc quyết định đầu tư nhanh, quyết đoán và ý chí phấn đấu đạt mục tiêu rất cao, cũng là những doanh nghiệp gương mẫu trong việc thực hiện các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR), đã và đang giữ vị thế là đối tác nhận được nhiều sự yêu mến tại Việt Nam.
Trước câu hỏi bất ngờ về việc chia sẻ cảm xúc bằng một câu nói, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc, ông Hoàng đã "nhắm mắt trầm tư" rồi nói: "Có ba từ khóa ở đây, đó chính là đồng hành, tin tưởng và thành công".
Hồi tưởng lại thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, hai nước cũng đã nỗ lực nhằm duy trì các hoạt động kinh tế bằng việc tạo cơ chế nhập cảnh đặc biệt.
"Giữa chúng ta là mỗi quan hệ tin tưởng, đồng hành ngay cả trong lúc khó khăn nhất", ông Hoàng nói.
Maekyung: Việt Nam hiện tại đã chuyển sang giai đoạn sống chung với COVID. Thời kỳ hậu COVID, tình hình đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?
COVID-19 đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, tuy nhiên nhờ duy trì áp dụng hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch và chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ mà trong năm vừa qua cũng đã có những kết quả tốt trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2021, Việt Nam đã thu hút tổng 38,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 25.2% so với năm trước đó. Dự đoán trong thời gian tới, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có nhiều bước tiến hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Maekyung: Việt Nam có kế hoạch gì trong việc nỗ lực gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài?
Đầu tiên, Việt Nam duy trì ổn định kinh tế vĩ mô với thế mạnh là sự ổn định về chính trị, xã hội. Thứ hai, liên tục rà soát và sửa đổi các luật và quy định liên quan. Thứ 3, tiếp tục kiện toàn đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, giao thông, nhân lực. Thứ 4, hỗ trợ các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam khắc phục hậu quả COVID. Cuối cùng là hoàn thiện cơ chế về lưu thông hàng hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng.
Maekyung: Vậy còn vấn đề mà các doanh nghiệp FDI quan tâm nhiều nhất hiện nay - nguồn nhân lực?
Đương nhiên, điều cần thiết nhất với các doanh nghiệp FDI chính là nhân lực. Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân lực năng suất lao động cao so với chi phí nhân công. Việt Nam cũng đang lên kế hoạch xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật và năng suất lao động của nguồn nhân lực. Đặc biệt, sẽ chuyển đổi sang đào tạo dựa trên nhu cầu thực chất của doanh nghiệp, đào tạo có tính ứng dụng cao thay vì mô hình đào tạo như trước đây.
Maekyung: Trong số các doanh nghiệp FDI, có lĩnh vực nào nhận được chính sách ưu đãi đặc biệt hơn không, thưa ông?
Chúng tôi luôn ưu tiên thu hút các doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có hàm lượng kỹ thuật cao tại Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ khi đầu tư tại Việt Nam sẽ cần có những cơ chế ưu đãi đầu tư phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, đề xuất cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt với mức cao hơn so với các ưu đãi trước đây và đã được Quốc hội thông qua.
Maekyung: Việt Nam cũng quan tâm nhiều đến các dự án thân thiện môi trường hay không?
Tham gia hội nghị về biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và thể hiện nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Sau đó, cũng có nhiều câu hỏi của doanh nghiệp từ nước ngoài về việc đầu tư nguồn năng lượng thân thiện môi trường. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách phát triển kinh tế xanh và cũng đang lên kế hoạch triển khai cụ thể.
Maekyung: Ông đánh giá như thế nào về việc hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc?
Hàn Quốc có rất nhiều các doanh nghiệp vừa và nhỏ ưu tú, vì vậy việc hợp tác giữa các doanh nghiệp này và doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong quá trình xây dựng hệ sinh thái của ngành công nghiệp phụ trợ là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp lớn khi đầu tư vào Việt Nam cũng rất cần có nền tảng liên kết với các doanh nghiệp này. Nếu các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam cùng hợp tác với nhau để có thể tự cung cấp, sản xuất nguyên vật liệu tại chính Việt Nam thì vị thế của cả hai bên trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được nâng cao hơn.
Maekyung: Vị thế của doanh nghiệp Hàn Quốc so với các doanh nghiệp FDI khác như thế nào, thưa ông?
Việt Nam ưa chuộng các doanh nghiệp Hàn Quốc không phân biệt giữa doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ chính bởi vì sự quyết đoán nhanh, tính cách quyết tâm đi đến cùng, theo đuổi quyết tâm đầu tư của họ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc luôn tuân thủ tốt luật pháp của nước sở tại, và thực hiện rất tốt các hoạt động trách nhiệm xã hội. Đặc biệt, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt trong các hoạt động vì đóng góp cho xã hội. Quy mô đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc vào Việt Nam đứng thứ nhất, thứ hai là Singapore nhưng sự khác biệt giữa hai quốc gia là rất lớn, vì nhiều tập đoàn đa quốc gia đăng ký qua Singapore để đầu tư vào Việt Nam.
Maekyung: Tình cảm của ông dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc ra sao?
Đối với tôi, những doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, SK, LG, Lotte....là bạn bè và là anh em. Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng nên mỗi khi gặp nhau, tôi đều có cảm giác họ giống như anh em bạn bè vậy. Là đơn vị đầu mối đầu tư nước ngoài, tôi cũng mong muốn được tiếp xúc, làm việc nhiều hơn với các doanh nghiệp Hàn Quốc để lắng nghe trực tiếp các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, để từ đó báo cáo cấp có thẩm quyền và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tìm hướng giải quyết.
Maekyung: Năm nay là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Trên mối quan hệ đó, mục tiêu trong tương lai là gì?
Quan hệ 'Đối tác hợp tác chiến lược' giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hướng tới nâng cấp quan hệ lên 'Đối tác chiến lược toàn diện'. Trong thời gian tới, hai nước cần phải đẩy mạnh hợp tác, triển khai xây dựng hệ sinh thái phụ trợ của trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất linh kiện điện tử, chip bán dẫn…, gia tăng đầu tư vào nghiên cứu phát triển (R&D), phát triển năng lượng xanh như năng lượng Hydrogen…Trọng tâm chính là hợp tác kinh tế số và hợp tác đầu tư kinh tế xanh.
Maekyung: Ông có thể chia sẻ cảm xúc về mối quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc bằng một câu nói?
Tôi muốn thể hiện mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc bằng ba từ. Đó chính là đồng hành, tin tưởng và thành công. Điều đầu tiên và cũng là cơ bản, Việt Nam hoan nghênh sự đầu tư của Hàn Quốc và cam kết sẽ đồng hành với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng Chính phủ Việt Nam, Việt Nam tin tưởng các doanh nghiệp và đồng hành cùng nhau. Trong thời điểm dịch bệnh COVID diễn biến phức tạp, hai nước đã hợp tác để xây dựng và áp dụng chính sách nhập cảnh đặc biệt nhằm duy trì các hoạt động kinh tế. Trong thời điểm đó, áp dụng chính sách này đa số là doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong những trạng thái bình thường, việc đồng hành với nhau không có gì là khó, nhưng khi dịch bệnh, căng thẳng mà đồng hành với nhau mới là cái quý. Những kinh nghiệm quý báu này sẽ là nền tảng cho sự tin tưởng và đồng hành trong tương lai, cùng nhau hướng đến thành công.
Nguyễn Đức