Phía Nhật Bản bao gồm những doanh nghiệp loại vừa, nhỏ và siêu nhỏ với quy mô chỉ khoảng 10 lao động đến vài chục lao động trong một đơn vị nhưng sở hữu những công nghệ rất hiện đại như thiết kế, chế tạo khuôn mẫu chính xác, chất bán dẫn, tinh thể lỏng, bộ phận điều khiển điện tử, thiết bị bắn tia lửa điện, phao đo mực nước, gia công mẫu hợp kim siêu cứng ... Những thiết bị này được sử dụng nhiều trong điện thoại di động, máy bay, ôtô ...
Theo các doanh nghiệp Nhật Bản, đây là những công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo của đôi bàn tay, người Việt Nam rất tương đồng với người Nhật Bản và phù hợp với những công việc này.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản rất muốn chuyển giao những công nghệ này cho phía Việt Nam vì thực tế hiện nay chi phí sản xuất, vật tư ở Nhật Bản đang rất cao nên những doanh nghiệp này về lâu dài sẽ khó tồn tại.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp phía Nhật Bản cho biết, vì là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít nên việc đầu tư ra nước ngoài rất khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có những nhà xưởng có sẵn (quy mô chỉ từ 300m2 đến 1.000m2) để thuê, cũng như mức giá thuê để tính toán khả năng đầu tư.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tập trung tìm hiểu quy trình, thủ tục đầu tư, điều kiện sống khi chỉ có một nhóm ít người ...
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết định hướng của tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và rất quan tâm đến các nhà đầu tư Nhật Bản. Vì vậy, các ý kiến của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được tập hợp, đánh giá kỹ càng để xây dựng chính sách tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư.
Từ giữa năm 2011 đến nay có nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã khoanh vùng để xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản./.