Đời sống người dân 4 xã mới sáp nhập vào thành phố Biên Hòa: Nhiều khó khăn phải sớm được giải quyết
Trong 2 ngày tham gia tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại 4 xã Long Hưng, An Hòa, Tam Phước và Phước Tân của thành phố Biên Hòa, nhiều vấn đề bức xúc của người dân đã được các cử tri gửi gắm và mong chính quyền các cấp sớm có những giải pháp khắc phục để đưa 4 xã mới thực sự trở thành một bộ phận hành chính của thành phố.
Tiếp xúc cử tri tại xã Long Hưng
Được sáp nhập vào thành phố Biên Hòa đầu tháng 4 - 2010, nhưng cho đến nay phần lớn người dân tại 4 xã đều cho rằng đời sống của người dân vẫn chưa có nhiều cải thiện mà còn phải đối mặt với nhiều khó khăn do không có đất để canh tác, không có việc làm, ô nhiễm môi trường và điều kiện sống chưa đảm bảo.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hầu hết người dân ở 4 xã Long Hưng, An Hòa, Tam Phước, Phước Tân đều đồng thuận trong việc giao đất để thực hiện các dự án đã được phê duyệt nên hiện tại diện tích đất nông nghiệp giảm đi rất nhiều. Cụ thể, tại xã Long Hưng toàn bộ đất nông nghiệp đã chuyển thành đất phi nông nghiệp và đang trong quá trình san lấp mặt bằng; còn tại xã An Hòa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ còn hơn 50 héc ta, trong đó phần lớn đã được chuyển sang trồng cây, nuôi cá, diện tích trồng lúa chỉ còn hơn 10 héc ta; còn tại xã Tam Phước và Phước Tân, diện tích đất nông nghiệp cũng giảm đáng kể do quy hoạch phát triển công nghiệp.
Cử tri cho rằng, trước đây khi có chủ trương thu hồi đất để thực hiện các dự án, những người dân sống bằng sản xuất nông nghiệp đã không khỏi lo lắng trước thực tế không biết làm gì khi không còn đất để canh tác và không xin được việc làm khi đã quá độ tuổi lao động. Nhưng nay, phần lớn lao động nông nghiệp của địa phương đã chuyển sang lao động công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chưa có thay đổi nhiều do vật giá leo thang, lương công nhân rẻ mạt, nhiều người ngoài độ tuổi lao động không tìm được việc làm…
Ý kiến của phần đông cử tri cho rằng, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, đền bù và chính sách hỗ trợ tái định cư gắn với đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi vẫn còn nhiều bất cập. Mong muốn của người dân là khi bị thu hồi đất phải nhanh chóng bố trí tái định cư và vị trí tái định cư phải tương xứng hoặc tốt hơn so với điều kiện họ đang có. Thế nhưng thực tế hiện nay không ít người dân đang gặp khó do điều kiện sống tại nơi ở mới không bằng nơi ở cũ, không có việc làm…
Nhiều người dân cho rằng, so với trước khi sáp nhập vào thành phố Biên Hòa, điều kiện về cơ sở hạ tầng đến nay vẫn chưa xứng tầm: vẫn còn nhiều tuyến đường đất, đường nhỏ hẹp; thiếu trường học; thiếu những công trình hạ tầng lớn; thiếu nhà văn hóa để sinh hoạt dân; thiếu khu vui chơi giải trí.... Cử tri đề nghị các cấp có thẩm quyền nên chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư cho lĩnh vực này để vừa tôn thêm vẻ đẹp đô thị - xứng tầm đô thị loại II, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Điều đặc biệt là hiện nay người dân 4 xã đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thành Ngọc – Phó Bí thư xã Long Hưng cho biết, kể từ khi sáp nhập vào thành phố, người dân địa phương đã hy vọng rất nhiều vào việc sẽ được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng cho đến nay, dù đã là người dân của thành phố nhưng toàn xã hiện vẫn còn trên 80% hộ dân chưa có nước sạch để sử dụng và vẫn phải đi mua nước sạch về sử dụng hàng ngày, bởi xã chưa có hệ thống nước máy, còn nước giếng thì không xử dụng được do bị ô nhiễm từ dòng sông Đồng Nai.
Còn ông Nguyễn Văn Sót, trưởng ấp Tân Lập xã Phước Tân bức xúc: đã nhiều năm nay, kể từ khi chưa sáp nhập vào thành phố Biên Hòa, tình trạng ô nhiễm môi trường tại con suối ấp Tân Cang và Tân Lập đã được nói nhiều nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, nên các hộ chăn nuôi heo, gà vẫn cứ thoải mái xả phân heo, phân gà ra suối làm cho tình trạng ô nhiễm càng thêm trầm trọng, khiến nước giếng không thể sử dụng được và người dân sống xung quanh suối phải chịu mùi hôi thối, ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Nhiều cử tri khác cũng phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đang là nỗi lo lớn cho toàn xã hội.
Cử tri của 4 xã cho rằng, trong quá trình quy hoạch phát triển thành phố để xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư mới, việc ổn định đời sống người dân nông thôn tại chỗ là yêu cầu quan trọng, việc giải tỏa, đền bù và thực hiện các dự án phát triển kinh tế đòi hỏi phải minh bạch, công bằng, thực hiện hợp tình hợp lý để người dân thấy an tâm. Các ý kiến cũng cho rằng, ngoài việc tái định cư, để ổn định cuộc sống, chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể cần chú ý đến công tác đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho con em nông dân vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp trong khu công nghiệp…
T.Dung