Doanh nghiệp sản xuất nông sản: Giữ ổn định xuất khẩu
Có thể nói, trong thời buổi kinh tế thị trường cả nước gặp khó khăn, tìm hướng đi phù hợp đối với sản xuất kinh doanh đã khó, tìm thị trường xuất khẩu càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, ở Đồng Nai, một số doanh nghiệp (DN) sản xuất nông sản vẫn duy trì được những đơn hàng xuất ra nước ngoài có giá trị…
Ông Nguyễn Văn Khỏe, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình đánh giá, sản phẩm của DN xuất khẩu chiếm chưa đến 10% trên tổng lượng hàng, nhưng hiệu quả kinh tế khi tham gia thị trường này rất tốt. Đơn hàng xuất khẩu gồm có bún, miến khô của DN được khách trả tiền liền, giá trị sản phẩm cao hơn vì ít phải qua các khâu trung gian như khi phân phối bán lẻ tại thị trường nội địa. Chính vì tỷ trọng xuất khẩu ổn định đã giúp DN nắm bắt cơ hội phát triển trong điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn như hiện nay.
* Mở rộng thị trường
Theo ông Liu Tác Sáng, Giám đốc DN tư nhân Thuận Hương (Định Quán, chuyên sản xuất trái cây sấy), ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Campuchia, DN đang đầu tư đại lý bán hàng tại Lào. Đây là thị trường mà DN muốn mở rộng thêm trong năm nay để đẩy mạnh xuất khẩu. Ông Sáng đánh giá, Lào là thị trường dễ phát triển vì còn mới nên ít chịu sức ép cạnh tranh hơn. Người dân Lào có cảm tình và ủng hộ hàng Việt, cũng là một lợi thế để DN mạnh dạn tham gia. Hiện hàng xuất khẩu của Thuận Hương chiếm tỷ trọng khoảng 40%. Để có thể mở rộng thị trường tiêu thụ cho DN trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, DN đang nỗ lực, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Sấy miến xuất khẩu tại Công ty TNHH Hiệp Hòa Bình. Ảnh: B.NGUYÊN
Anh Nguyễn Tấn Phú, Giám đốc Công ty TNHH thế giới dinh dưỡng (Nutriworld, có trụ sở tại huyện Thống Nhất) cho biết, năm nay, tình hình xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm sút nhưng nhờ mở rộng được thị trường châu Á nên đơn vị vẫn giữ mức xuất khẩu ổn định như cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, quý I-2012, DN xuất đi 175 tấn nấm mèo đến các nước khó tính, như: Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức. Theo ông Phú, mức tăng trưởng về xuất khẩu của DN ở mức cao. Cách đây 3 năm, Nutriworld xuất khẩu chưa đến 100 tấn nấm mèo/năm. Con số này đã tăng lên 700 tấn vào năm 2011.
* Tạo lợi thế cạnh tranh
Theo nhận định của nhiều DN sản xuất nông sản, quy định và điều kiện cho hàng thực phẩm ở nước ngoài thường cao và nghiêm ngặt. Chính vì vậy, để tham gia thị trường xuất khẩu, DN phải đầu tư một cách bài bản, không chỉ đảm bảo ở khâu chế biến mà cần kiểm soát được cả nguồn nguyên liệu. Những mặt hàng có thể xuất khẩu tốt, dù làm theo kỹ thuật thủ công nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu, đồng thời đầu tư cho cả bao bì có đầy đủ thông tin và chứng minh được nguồn gốc. Làng nghề, cơ sở sản xuất cũng có thể tham gia thị trường xuất khẩu với điều kiện tuân theo những quy trình chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu chất lượng của nước mà đơn vị xuất hàng. “Thị trường xuất khẩu thực phẩm nông sản ngày càng chịu sức ép cạnh tranh lớn. Chúng tôi ưu tiên dùng sản phẩm địa phương và nhân công tại chỗ nhằm giảm chi phí sản xuất ở mức thấp nhất để có giá đầu ra thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung khai thác tốt đặc sản địa phương, tạo ra đặc trưng riêng của sản phẩm, vì đây cũng là điểm “cộng” cho DN khi sản xuất hàng thực phẩm chế biến xuất khẩu”- ông Sáng nói.
Xuất khẩu năm 2012: Khó khăn bắt đầu lộ diện!
Đó là nhận định của Bộ Công thương đối với tình hình xuất khẩu của Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng. Theo đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay là lúa gạo đang đối mặt với việc thiếu đơn hàng trầm trọng cũng như sự cạnh tranh gay gắt về giá cả từ các nước xuất khẩu gạo khác. Nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam không ký được hợp đồng xuất khẩu gạo là do giá gạo hiện cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với các nước xuất khẩu khác, như: Ấn Độ, Pakistan, Myanmar. Các mặt hàng nông sản khác, như: rau quả, nước giải khát, thực phẩm… từ đầu năm đến nay đều giảm. Do đó, thị trường xuất khẩu nông sản năm 2012 trên cả nước sẽ không dễ dàng…
Đồng quan điểm trên, chủ DN Nutriworld cho rằng, sản xuất từ nguyên liệu trong nước đến khâu chế biến, gia công sẽ tạo được mức giá cạnh tranh có lợi cho DN. Sản phẩm của đơn vị sản xuất theo quy trình tự nhiên nên so với hàng Trung Quốc được khách hàng ưa chuộng hơn dù mức giá bằng, thậm chí nhỉnh hơn họ chút ít. DN không chỉ làm tốt về chất lượng, giá cả, bao bì, mẫu mã mà phải tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng của thị trường xuất khẩu thì mới thành công. Ngoài ra, một số chi tiết nhỏ nhưng không nên “bỏ qua”, bởi chính những điều nhỏ nhặt nhất càng làm cho đối tác và người tiêu dùng nước ngoài tin tưởng hơn.
Theo Báo Đồng Nai