Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, một trong những vấn đề được quan tâm là tình hình nợ của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), trong đó có khoản nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 mới đây, Người phát ngôn Chính phủ đã nói rõ về tình hình, sự cần thiết cũng như các giải pháp của Chính phủ đối với các khoản nợ này.
Bảo lãnh Chính phủ vì lợi ích chung
Việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi việc thu xếp vốn cho các dự án phải có bảo lãnh của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường.
Việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển.
Không thể phủ nhận rằng việc vay nợ nói chung và bảo lãnh nói riêng có thể tiềm ẩn những rủi ro. Nhưng, trong tình hình nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, nếu không vay nợ thì sẽ không đủ nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tất nhiên phải làm thế nào cho hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.
Việc Chính phủ bảo lãnh cho các DNNN vay vốn đều thực hiện chặt chẽ theo Nghị định số 15/2011/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ. Thực tế, Nghị định số 15 là văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công và Luật này đã dành hẳn một chương để quy định về quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Hai văn bản này, một Nghị định và một Luật, đã đưa ra những quy định chặt chẽ về đối tượng được cấp bảo lãnh, điều kiện được cấp bảo lãnh cũng như trách nhiệm của cơ quan cấp bảo lãnh và người được bảo lãnh…
Trong đó, rất đáng chú ý là quy định Chính phủ chỉ bảo lãnh cho 4 trường hợp, gồm: Chương trình, dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; chương trình, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác, chế biến khoáng sản hoặc sản xuất hàng hoá, cung ứng dịch vụ xuất khẩu phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; chương trình, dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn được Nhà nước khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan; chương trình, dự án được tài trợ bằng khoản vay thương mại gắn với nguồn vốn ODA dưới dạng tín dụng hỗn hợp.
Rõ ràng việc Chính phủ cấp bảo lãnh luôn luôn nhằm mục đích vì lợi ích chung của đất nước, của nền kinh tế. Cũng cần nói thêm, các quy định hiện hành hoàn toàn không có sự phân biệt DNNN hay doanh nghiệp tư nhân trong việc nhận bảo lãnh Chính phủ. Thực tế, các khoản vay đã được Chính phủ bảo lãnh không chỉ thuộc về DNNN mà còn có cả công ty cổ phần và các đối tượng khác.
Phòng ngừa và xử lý rủi ro
Như đã nói ở trên, việc vay nợ nói chung và bảo lãnh nói riêng có thể tiềm ẩn rủi ro. Trước vấn đề này, Người phát ngôn của Chính phủ đã nhắc lại quan điểm rằng khi được Chính phủ bảo lãnh, các DNNN có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.
Mặt khác, dù nghĩa vụ nợ phát sinh từ khoản vay được Chính phủ bảo lãnh là nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, nhưng Luật Quản lý nợ công và Nghị định 15 đã quy định rất rõ ràng về các biện pháp nhằm phòng ngừa cũng như xử lý các rủi ro có thể có, kể cả trường hợp người được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Trong đó, có quy định rất quan trọng về tài sản thế chấp, theo đó, tài sản hình thành từ vốn vay được Chính phủ bảo lãnh dùng làm tài sản thế chấp bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ của người vay với Bộ Tài chính. Không được dùng tài sản hình thành từ nguồn vốn vay được Chính phủ bảo lãnh để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ dân sự khác; tài sản thế chấp cũng không được bán, trao đổi…
“Trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các nghĩa vụ trả nợ mà Bộ Tài chính đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ thay và người được bảo lãnh không có khả năng hoàn trả cho Bộ Tài chính thì tài sản thế chấp được xử lý để bảo đảm thu hồi nợ cho Bộ Tài chính”, Nghị định 15 quy định rõ.
Vậy việc bảo lãnh với các khoản vay của DNNN đang được thực hiện trên thực tế như thế nào?
Về vấn đề này, đã có số liệu khá cụ thể: Nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1% là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%.
Đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần). Về nghĩa vụ trả nợ, tất nhiên gồm cả khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh, hằng năm các doanh nghiệp vẫn chủ động bố trí nguồn, cơ bản trả nợ đúng hạn.
Tất nhiên, chưa thể nói rằng chúng ta đã có một hệ thống quy định thật đầy đủ, hoàn chỉnh, hoàn thiện về bảo lãnh của Chính phủ cũng như về hoạt động của DNNN. Để quy định chặt chẽ hơn nữa về việc cấp và quản lý bảo lãnh của Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 15. Còn đối với các DNNN, Chính phủ trong thời gian qua đã quyết liệt triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này.
Cuối cùng, để đánh giá khách quan bất cứ vấn đề nào, nhất thiết phải căn cứ các quy định của pháp luật. Chỉ khi đó, báo chí mới có thể đáp ứng được yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, đó là trong quá trình tác nghiệp, bên cạnh yêu cầu nhanh chóng, kịp thời, báo chí cần chú ý phản ánh các mặt của vấn đề để chuyển tải thông tin một cách trung thực, khách quan. Đó cũng là yêu cầu của người dân và của bạn đọc.
Xem xét việc Chính phủ cấp bảo lãnh - một hoạt động hoàn toàn bình thường theo Luật Quản lý nợ công, cần thiết đối với nền kinh tế và đang được giám sát, kiểm soát chặt chẽ với các quy định, chế tài khá đầy đủ, cũng cần như vậy. Như nợ công, bảo lãnh Chính phủ một mặt có thể tiềm ẩn rủi ro và trở thành gánh nặng, nhưng mặt khác, nếu được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả thì là một nguồn lực phát triển rất cần thiết cho doanh nghiệp và đất nước.
Hà Chính