Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là ý kiến của đại diện VCCI tại Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ 7 và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức ngày 8/3.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định: VCCI sẽ duy trì các hoạt động đối thoại nhằm chuyền tải các đề xuất của cộng đồng DN tới các cơ quan Đảng, Chính phủ, các hội nghị, hội thảo góp ý chính sách, tiêu biểu như: Hội nghị Hội đồng DN hàng đầu tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước (Hội đồng DN hàng đầu, các đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ)...
Đáng chú ý, lãnh đạo VCCI khẳng định sẽ thúc đẩy môi trường truyền thông hỗ trợ DN phát triển. VCCI sẽ triển khai các nội dung thuộc Chương trình phối hợp công tác giữa VCCI và Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam (Trung tâm Thông tin kinh tế).
Tổ chức Diễn đàn thường niên Báo chí đồng hành DN vì Việt Nam hùng cường, thịnh vượng (Trung tâm Thông tin kinh tế); tổ chức Diễn đàn Kinh tế và trao giải tác giả, tác phẩm viết về DN, doanh nhân; tiếp tục duy trì và thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan truyền thông, báo chí, Viện nghiên cứu, Trung tâm dữ liệu...
Về phương hướng nhiệm vụ năm 2024, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Chủ tịch VCCI khẳng định: Sẽ tăng cường hoạt động hỗ trợ phát triển DN theo hướng chất lượng, hiệu quả, tích cực triển khai các hoạt động liên kết DN, hiệp hội DN.
VCCI sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức hoạt động kết nối các hiệp hội DN trong toàn quốc, hiệp hội DN trong nước với hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy hình thành mạng lưới hỗ trợ DN Việt Nam ở nước ngoài.
Năm 2024, VCCI cũng xây dựng và triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; triển khai hiệu quả Đề án "Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam giai đoạn 2022-2026", theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hình thành phong trào thực hành Quy tắc Đạo đức doanh nhân Việt Nam.
Dưới góc độ địa phương, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; đặc biệt có hệ thống đường bộ cao tốc... Tỉnh kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; "Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn"; phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức không gian phát triển "Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực" theo theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quảng Ninh là địa phương có số lượng và quy mô KCN, KKT lớn nhất cả nước với 2 khu kinh tế ven biển (230.436 ha), 3 khu kinh tế cửa khẩu (144.735 ha), 23 KCN (18.842,56 ha)... Các khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu của Quảng Ninh đều được Chính phủ cho phép hưởng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 183 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 15 tỷ USD...
Để đạt được những kết quả như trên, tỉnh Quảng Ninh luôn coi chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND các địa phương.
Trong 10 năm gần đây, Quảng Ninh luôn duy trì vị trí xếp hạng trong top 5 tỉnh, thành phố có môi trường đầu tư tốt nhất cả nước và đứng đầu trong các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đứng vị trí quán quân 6 năm liên tiếp (từ năm 2017 - 2022) về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); duy trì 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); 4 năm dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), 2 năm dẫn đầu chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm trên 10%, đến năm 2025 quy mô GRDP đạt khoảng 408.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 11.000-12.000 USD; Đến năm 2030, quy mô GRDP đạt khoảng 747.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người 19.000-20.000 USD.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh xác định sự đóng góp, quan tâm của cộng đồng DN, nhất là các DN hàng đầu Việt Nam. Các "sếu đầu đàn" là một trong những yếu tố then chốt quyết định. Do vậy, tỉnh Quảng Ninh rất mong nhận được sự quan tâm, nghiên cứu đầu tư hợp tác của các DN hàng đầu Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong việc đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả.
Tỉnh Quảng Ninh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN phát triển hơn nữa khi đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; cam kết đồng hành, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng DN, các nhà đầu tư; cùng trăn trở, trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, vào cuộc thực chất, hiệu quả đối với từng khó khăn, vướng mắc với mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức. DN là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.
"Tỉnh Quảng Ninh sẽ triển khai một cách hiệu quả nhất Quy hoạch tỉnh, quy hoạch các địa phương; chuẩn bị mặt bằng sạch; quỹ đất tái định cư; đảm bảo nguồn cung điện, nước và viễn thông theo yêu cầu; xây dựng các chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cải thiện nhà ở và cơ sở văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, DN vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân", ông Cao Tường Huy khẳng định.
Nhìn lại năm 2023, VCCI đã tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản đối với 406 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến DN.
VCCI cũng tổ chức 100 hội nghị, hội thảo trong năm 2023, đóng góp xây dựng luật thu hút sự tham gia của 18.467 lượt đại biểu là DN, hiệp hội DN và chuyên gia kinh tế. Cùng với đó, tích cực triển khai các hoạt động tham vấn với các địa phương về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy xây dựng chính sách phát triển bền vững thông qua thực hành Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người tiêu dùng đối với dịch vụ, sản phẩm của DN (CSI)...
Anh Minh