Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Để tìm hiểu về những đổi mới trong đào tạo nhân lực y tế, phóng viên Báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế).
Phân định các hướng đào tạo
Thưa ông, mới đây, trong Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng khóa XII xác định, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay ở nước ta, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Để phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam và xu hướng chung của thế giới, mới đây, Đảng và Nhà nước ta đã có một số chính sách quan trọng về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế.
Thứ nhất, Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII có xác định quan điểm nghề y là nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Nghị quyết cũng nêu một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học. Thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.
Thứ hai, để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 111/2017/NĐ-CP về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe. Nghị định có ý nghĩa quan trọng khi xác định cơ sở thực hành là một thực thể không thể thiếu trong quá trình đào tạo nhân lực y tế, xác định vai trò tham gia đào tạo của các cán bộ y tế. Tuy nhiên, không phải cơ sở y tế nào cũng có thể là cơ sở thực hành mà cần phải bảo đảm các tiêu chí và yêu cầu cụ thể về phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình và trình độ đào tạo cụ thể.
Thứ ba, qua nghiên cứu mô hình các nước, đào tạo nhân lực y tế có 3 hướng đào tạo là đào tạo hàn lâm (academic), đào tạo chuyên nghiệp (professional) và dạy nghề (vocational). Căn cứ theo quy định, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cụ thể hóa trong đào tạo nhân lực y tế theo hướng phân định rõ các hướng đào tạo, đặc biệt là hướng hàn lâm để giảng dạy, nghiên cứu (đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ) và hướng chuyên nghiệp để hành nghề chuyên môn (đào tạo chuyên khoa gắn với thi chứng chỉ hành nghề).
Cấp chứng chỉ hành nghề qua kỳ thi quốc gia
Xin ông cho biết về mô hình hoạt động của Hội đồng Y khoa và kỳ thi quốc gia ở các nước và dự kiến triển khai ở Việt Nam?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Trước hết, chúng ta cần xác định tại sao lại cần thiết phải thành lập cơ quan theo mô hình Hội đồng Y khoa như các nước đã thực hiện. Qua tìm hiểu, việc thiết kế chương trình đào tạo, tuyển sinh đầu vào và cấp bằng tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo xác định. Tuy nhiên, để xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất như thế nào để chương trình đào tạo đạt được mục tiêu và sản phẩm sau đào tạo có đáp ứng được tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp hay không thì các nước đều có một cơ quan độc lập, khách quan xác định, đó chính là mô hình hoạt động của Hội đồng Y khoa.
Về hoạt động của Hội đồng Y khoa, đây là mô hình hoạt động của một cơ quan độc lập do Chính phủ ủy quyền. Thành phần của Hội đồng có đại diện các cơ quan quản lý (y tế, giáo dục...), đại diện các nhà khoa học, đại diện các hội nghề nghiệp, đại diện cơ sở sử dụng nhân lực, đại diện cơ sở đào tạo, đại diện cựu sinh viên.
Chức năng chính của Hội đồng là đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí về bảo đảm chất lượng đào tạo dựa trên chuẩn năng lực nghề nghiệp, kiểm định chất lượng đào tạo, tổ chức kỳ thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề. Để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam, chúng tôi đang đề nghị Chính phủ cho xây dựng Đề án thành lập cơ quan này ở Việt Nam có chức năng tương tự như trên và áp dụng cho các lĩnh vực nhân lực y tế theo từng tiểu ban như Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên... để có thể đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Hội đồng sẽ do Chính phủ thành lập. Thành phần và mô hình hoạt động cũng theo nguyên lý chung của các nước.
Về kỳ thi quốc gia, theo thông lệ quốc tế kết quả kỳ thi quốc gia là cơ sở đánh giá về năng lực chuyên môn để xét cấp chứng chỉ hành nghề, được tổ chức nhiều đợt trong một năm và nhiều địa điểm trên toàn quốc với việc áp dụng tối đa công nghệ thông tin. Chứng chỉ hành nghề được gia hạn với chu kỳ 5 năm một lần. Các nội dung thi trên nguyên tắc là đánh giá năng lực của người dự thi dựa trên tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp theo từng lĩnh vực và áp dụng chung trên toàn quốc. Kết quả của kỳ thi cũng là cơ sở để xác định và thay đổi hoặc mở rộng phạm vi hoạt động chuyên môn.
Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo nghiên cứu, thảo luận, đánh giá tác động để dự kiến phương án triển khai theo hướng bảo đảm đánh giá khách quan, công bằng và thuận lợi nhất cho người dự thi theo nguyên lý chung của quốc tế và phù hợp điều kiện của Việt Nam.
Chúng tôi dự kiến chỉ áp dụng kỳ thi quốc gia cho những người mới đăng ký để cấp chứng chỉ hành nghề, còn những người đã có chứng chỉ hành nghề sẽ được kiểm soát chất lượng thông qua các chương trình đào tạo cập nhật và phát triển nghề nghiệp để bảo đảm tính ổn định trong hệ thống.
Bộ Y tế dự kiến chỉ áp dụng kỳ thi quốc gia cho những người mới đăng ký để cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Ông có thể nói rõ thêm về khung cơ cấu giáo dục quốc dân mà đặc biệt là đào tạo chuyên khoa trong lĩnh vực y tế?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Như chúng tôi đã nói, xu hướng chung trên thế giới có 2 hướng đào tạo trong lĩnh vực y tế là đào tạo theo hướng nghiên cứu (đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ), hướng hành nghề (đào tạo chuyên khoa và chuyên khoa sâu), đối với những người là giảng viên chuyên ngành y tế thì cần trải qua quá trình đào tạo cả hai hướng này vì họ cần có năng lực về đào tạo chuyên khoa mới có thể được cấp chứng chỉ hành nghề và hoạt động chuyên môn tại các cơ sở y tế.
Về đào tạo chuyên khoa, theo nguyên lý chung của các nước, đây là loại hình đào tạo chuyên nghiệp để có kiến thức và tay nghề chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ y tế ở từng lĩnh vực, chuyên ngành.
Đào tạo chuyên khoa được thực hiện chính ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Những người tham gia giảng dạy chính là những người có năng lực cao trong cung cấp dịch vụ y tế; người học chuyên khoa ngoài nhiệm vụ học tập cũng được xác định là thành phần chính thức tham gia hoạt động chuyên môn dưới sự hướng dẫn của những người đã có trình độ và chuyên môn phù hợp.
Cả người học và người giảng dạy đều được tham gia các hoạt động chuyên môn trong cung cấp dịch vụ y tế và được hưởng thù lao phù hợp với năng lực, trình độ và phạm vi hoạt động chuyên môn.
Chính vì vậy, để thực hiện được điều này cần phải có hệ thống thể chế phù hợp và đồng bộ dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ. Trước đó, nội dung này đã được tiếp cận trong Luật Giáo dục năm 1998 và Nghị định số 43/2000/NĐ-CP, theo đó Chính phủ quy định về đào tạo nội trú, chuyên khoa I và chuyên khoa II trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, các nội dung này lại không được tiếp cận ở các văn bản gần đây, Bộ Y tế đã và đang có ý kiến góp ý với ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa nội dung này vào dự thảo các luật trong dịp sửa đổi lần này.
Xin ông cho biết một số giải pháp cần thiết để triển khai các nội dung trên?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Để triển khai các nội dung trên cần có sự đồng thuận và thống nhất chung ở nhiều nội dung và nhiều cấp độ từ Trung ương đến các cơ sở và người lao động. Chúng tôi xác định đây là nội dung rất quan trọng để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực y tế hướng tới mục tiêu xuyên suốt là người dân được thụ hưởng chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất. Chính vì vậy, có thể xác định một số nhóm nội dung chính cần triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất là cần tiếp tục đánh giá, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách để bảo đảm tính thống nhất. Cụ thể, cần phải sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật liên quan, trong đó xác định thành lập cơ quan quản lý hành nghề y tế theo mô hình Hội đồng Y khoa, đồng thời quy định rõ về kỳ thi quốc gia và cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn theo quan điểm của Nghị quyết số 20 nêu trên.
Trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp cần phải xác định rõ 3 hướng đào tạo là đào tạo hàn lâm (academic), đào tạo chuyên nghiệp (professional) và dạy nghề (vocational), đồng thời phải xác định rõ vai trò và quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí của cơ sở đào tạo thực hành và giảng viên giảng dạy trong đào tạo nhân lực y tế; xác định rõ về loại hình đào tạo, văn bằng chứng chỉ và công nhận trình độ trong đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt là đào tạo chuyên khoa; xác định rõ các tiêu chuẩn, tiêu chí và vai trò của Hội đồng Y khoa trong đào tạo và kiểm soát chất lượng.
Đồng thời, cần phải hoàn thiện thể chế quy định về hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực y tế để người giảng dạy và người được đào tạo chuyên khoa được xác định rõ về vị trí việc làm không thể thiếu trong cơ sở y tế khi được xác định đủ điều kiện là cơ sở thực hành trong đào tạo nhân lực y tế; đồng thời cần chỉnh sửa các chính sách liên quan để có chế độ đãi ngộ phù hợp cho các đối tượng này.
Thứ hai, Bộ Y tế đang tổng hợp các ý kiến và hoàn thiện khung cơ cấu giáo dục quốc dân trong lĩnh vực y tế để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó xác định rõ mô hình đào tạo, công nhận trình độ và văn bằng, chứng chỉ trong đào tạo chuyên khoa.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện Đề án và sớm trình Chính phủ để thành lập Hội đồng Y khoa và đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Triển khai thí điểm về kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề, trước mắt là cho đối tượng là điều dưỡng và bác sĩ y khoa, tiếp theo là nha khoa, kỹ thuật viên, dược khoa và các đối tượng khác để khi các luật được ban hành sẽ chính thức triển khai áp dụng.
Xin cảm ơn ông!
Thúy Hà (thực hiện)