Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Anh Nguyễn Hồng Hà - Ảnh Chinhphu.vn |
“Phải tự cứu lấy mình”
Đến xã Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội), hỏi thăm nhà anh Nguyễn Hồng Hà, hầu như ai cũng biết.
Anh Hà tâm sự, do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha nên khi mới 2 thánh tuổi một chân của anh đã bị liệt. Lớn lên anh phải đi lại bằng đôi nạng gỗ, việc di chuyển rất khó khăn.
Năm 2000, anh thi đỗ vào trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội với điểm số cao. Nhà cách trường hơn 10 cây số, dù việc đi lại gặp nhất nhiều gian khó nhưng bằng hết khả năng của mình anh vẫn luôn cần mẫn đến lớp hàng ngày trước sự khâm phục, yêu quý của thầy cô và bạn bè. Hình ảnh một chàng sinh viên chống nạng đi từng bước một lên giảng đường đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, anh đã được nhiều công ty ở Hà Nội mời về làm việc với mức lương hấp dẫn nhưng anh đã từ chối. Anh quyết định đầu quân cho công ty Duy Chiến ở tỉnh Thái Bình, nơi có nhiều người khuyết tật đang làm việc. Chỗ làm cách nhà gần 100 km.
Hơn một năm làm việc ở Thái Bình, khi đã có chút kinh nghiệm, anh về quê mạnh dạn mở một xưởng may xuất khẩu, vừa để lập nghiệp, vừa giúp những người cùng hoàn cảnh ở quê nhà. Đó là thời điểm năm 2005.
Anh cho biết, vốn đầu tư ban đầu gần như bằng không. “Tài sản lớn nhất là niềm tin vào bản thân mình và những kiến thức, những hiểu biết có được trong cuộc sống. Mình phải tự cứu lấy mình, không nên thụ động trông chờ vào người khác”, anh nói.
Những ngày mới hoạt động, anh vừa là ông chủ, vừa là công nhân. Có khi ngày anh cùng làm với công nhân, tối đến khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ nhưng anh vẫn cần mẫm làm việc bên đống sổ sách.
Thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn, trắc trở trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do công ty anh có nhiều người tàn tật làm việc nên nhiều khách hàng vẫn còn e ngại, chưa muốn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của công ty.
Thế nhưng bằng uy tín của cá nhân anh cùng với chất lượng hàng hóa được đảm bảm nên dần dần khách hàng tìm đến công ty anh ngày càng nhiều.
Từ một xưởng sản xuất nhỏ, đến nay công ty của anh đã được mở rộng, có 3 cơ sở sản xuất, tạo việc làm thường cho 60 lao động, trong đó, có 15 người khuyết tật, với mức lương từ 1,5 triệu – 3 triệu đồng/tháng. Chỉ tính riêng năm 2010, công ty có tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Làm giám đốc vì người khuyết tật
![]() |
Anh Nguyễn Hồng Hà ở giữa cùng các em khuyết tật - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Với ý nghĩ đó, ngay từ năm 2005, khi mới thành lập công ty, dù khó khăn chồng chất nhưng anh đã tích cực mở các lớp dậy nghề may cho những người khuyết tật. Kinh phí anh tự bỏ ra.
Mới đầu có những người tàn tật tự tìm đến nhà anh xin học việc nhưng cũng có người anh phải đến tận nhà để vận động.
Hơn 5 năm qua, công ty của anh đã trở thành mái nhà chung đầm ấm của hàng trăm người khuyết tật. Đến nay, anh đã dạy thành nghề cho hơn 100 người khuyết tật ở khắp mọi miền của đất nước.
Sau khi học xong, nhiều người khuyết tật đã được anh trực tiếp tạo việc làm tại chỗ hoặc có người đã về quê tự mở cơ sở sản xuất, ổn định cuộc sống.
Hiện nay, anh đang phối hợp với trường Cao đằng nghề Bách khoa (thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) để nghiên cứu chương trình dạy nghề phù hợp cho người khuyết tật.
Đầu năm 2010, anh đã đứng lên vận động thành lập Hội người khuyết tật huyện Hoài Đức để những người khuyết tật trong huyện có nơi giao lưu, chia sẻ những khó khăn trong đời sống. Hiện, hội đã có 130 người tham gia và anh được mọi người tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.
Nguyễn Thắng