Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Diện mạo xã Hoàng Vân đang đổi thay từng ngày - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng |
Xã Hoàng Vân từng là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Giang. Nơi đây từng che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước về hoạt động bí mật.
Lửa cách mạng ở “Xóm Đỏ”
Anh Mai Sơn, Bí thư Huyện Ủy huyện Hiệp Hòa bảo: “Chúng tôi chuẩn bị về thăm các xã An toàn khu II. Mời nhà báo cùng đi để cảm nhận “lửa” cách mạng ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng”.
Đến nhà cụ Ngô Thị Hướng, ông Ngô Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Vân giới thiệu, đây là một số rất ít cán bộ tiền khởi nghĩa vẫn còn sống ở địa phương.
Cụ Hướng năm nay đã bước sang tuổi 94, tóc đã bạc trắng, lưng đã còng nhưng khi hỏi về những ngày Cách mạng tháng Tám lịch sử thì cụ hào hứng kể: “Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1943 với bí danh Hoàng Minh khi tuổi mới ngoài đôi mươi làm trong đội tuyên truyền, rải truyền đơn. Ngày ấy, hoạt động bí mật lắm, đến cả bố mẹ cũng không biết tôi theo Việt Minh, đi theo tiếng gọi của Đảng”.
Ông Bình ngồi đối diện cho biết, ngay từ tháng 8/1938, đồng chí Ngô Tuấn Tùng, con trai cụ Đồ Ba ở thôn Vân Xuyên đã được tổ chức giao nhiệm vụ bí mật đưa đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về nhà mình để gây dựng cơ sở các mạng và tổ chức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng
Cũng từ đây “lửa cách mạng” lan truyền sang khắp các xã trong huyện Hiệp Hòa, tỏa sang các vùng của huyện Phú Bình, Thái Nguyên.
Từ năm 1938, xã Hoàng Vân luôn là cơ sở an toàn, bí mật đảm bảo hoạt động cho nhiều cán bộ của Trung ương Đảng. Đặc biệt ở xóm Đá có 30 hộ thì có đến 26 gia đình nuôi giấu, che chở cán bộ. Cũng từ đó, xóm Đá được nhiều cán bộ Trung ương Đảng gọi là “Xóm Đỏ”.
Trước ngày Cách mạng tháng Tám nổ ra trên toàn quốc, tại xã Hoàng Vân đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Đó là ngày 19/11/1942 tại gia đình ông Nguyễn Văn Chế ở làng Vân Xuyên, Trung ương Đảng tổ chức khai mạc lớp tập huấn chính trị cho cán bộ một số tỉnh thuộc Bắc Kỳ. Lớp học do đồng chí Trường Chinh giảng dạy. Do bị lộ nên rạng sáng 21/11/1942, địch tổ chức lực lượng vây bắt. Đồng chí Trường Chinh và một số cán bộ mưu trí thoát ra ngoài.
Đặc biệt, từ ngày 15 đến 20/4/1945, tại nhà ông Lý Đông (Ngô Văn Đông), thôn Liễu Ngạn, đã diễn ra Hội nghị quân sự Bắc Kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh cùng với các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Bạch Thành Phong để quyết định những vấn đề đặc biệt quan trọng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước
Đến bây giờ, dù đã trải qua 68 năm, nhưng bà Hướng vẫn còn nhớ như in khí thế cách mạng dâng lên ngùn ngụt khắp làng quê: “Ngay từ tháng 3/1945, đội tự vệ xã Hoàng Vân và bà con đã đứng lên phá kho thóc của giặc để giải quyết nạn đói. Có cơm ăn, người dân càng tin vào cách mạng, khắp làng trên ngõ dưới bà con hăng hái tham gia chuẩn bị khởi nghĩa, cướp chính quyền. Nhân dân trong xã ào ào kéo ra đường mít tinh, tạo khí thế rầm rộ”.
Không khí cách mạng ngày càng dâng cao, đêm 1/6/1945, tại đình Vân Xuyên dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh và Lương Văn Đài, đội tự vệ và nhân dân trong xã Hoàng Vân đi đánh đồn Tri Cụ, đồn Chã, rồi kéo lên huyện lị Hiệp Hòa. Đến ngày 19/8 Ủy ban Dân tộc giải phóng huyện Hiệp Hòa chính thức ra mắt đồng bào.
Đổi thay trên quê hương cách mạng
Đi trên con đường bê tông phẳng lì đến đình làng Vân Xuyên một thời hừng hực khí thế cách mạng, hai bên đường những hàng cây trám, cây sấu xanh rợp bóng, anh Mai Sơn, Bí thư Huyện ủy huyện Hiệp Hòa tâm sự: “Truyền thống cách mạng năm xưa đã trở thành động lực, tài sản vô giá để địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế xây dựng cuộc sống mới, cùng nhân dân đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới”.
![]() |
Cụ Ngô Thị Hướng cán bộ tiền khởi nghĩa - Ảnh VGP/Nguyễn Thắng |
Ông Ngô Văn Thành, đi bên cạch cho hay, Hoàng Vân là một xã miền núi, điều kiện để phát triển kinh tế rất hạn chế. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước mà vùng đất giàu truyền thống cách mạng này đang chuyển mình, cuộc sống người dân đang dần “thay da đổi thịt”.
Như để minh chứng cho những gì mình nói, ông Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Vân đưa ra những con số đầy ấn tượng. Cả xã đã được Nhà nước đầu tư trải nhựa, đổ bê tông hơn 20 km đường liên thôn, liên xóm. Hai trong số ba trường học trong xã đã đạt chuẩn quốc gia. Tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 9% thấp hơn so với trung bình của huyện.
Nhưng điều mà ông Thành tâm đắc nhất là nhân dân trong xã đã thực hiện thành công nếp sống văn hóa, tiết kiệm chi tiêu trong đám hiếu, hỉ.
Trước kia, mỗi khi có đám ma hay đám cưới, bà con trong xã thường tổ chức ăn uống nhiều ngày gây lãng phí. Có những đám hiếu có đến cả trăm mâm khách, tốm kém vài chục triệu đồng.
Từ năm 1998, xã Hoàng Vân phát động phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới, bà con nhất trí không tổ chức ăn uống linh đình trong nhiều ngày. Tính ra tiết kiệm được khoảng 70% chi phí so với trước kia.
“Nhiều năm nay, cả 6 thôn trong xã đều đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện, trong đó có một thôn được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh. Xã nhà không có nạn ma túy, mại dâm, không khiếu kiện đông người. Đời sống văn hóa lành mạnh, kinh tế đang từng bước đi lên, vùng quê cách mạng đang đổi mới”, ông Thành nói.
Năm 1999, chính quyền và nhân dân xã Hoàng Vân đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Nguyễn Thắng