• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đối thoại về công tác chăm lo hậu phương quân đội

(Chinhphu.vn) - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2014); 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (1989-2014), Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng thực hiện chương trình Đối thoại với chủ đề: "Chăm lo hậu phương quân đội”.

14/12/2014 11:31

Các khách mời trong buổi đối thoại. Ảnh: VGP/Tuyết Minh


Chương trình được phát trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ tại địa chỉ www.chinhphu.vn và địa chỉ baodientu.chinhphu.vn, VTV Đà Nẵng và ngoài ra còn được truyền phát trên các hệ thống truyền hình cáp của SCTV, MyTV, ... vào lúc 9 giờ sáng Chủ nhật ngày 14/12/2014.

Tham dự chương trình Tọa đàm có các vị khách mời là lãnh đạo Cục Chính sách  (Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc phòng); Cục Chính trị (Quân khu 5) và đại diện ngành LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam.

Độc giả có thể cùng tham gia trao đổi với các vị khách mời trong trường quay, bằng cách có thể gửi câu hỏi qua địa chỉ: doithoai@chinhphu.vn , hoặc gọi điện thoại đến đường dây nóng của chương trình 05113.822429 và số điện thoại này chỉ hoạt động khi chương trình đang diễn ra trực tiếp.

Trân trọng mời độc giả theo dõi.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm gồm:

Đại tá Trần Quốc Dũng, Cục phó Cục chính sách  - Tổng cục Chính trị Bộ quốc phòng

Đại tá Phan Văn Hạng, Cục phó Cục Chính trị - QK5

Ông Trần Văn Chiến, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam

--------------------------------

Mở đầu buổi Tọa đàm, Biên tập viên nêu câu hỏi:  Hiện nay có 2 cách hiểu về khái niệm hậu phương quân đội. Thứ nhất là gia đình, thân nhân của cán bộ chiến sỹ đang tại ngũ. Cách hiểu thứ hai rộng hơn là nếu người chiến sỹ ở tiền tuyến thì phía sau họ là hậu phương, là đất nước, dân tộc, là gia đình, làng xóm, họ tộc. Xin Đại tá Trần Quốc Dũng nói rõ hơn về hai quan niệm này?

Đại tá Trần Quốc Dũng-Phó Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị. Ảnh: VGP/Tuyết Minh

Đại tá Trần Quốc Dũng - Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị):

Vấn đề đồng chí vừa nêu sau này các nhà khoa học, quản lý sẽ nghiên cứu tổng kết đưa ra quan niệm chính xác. Nhưng hai quan niệm nêu trên có những yếu tố hợp lý của nó.

Trước hết, hậu phương quân đội là hậu phương phục vụ trực tiếp cho quân đội, bao gồm các yếu tố tiềm lực vật chất, tinh thần tạo nền tảng trực tiếp cho mọi nhu cầu xây dựng huấn luyện, chiến đấu và đời sống của quân đội cả thời bình và thời chiến, bảo đảm để quân đội luôn trưởng thành vững mạnh, chiến thắng và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Với ý nghĩa như vậy, gia đình cán bộ, chiến sỹ tại ngũ là thành tố trong hậu phương quân đội, cần được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân bằng những chính sách để góp phần xây dựng hậu phương quân đội vững mạnh.

Vậy, tôi muốn hỏi riêng với quan niệm hẹp hơn, bởi đa phần người dân hiểu đơn giản hậu phương quân đội là gia đình thân nhân, điều này  tất  nhiên chưa đầy đủ như Đại tá Trần Quốc Dũng nêu nhưng có vẻ nhiều người đang hiểu ở góc độ đó. Chính vì thế, họ sẽ nhìn chính sách hậu phương quân đội gắn vào những đối tượng này nhiều hơn.

Ông Trần Văn Chiến- Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Nam:

Theo quan điểm của tôi, tất cả những công tác gắn với phục vụ cho những người tham gia trong quân đội mà đằng sau họ thì những công tác đó là hậu phương quân đội, bao gồm cả việc chăm lo cho thân nhân của những người tham gia trong quân đội và những người đã tham gia trong quân đội sau khi trở về địa phương là hiểu theo nghĩa rộng, còn trong phạm vi hẹp là từng chính sách cụ thể của Đảng, Nhà nước đã ban hành.

Thưa Đại tá Trần Quốc Dũng, là người trực tiếp phụ trách và trực tiếp tham gia thực hiện công tác hậu phương quân đội, đồng chí có thể giới thiệu tóm tắt về một số chính sách căn bản và các nhóm đối tượng chính của chính sách hậu phương quân đội? Hiện nay trên cả nước có bao nhiêu người được hưởng những chính sách này?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Quý vị khán giả cũng biết đất nước ta trải qua thời kì dài chiến tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chính sách hậu phương quân đội luôn gắn bó với từng người dân, từng cấp uỷ chính quyền các cấp, của Đảng và Nhà nước và quân đội.

Ở đây hiểu chính sách hậu phương quân đội là chính sách lớn bao gồm toàn bộ chủ trương, quan điểm, các quy định cán bộ và các hoạt động chăm lo đời sống vật chất tinh thần đối với gia đình quân nhân, đối với cán bộ chiến sĩ nghỉ hưu, xuất ngũ, chuyển ngành, thương, bệnh binh.

Bên cạnh đó là chính sách dành cho những đối tượng đang tham gia làm nhiệm vụ quốc phòng tại địa phương như dân quân tự vệ, các lực lượng vũ trang địa phương.

Chính sách hậu phương quân đội được Đảng, Nhà nước, cấp uỷ chính quyền, nhân dân địa phương ban hành và triển khai thực hiện sâu rộng và ngày càng phát triển từng bước, xã hội hoá nhất là trong điều kiện hiện nay thì ngày càng bám sát vào điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, thiết thực và hiệu quả hơn.

Từ quan điểm đó, công tác chính sách hậu phương quân đội chính là  lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các nhóm đối tượng: thương binh liệt sĩ; người có công với cách mạng; gia đình quân nhân; công nhân viên chức quốc phòng; dân quân tự vệ, cán bộ chiến sĩ đã xuất ngũ, nghỉ hưu…

Xin đồng chí cho biết một vài số liệu về chính sách hậu phương quân đội trong thời gian vừa qua mà chúng ta đã thực hiện?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Tôi chỉ nêu vài số liệu mà những năm gần đây ngành chính sách quân đội đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước cũng đã phối hợp các cấp, các ngành triển khai sâu rộng trong nhân dân. Ví dụ như chúng ta biết rằng 100% thân nhân của quân nhân, thân nhân của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ đang tại ngũ được hưởng chế độ BHYT. Chúng ta hiện nay có gần 250.000 cán bộ quân đội nghỉ hưu được tổ chức quản lý.

Đặc biệt từ khi chúng ta quyết định triển khai chính sách dành cho các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp xuất ngũ về địa phương đã có hơn 260.000 người được hưởng chế độ. Trước đó, hơn 650.000 người đã được hưởng chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ.

Tiếp đó chúng ta thực hiện Quyết định 142 về chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương cho hơn 1 triệu người. Và hiện nay là Quyết định 62 cho các đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, bộ đội xuất ngũ với khoảng 700.000 đối tượng.

Thưa Đại tá Phan Văn Hạng, Quân khu 5 đã thực hiện những chính sách gì liên quan đến công tác hậu phương quân đội?

Đại tá Phan Văn Hạng- Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5: Những năm qua, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác hậu phương quân đội.

Trước hết là chăm lo, thực hiện đầy đủ những chính sách đối với lực lượng thường trực, tập trung cho lực lượng ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn để đảm bảo cán bộ chiến sỹ yên tâm hoàn thành các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho.

Quân khu cùng với địa phương chăm lo gia đình các quân nhân đang làm nhiệm vụ phía trước, đặc biệt là những gia đình khó khăn, neo đơn, hoàn cảnh để tạo điều kiện cho các đồng chí yên tâm làm nhiệm vụ như đã trình bày ở trên.

Chúng tôi cũng tập trung làm công tác BHYT, BHXH cho lực lượng thường trực, cùng với gia đình thân nhân. Đến các đơn vị đã lập sổ BHXH cho hơn 23.000 trường hợp, riêng BHYT đã giải quyết cho trên 170.000 trường hợp.

Các đơn vị trực thuộc quân khu tham gia tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa, trước hết làm lực lượng vũ trang tham gia chăm sóc người có công với cách mạng, cán bộ hưu trí, gia đình liệt sỹ, thương binh nặng, hỗ trợ cho các cơ sở bảo trợ xã hội, trường khuyết tật, trẻ em bị chất độc da cam… Hằng năm các nguồn ngân sách của Quân khu 5 dành cho công tác này khoảng 10 tỷ đồng.

Đến nay lực lượng vũ trang quân khu chăm sóc, phụng dưỡng 100 mẹ Việt Nam Anh hùng. Các đơn vị hỗ trợ mỗi mẹ hằng tháng từ 300.000-500.000 đồng, ngoài ra còn các dịp lễ, tết đều có đến thăm, động viên các mẹ.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham gia xây dựng và bàn giao 637 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội trị giá trên 44 tỷ đồng, trao 530 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách, trí giá trên 3 tỷ đồng. Chúng tôi giải quyết chính sách tồn đọng theo Quyết định 290, 142 và 62 của Chính phủ, triển khai quy tập hài cốt liệt sỹ vào các nghĩa trang.

Đây là những nội dung chính trong công tác hậu phương quân đội mà chúng tôi triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Đại tá Phan Văn Hạng-Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu V. Ảnh: VGP/Tuyết Minh

Có thể nhận thấy rằng các công tác hậu phương quân đội đều gắn với địa phương, chẳng hạn như công tác đền ơn đáp nghĩa. Tại  Quảng Nam đã có sự phân công và phối hợp thế nào giữa địa phương và các đơn vị quân đội để làm cho các công tác chăm lo hậu phương quân đội theo nghĩa rộng và hẹp hơn là công tác đền ơn đáp nghĩa, thưa ông Trần Văn Chiến?

Ông Trần Văn Chiến: Quảng Nam có 65.000 liệt sĩ, trong đó có hơn 20.200 liệt sĩ quân đội, trên 1.000 người được công nhận là hoạt động cách mạng trước tháng 8/1945, khoảng 7.000 người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày, 25.000 người được hưởng chế độ nhiễm chất độc hóa học, 30.000 thương binh, bệnh binh, gần 50.000 người có công với cách mạng, 9.669 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện nay 1.032  mẹ còn sống, trong đó có 665 Mẹ mới được phong tặng theo Nghị định 56 của Chính phủ.

Với số lượng người có công lớn như vậy, việc phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam và Ban Chỉ huy quân sự các thành phố,quận, huyện được làm thường xuyên, chặt chẽ, đúng chế độ, đối tượng. Chúng tôi đã phối hợp giải quyết cho trên 2.300 bệnh binh người dân tộc thiểu số theo Công văn 6275 của Bộ Quốc phòng, phối hợp trong việc phụng dưỡng, chăm sóc Bà Việt Nam Anh hùng, chăm lo, ổn định đời sống cho thương binh nặng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho con em liệt sĩ, thương bệnh binh nặng, liệt sĩ, xây dựng nhà tình nghĩa…

Việc phối hợp thường xuyên với các cơ quan quân đội được thể hiện rõ nét trong việc tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ. Ngoài ra, chúng tôi có tham gia với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giải quyết cho hàng nghìn trường hợp là thân nhân liệt sĩ giám định ADN với liệt sĩ, trong đó xác định được danh tính và chuyển hài cốt về quê hương theo nguyện vọng của gia đình cho hơn 50 trường hợp.

Chúng tôi cũng đã phối hợp giải quyết chế độ cho người tham gia kháng chiến, người nhiễm chất độc hóa học... Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ cho tỉnh Quảng Nam trên 6,5 tỷ đồng để xây Nhà nuôi dưỡng người có công với cách mạng, tặng xe cứu thương phục vụ cho công tác nuôi dưỡng, điều trị người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công của tỉnh Quảng Nam.

Chăm lo hậu phương quân đội. Ảnh từ phóng sự của chương trình

Chúng ta vừa xem một phóng sự, đó là một góc nhìn về hậu phương quân đội. Sau khi xem phóng sự, quý vị có cảm nghĩ như thế nào?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Vai trò của hậu phương quân đội đã được chứng minh qua các thời kỳ chiến tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Phải khẳng định rằng, trong trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hậu phương quân đội luôn phải có vai trò quan trọng, là nhân tố thường xuyên tạo nền tảng trực tiếp cho mọi nhu cầu xây dựng trong đời sống của quân đội cả trong thời bình và thời chiến. Rõ ràng, trong thời bình, quân đội ta vẫn phải huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và công tác để hoàn thành tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, mà ở đó, vai trò của hậu phương là bệ phóng, là nhân tố cơ bản để thường xuyên đảm bảo cho quân đội chiến thắng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Phan Văn Hải: Quân đội ta từ nhân dân mà ra và vì nhân dân mà chiến đấu, do vậy, việc thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội để đảm bảo quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao cho. Vì vậy, việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội đòi hỏi không chỉ riêng quân đội mà của cả hệ thống chính trị để những cán bộ chiến sĩ ở biên giới, hải đảo, hay bất cứ đâu, trên vùng miền nào cũng sẵn sàng yên tâm làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình.

Ông Trần Văn Chiến: Tôi thấy phóng sự vừa rồi thời lượng ngắn nên chưa bao quát hết công tác hậu phương quân đội của Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành. Tôi mong muốn chúng ta làm được nhiều phóng sự hơn về hậu phương quân đội hơn ở góc nhìn toàn diện hơn để một mặt động viên những người đang tại ngũ phục vụ nơi biên cương hải đảo,  một mặt động viên cho những người đang ở hậu phương an tâm vững bước để ủng hộ là niềm tin, là động lực, nền tảng, là môi trường cho các chiến sĩ ở biên giới…

Một nam khán giả cho biết bản thân xung phong tham gia chiến trường từ năm 1979 đến năm 1982 mà chưa được hưởng chế độ gì. Ý kiến của ông Trần Văn Chiến về trường hợp này ra sao?

Ông Trần Văn Chiến: Vị khán giả tham gia chiến trường từ năm 1979 ở chiến trường Campuchia về, chắc chắn quân đội đã cho ông xuất ngũ. Nếu như thời gian ông tham gia quân đội mà ông chưa được hưởng chế độ nào thì thời gian được hưởng sẽ theo Quyết định 62 của Chính phủ. Đề nghị ông liên hệ với Ban Chỉ huy quân sự quận huyện, Ban chính sách thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh để được hướng dẫn chi tiết về nội dung này.

Đại tá Phan Văn Hạng: Trường hợp này liên hệ trực tiếp với Xã đội, Ban Chỉ huy quân sự huyện sau đó sẽ báo lên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam theo thẩm quyền và sẽ báo cao lên trên để xử lý.

Ông Trần Văn Chiến, Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTB&XH Quảng Nam. Ảnh: VGP/Tuyết Minh

Một khán giả ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng hỏi thủ tục hưởng chế độ chính sách đối với quân nhân tham gia phục vụ làm nghĩa vụ quốc tế có thời hạn nhưng chưa tiến hành làm thủ tục thì bây giờ làm thủ tục có kịp hay không?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Ở đây phải làm rõ câu hỏi phục vụ có thời hạn, chiến đấu ở chiến trường Lào, Campuchia, thì trong trường hợp nhập ngũ sau 30/4/1675 thì sẽ thuộc nhóm đối tượng theo Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ tức làm tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Nếu ông phục viên mà chưa được hưởng chế độ nào khác thì tiếp tục được xem xét hưởng chế độ. Và bất kỳ chính sách nào cũng cần phải có hồ sơ cá nhân khai nộp lên chính quyền cơ sở để làm thủ tục. Nếu khán giả thuộc đối tượng của Quyết định 62, thì các địa phương đang triển khai làm và chưa muộn

Với tầm quan trọng của hậu phương quân đội như vậy, nhiệm vụ chăm lo xây dựng hậu phương quân đội, thực hiện chính sách của hậu phương quân đội rất nặng nề, xin được hỏi Đại tá Phan Văn Hạng, trong việc thực hiện công tác này có những khó khăn, thuận lợi như thế nào?

Đại tá Phan Văn Hạng: Để làm tốt công tác này phải nắm vững chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như chính sách của quân đội với người có công. Trong những năm qua và hiện nay, quá trình giải quyết chính sách của hậu phương quân đội thì Quân khu 5 có một số khó khăn và thuận lợi.

Thứ nhất là địa bàn Quân khu 5 trong chiến tranh rất ác liệt, kể cả trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như bảo vệ Tổ quốc, nên đối tượng chính sách được hưởng rất lớn, phần lớn những đối tượng này có hoàn cảnh rất khó khăn; yêu cầu của người hưởng chính sách rất lớn, nhưng đáp ứng của Đảng và Nhà nước cũng ở mức độ nhất định chứ không thể hết.

Thứ hai, trong quá trình giải quyết những tồn đọng sau chiến tranh, số có hồ sơ gốc là rất ít, nếu như những trường hợp không có hồ sơ ở tại địa phương thì cơ sở sẽ có trách nhiệm khẳng định, nhưng với những trường hợp ở miền Bắc chuyển vào miền Nam sinh sống thì rất khó khăn trong xác định có đúng đối tượng được hưởng chế độ không. Quan điểm là đúng thì phải làm, nếu không làm thì chúng ta có tội. Ngoài ra, chúng tôi còn gặp khó khăn khi sàng lọc những trường hợp lợi dụng chính sách để vụ lợi cá nhân.

Thứ ba, hiện nay và trước đây công tác quản lý của chúng ta đối với liệt sĩ, do chiến tranh xảy ra ác liệt và kéo dài, nên trong hồ sơ mộ chí, quy tập v.v cũng rất khó khăn và tốn kém.

Thứ tư, không chỉ là khó khăn của Quân khu 5 mà của toàn xã hội nhằm giải quyết chính sách cho quân nhân xuất ngũ khi hoàn thành nghĩa vụ. Quân đội có hỗ trợ ngân sách đi học nghề, bố trí việc làm ở các địa phương… song đây là những vấn đề luôn cần đặt ra.

Đó là những mặt “vướng”, còn những thuận lợi của Quân khu 5 chúng tôi là Thường vụ Đảng ủy Quân khu phối hợp chặt chẽ với các đơn vị và cùng phối hợp với các ngành để tháo gỡ khó khăn. Những người làm công tác chính sách có kinh nghiệm và tâm huyết, tận tụy, cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát. Những điều đó là thuận lợi và cũng là truyền thống của những người làm chính sách trong quân đội.

Tỉnh Quảng Nam có số lượng người có công rất lớn, vậy chắc chắn những khó khăn trên địa bàn quân khu như ông Phan Văn Hạng vừa nói, thì Quảng Nam cũng gặp phải. Vậy, trong thực tế giải quyết chính sách, Quảng Nam đã có những giải pháp như thế nào để làm tốt công tác này, thưa ông Trần Văn Chiến?

Ông Trần Văn Chiến: Khó khăn thứ nhất là việc giải quyết chính sách tồn đọng cho thương binh liệt sĩ trong kháng chiến mà không còn giấy tờ gốc theo quy định trong Thông tư 28 của liên Bộ Quốc phòng, LĐ-TB&XH. Theo quy định, có danh sách ghi trong danh sách cơ quan đơn vị quản lý từ trước 1/1/1995, phần lớn chúng ta không có cái này, rồi có bia mộ xác định tên tuổi trong nghĩa trang liệt sĩ, có giấy tờ gốc chứng minh bị thương, tất cả những cái đó thì phần lớn hầu hết các đối tượng và những người đã ngã xuống thì đều không còn. Cho nên, trong thời gian qua, từ khi triển khai Thông tư 28 đến nay, chúng tôi chưa giải quyết được nhiều. Quảng Nam cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Quốc phòng, LĐTBXH xem xét sửa đổi theo hướng là chúng ta phải mở ra để cho có 2 người cùng xác nhận như trước đây.

Vấn đề là làm sao chúng ta quản lý được, chứ theo Thông tư 28 thì hiện nay các xã tổ chức hội đồng xét nghiệm nhưng cũng không có căn cứ, chỉ căn cứ vào lời khai và căn cứ vào thực chứng thì cũng chưa đảm bảo.

Khó khăn thứ hai là trong việc quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính, Quảng Nam là địa bàn khá rộng, đa phần là miền núi và chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, địa hình cũng đã thay đổi, nên việc khảo sát, tìm kiếm và cung cấp thông tin để quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, có những trường hợp chúng ta quy tập nhưng không lấy được mẫu phẩm để giám định ADN.

Một cái khó nữa của chúng tôi là với 130 nghĩa trang liệt sĩ quy tập, an táng trên 60.000 mộ liệt sĩ, đây là công trình ngoài trời, ngân sách địa phương thì còn hạn chế, trung ương hỗ trợ  hàng năm không nhiều, cho nên việc nâng cấp sửa chữa tôn tạo mộ nghĩa trang liệt sĩ còn khó khăn. Quảng Nam còn trên 14.000 mộ liệt sĩ và rất nhiều nghĩa trang chưa được nâng cấp sửa chữa cho đồng bộ, cho đẹp. Đó là những khó khăn mà Quảng Nam cần tập trung xử lý.

Liên quan đến những nội dung ông Trần Văn Chiến vừa chia sẻ về vấn đề các hồ sơ tồn đọng, những trường hợp không có hồ sơ gốc. Như Đại tá Phan Văn Hạng đã chia sẻ nếu làm mà không đúng đối tượng thì không công bằng với những người khác nhưng nếu không làm mà họ là những người có công thì chúng ta là người có lỗi. Vậy với kiến nghị 2 người xác nhận, ở góc độ Cục Chính sách, Đại tá Trần Quốc Dũng cho rằng có nên sửa đổi theo đó để giải quyết tồn đọng hay không?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Tôi rất chia sẻ với ý kiến của Đại tá Phan Văn Hạng và ông Trần Văn Chiến. Phải nói rằng hiện chúng ta làm theo đúng trình tự của Thông tư 05 và Thông tư 22 hướng dẫn thực hiện  Nghị định 31 về xác lập đối tượng người có công trong quân đội. Tuy nhiên khi chúng ta giải quyết tồn đọng sau chiến tranh thì rất nhiều đối tượng không có hồ sơ lưu trữ. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã bàn bạc thống nhất và giao cho cơ quan chức năng tiến hành xây dựng và ban hành văn bản quy định làm sao để thực hiện chính sách xác định đối tượng người có công cho những đối tượng không có giấy tờ này.

Đó là nguồn gốc ra đời của Thông tư 28 nhằm tận dụng mọi khả năng, mọi điều kiện có thể và mở ra những đối tượng được xác nhận là liệt sĩ và thương binh nên yêu cầu tối thiểu nhất của Thông tư 28 là chứng minh được có tham gia cách mạng, chứng minh được là có chiến đấu, hi sinh, chiến đấu vì đất nước…

Hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 28, nhiều địa phương đã xác định được một số đối tượng như vậy. Đề nghị của anh Chiến tôi cũng thấy hợp lý. Trước đây ta ban hành Thông tư 16 dành cho những đối tượng có 2 người làm chứng, chúng ta đã giải quyết được số lượng rất lớn những đối tượng không có hồ sơ thì có nghĩa là số đó hiện nay còn không nhiều nhưng trách nhiệm của cơ quan chức năng là phải nghiên cứu xác định đối tượng người có công là phải được hưởng như đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền đã nói trước Quốc hội người có công là phải được hưởng.

Trên tinh thần như vậy, Thông tư 28 sẽ triển khai thực hiện, sau này liên Bộ sẽ có kế hoạch tổng kết rút kinh nghiệm và có thể ban hành văn bản phù hợp hơn.

Câu hỏi một khán giả từ Quảng Ngãi về thông tin giải mã phiên hiệu các đơn vị có thông tin nào liên quan đến thời chống Pháp hay không. Gia đình khán giả này có người thân làm công tác địch vận trong thời  kỳ chống Pháp hy sinh ở Tây Nguyên và xin hướng dẫn để có thể tìm kiếm thông tin. Xin được chuyển câu hỏi đến Đại tá Trần Quốc Dũng?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  về công tác giải mã phiên hiệu, ký hiệu với một trong những mục tiêu giải quyết chế độ chính sách còn tồn đọng sau các cuộc chiến tranh.

Hiện nay công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị đã hoàn thành giai đoạn 1, tức là cơ bản hoàn thành. Việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu dành cho tất cả các đơn vị không phân biệt thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ hay chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà đơn vị được thành lập lúc nào và đến bây đã giải thể hay vẫn đang tồn tại thì đều được giải mã.

Tuy nhiên, câu hỏi của khán giả nêu không rõ đơn vị mà chỉ ghi tham gia công tác địch vận, ở đây chúng ta chưa xác định là nhiệm vụ do chính quyền, cấp ủy giao hay là của đơn vị quân đội. Nếu là phiên hiệu của một đơn vị quân đội cụ thể thì có thể đã được giải mã rồi. Kết quả giải mã giai đoạn 1 đã được Bộ Quốc phòng chuyển về các địa phương, đề nghị khán giả liên hệ với Bộ Chỉ huy quân sự nơi cư trú xem đơn vị đó đã được giải mã chưa, nếu có thì sẽ rõ phiên hiệu.

Một khán giả ở xã Bình Triệu, Thăng Bình, Quảng Nam đang được hưởng chế độ 142 ở địa phương giờ muốn xin vào Hội Cựu chiến binh nhưng không được đồng ý.  Xin được hỏi Đại tá Phan Văn Hạng về trường hợp này?

Đại tá Phan Văn Hạng: Chế độ 142 là dành cho quân nhân xuất ngũ. Đối với trường hợp này nên làm việc cụ thể với Hội Cựu chiến binh xã, nếu như không được giải đáp thì liên hệ với Hội Cựu chiến binh cấp cao hơn. Bởi Hội Cựu chiến binh là đơn vị kết nạp những người đã từng phục vụ trong quân đội về sinh hoạt tại địa phương.

Như vậy thời gian tại ngũ là như thế nào để sau khi xuất ngũ được kết nạp vào Hội Cựu chiến binh? Có quy định thời gian dài ngắn hay không? Xin Đại tá Trần Quốc Dũng giải đáp thêm?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Quy định của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam có điều lệ của Hội, việc kết nạp các hội viên có tiêu chuẩn rõ ràng. Vấn đề ở đây là có hai nhận thức. Thứ nhất, Hội Cựu chiến binh là tập hợp của các cựu chiến binh, là Hội chính trị-xã hội, kết nạp các hội viên vào đó để tăng thêm sức mạnh, nguồn lực để thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước, khuyến khích các hội viên đủ tiêu chuẩn. Thứ hai, chúng ta phải nhận thức vào Hội phải có tiêu chuẩn, có đủ điều kiện về tuổi quân, đủ điều kiện về đạo đức, phẩm chất, không làm điều gì trái với quy định của Hội thì sẽ được kết nạp.

Thưa các vị khách mời. trong vụ việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhân dân cả nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với không chỉ lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ngoài thực địa mà còn đối với gia đình của họ. Qua phản ánh trên các phương tiện truyền thông, nhiều người mới biết, nhiều cán bộ kiểm ngư, cảnh sát biển lên đường làm nhiệm vụ khi gia đình gặp khó khăn, người thân bị bệnh hiểm nghèo... Chính sự quan tâm động viên của cộng đồng xã hội là sự động viên và tiếp sức rất có ý nghĩa để các cán bộ chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó.

Điều tôi muốn nói ở đây, là dường như nếu không có sự kiện đó thì truyền thông và đông đảo cộng đồng xã hội không mấy ai biết những khó khăn mà gia đình các cán bộ chiến sĩ đang gặp phải. Với những người trực tiếp quản lý chiến sĩ hoặc những người làm công tác chính sách thì có thể nắm được hoàn cảnh khó khăn của các cán bộ chiến sĩ này, nhưng đối với cộng đồng xã hội thì không biết.  Tuy nhiên, khi họ biết thì họ cùng chung tay thăm hỏi động viên, tạo động lực lớn. Thưa các vị khách mời, chúng ta có cơ chế nào đó để công tác phối hợp thông tin, tuyên truyền, truyền thông để huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác chăm sóc và thực hiện chính sách hậu phương quân đội hiệu quả hơn?

Đại tá Trần Quốc Dũng:  Tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề này. Ở đây phải hiểu rằng cán bộ chiến sĩ của quân đội ngoài được hưởng chế độ chính sách do Đảng, Nhà nước ban hành  thì thường xuyên nhận được sự quan tâm chăm sóc của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cả nước, đặc biệt mỗi khi có sự kiện  như thế thì sự quan tâm chăm sóc của cấp ủy chính quyền và nhân dân cả nước thì phải thấy là từ đó tạo ra niềm tin, sức mạnh để động viên các lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là nguồn động viên to lớn, thường xuyên và kịp thời đối với cán bộ chiến sĩ khi làm nhiệm vụ.

Chính vì vậy, ở góc độ chia sẻ thông tin, khi chúng ta tuyên truyền tốt thì một mặt động viên được tinh thần của chiến sĩ tin tưởng yên tâm làm nhiệm vụ nơi khó khăn giản khổ, nhưng mặt khác chúng ta cũng khơi lên niềm tự hào dân tộc, động viên nguồn lực trong nhân dân và địa phương để bảo đảm cho quân đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Đồng thời thông qua tuyên truyền  để khơi dậy lòng yêu nước không chỉ của cán bộ chiến sĩ mà của toàn dân.

Tôi đồng tình rất cao việc ccần phải kết nối, phát huy được tất cả các phương tiện truyền thông để tuyên truyền thật tốt về công tác này.

Ông Trần Văn Chiến: Ở góc độ của ngành LĐ-TB&XH là thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đến các đối tượng người có công và thân nhân người có công, chúng tôi xác định công tác tuyên truyền  là quan trọng then chốt ngoài việc triển khai tổ chức tập huấn…

Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam tập trung vào việc đối thoại trực tiếp với người có công với cách mạng ở cơ sở ở cấp tỉnh, huyện và cả xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, những nơi công tác chính sách xuống chậm. Qua đó, vừa giảm tải đơn thư vượt cấp, vừa giải quyết được vấn đề tận gốc ở cơ sở, thông qua đó, người có công, nhân dân địa phương vừa biết, giám sát việc thực hiện, cùng với nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống người có công. Bên cạnh nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH ở địa phương, thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ dưới cơ sở, vốn hay có sự thay đổi.

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có thư kêu gọi đến các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh cùng với Quảng Nam nhận chăm sóc phụng dưỡng 665 bà mẹ Việt Nam anh hùng để an ủi các mẹ về cả tinh thần và vật chất.

Như ông Chiến có nói là tỉnh gửi thư kêu gọi các cá nhân tham gia công tác phụng dưỡng cũng như các hoạt động đền ơn đáp nghĩa khác. Vậy Quân khu 5 có công tác phối hợp tuyên truyền như thế nào để huy động được nguồn lực của cả cộng đồng xã hội chứ không riêng những người làm công tác chuyên trách tham gia vào công tác này thưa Đại tá Phan Văn Hạng?

Đại tá Phan Văn Hạng: Như tôi đã trao đổi để thực hiện tốt các chính sách đó thì phải phối hợp giữa quân khu với các tỉnh và phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Những năm qua Bộ Tư lệnh quân khu đã phối hợp với các tỉnh thành uỷ thực hiện tốt công tác phối hợp này.

Đối với những tổ chức, cá nhân khi có thông tin về một gia đình cán bộ chiến sĩ đang gặp hoàn cảnh khó khăn nếu họ muốn ủng hộ sẽ liên hệ địa điểm, địa chỉ nào?

Đại tá Phan Văn Hạng: Nơi liên hệ trực tiếp cấp huyện là Ban Chỉ huy quân sự huyện, tỉnh thì đề nghị gặp trực tiếp Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ được hướng dẫn, tiếp nhận và chuyển tới nơi những người muốn ủng hộ.

Một khán giả ở Điện Tiến, Điện Bàn, Quảng Nam là thương binh, bệnh binh hưởng chế độ chất độc da cam nhưng tỉnh gửi lại hồ sơ khi đi nộp, xin ông Trần Văn Chiến cho biết lý do? Tuy rằng câu hỏi không chi tiết lắm nhưng mong ông Chiến giải đáp phần nào trong chừng mực có thể để khán giả hiểu và được hướng dẫn thêm về mặt thủ tục?

Ông Trần Văn Chiến: Hiện nay chúng ta đang triển khai thực hiện chế độ đối với người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học theo Nghị định 31, Thông tư 05 và Thông tư liên tịch số 41. Tôi nghĩ rằng nếu hồ sơ của khán giả bị trả lại chắc là có nguyên nhân.

Tuy nhiên, ở đây cần xác định đối với người tham gia kháng chiến phải có một trong những giấy tờ chứng minh có tham gia kháng chiến trong vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hóa học từ Nam vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 15, từ 1/8/1961 đến 30/4/1975.

Điều kiện thứ hai là phải có bản tóm tắt của bệnh viện cấp huyện trở lên, có thể hiện bệnh thuộc 17 nhóm bệnh theo Điều 2 của Thông tư 41. Theo đó, địa phương sẽ xác lập hồ sơ và chỉ có 1 bản khai. Như vậy chỉ có 3 loại giấy tờ để lập hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học. Còn nếu khán giả đã chứng minh được 3 loại giấy tờ trên mà cơ quan có thẩm quyền trả lại hồ sơ thì sẽ có lý do mà ở đây khán giả không nói rõ nên chúng tôi chưa có căn cứ để trả lời cụ thể. Đề nghị khán giả liên hệ với UBND xã hoặc trực tiếp tới Phòng Người có công, Sở LĐTB&XH Quảng Nam để được hướng dẫn, giải đáp cụ thể.

Theo thông tin chúng tôi được biết, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 công tác giải mã phiên hiệu quân đội trong chiến tranh, việc này rất tốt trong công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Xin được hỏi Đại tá Trần Quốc Dũng, cho đến nay, hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cũng như hạng mục thông tin về liệt sĩ, thông tin về thương bệnh binh đã được xây dựng hoàn thiện thế nào và đã được kết nối với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hay chưa?

Đại tá Trần Quốc Dũng: Đây là một vấn đề rất lớn. Vừa rồi thực hiện quyết định 1237 của Chính phủ và Kế hoạch 252 của Ban Chỉ đạo quốc gia 1237, hiện nay Cục Chính sách đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho một Cổng thông tin điện tử và để kết nối với các mạng thông tin khác để chuyển tải lại kết quả quản lý liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho toàn dân được biết.

Chúng tôi đang hoàn thiện 3 nội dung lớn: Hồ sơ, danh sách liệt sĩ chuẩn xác hóa; chuẩn xác hóa thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ do cựu chiến binh cung cấp; danh sách mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang. Nếu hoàn thiện được các thông tin này, khi Cổng Thông tin điện tử ra đời, theo kế hoạch là trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

--------------------------

Thưa quý vị khán giả! Thưa các vị khách mời, qua những trao đổi trong chương trình có thể nhận thấy rằng, hậu phương quân đội là chỗ dựa tinh thần, vật chất để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Chính vì thế, xây dựng hậu phương quân đội là xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần, kinh tế - xã hội trong nhân dân. Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, toàn dân, toàn quân là chủ thể xây dựng hậu phương quân đội. Với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, chính sách hậu phương quân đội nhất định sẽ được thực hiện tốt hơn, góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chương trình đối thoại do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng thực hiện xin khép lại tại đây.

Cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham dự chương trình. Cảm ơn quý khán giả đã quan tâm theo dõi. Cảm ơn Ngân hàng ACB đã tài trợ chương trình.

Nhóm PV