Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giáo dục vì sự phát triển bền vững (ESD) được LHQ đưa vào 17 mục tiêu phát triển bền vững nhằm kêu gọi đảm bảo rằng mọi người đều có được kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy phát triển bền vững trên nhiều cấp độ.
GS. Korakod Nusit, Trường Naresuan University (Thái Lan) cho rằng, đổi mới sáng tạo rất quan trọng cho sự phát triển bền vững ở trường đại học. Ông cho biết, các trường học ở Thái Lan luôn khuyến khích học sinh, sinh viên đưa các ý tưởng, sản phẩm của đổi mới sáng tạo ứng dụng vào đời sống thực tiễn.
Chính vì lẽ đó, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang hướng đến thực hiện các mục tiêu trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, đồng thời theo đuổi bảng xếp hạng THE Impact Rankings về các vấn đề phát triển bền vững.
Tại Hội thảo quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững năm 2023 do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp Hội Nghiên cứu biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức vừa qua, TS. Trần Ái Cầm chia sẻ, trong chiến lược phát triển Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến 2035, nhà trường định hướng mô hình đổi mới sáng tạo, chiến lược quốc tế hóa và chất lượng là nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, nhiều mục tiêu được Trường Đại học Nguyễn Tất thành chú trọng thực hiện, như: Sức khỏe và có cuộc sống tốt, giáo dục có chất lượng, bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh, quan hệ đối tác vì các mục tiêu…
GS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội nhận định, việc thực hiện các mục tiêu trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ sẽ giúp Trường Nguyễn Tất Thành nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học nói chung phát triển bền vững, tiếp đến là giúp xã hội, đất nước bền vững. Đặc biệt, hình thành thế hệ sinh viên có tinh thần, thái độ phục vụ cộng đồng, xây dựng xã hội tốt đẹp.
Giáo dục đại học Việt Nam dần bước tiếp cận đổi mới sáng tạo, giúp các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, từng bước trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và đóng góp vài sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu, do đó việc tiếp cận không nên nóng vội mà phải đi từng bước cơ bản. Theo đó, đổi mới sáng tạo cần được xác định và tuyên bố trong sứ mệnh và tầm nhìn.
Điểm mấu chốt của vấn đề này, GS. Đức cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, quán triệt và tạo cảm hứng từ lãnh đạo, giảng viên đến cán bộ nhân viên và sinh viên.
Ví dụ như tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và một số trường đại học khác, đổi mới sáng tạo được nhà trường tuyên bố rõ trong Chiến lược phát triển Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035, hướng đến trở thành trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực có tính hội nhập cao.
Theo TS. Trần Ái Cầm, thực tế từ công tác đào tạo đến nghiên cứu khoa học, nhà trường thấy rõ được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong giáo dục đối với một cơ sở giáo dục đại học, chính vì thế nhà trường luôn chú trọng đầu tư, phát triển, thay đổi về mặt chiến lược cũng như tầm nhìn, nhận thức và tư duy của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên và sinh viên.
Theo đó, từ năm 2016, Trường Nguyễn Tất Thành đã thành lập Trung tâm Ươm tạo và sáng tạo khởi nghiệp (NIIC) với mục tiêu là nơi ươm tạo, hỗ trợ những dự án khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Song song với đó, nhà trường đã đưa môn khởi nghiệp, tư duy sáng tạo vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả 52 chương trình đào tạo.
Ngoài ra, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo về khởi nghiệp rồi đến xây dựng đội ngũ huấn luyện, hợp tác với các cơ quan, ban ngành về khoa học công nghệ, các làng design thinking, từ đó hướng đến mục tiêu cuối là hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
GS.TSKH. Bành Tiến Long, Chủ tịch Hội Nghiên cứu biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam nhận định, việc kết nối giữa cơ sở giáo dục đại học với các trung tâm nghiên cứu luôn xảy ra nhiều vấn đề, trong đó không chỉ là công tác tổ chức mà còn là đội ngũ nhà khoa học. GS. Long cho biết, trong thời gian tới, Hội Nghiên biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ phối hợp thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh để tạo ra những công nghệ lõi, công nghệ nền. Từ đó, đưa các sản phẩm của đổi mới sáng tạo trở thành sản phẩm quốc gia.
"Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã thay đổi chương trình đào tạo, đưa rất nhiều môn học định hướng đổi mới sáng tạo vào giảng dạy, thành lập các trung tâm nghiên cứu. Điều này rất cân đối, cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng", GS. Đức nhấn mạnh.
Hội thảo quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì sự phát triển bền vững năm 2023 do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp Hội Nghiên cứu biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức trong 2 ngày 25 và 26/8.
Hội thảo là diễn đàn cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, và các nhà hoạch định chính sách chia sẻ các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, các giải pháp và công nghệ đổi mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, công bố nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng công bố quốc tế của giảng viên, và làm nền tảng cho các hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các ngành, lĩnh vực khác.
Năm nay, hội thảo thu hút gần 350 bài viết tóm tắt đăng ký đến từ 17 quốc gia như: Mỹ, Malaysia, Nga, Australia, Nhật Bản, Trung Quốc…. Trong đó, có 282 tóm tắt đã được chấp nhận đăng trong kỷ yếu với 4 nhóm chủ đề chính: Đổi mới sáng tạo trong khoa học đời sống và vật liệu thông minh, đổi mới sáng tạo trong nâng cao sản xuất và kỹ thuật công nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh tế chia sẻ và khoa học bền vững, đổi mới sáng tạo trong khoa học giáo dục và bảo đảm chất lượng.
Minh Thi