Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tiếp tục chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều nay (18/3), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn "đăng đàn" trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề thị thực, thúc đẩy giao thương, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, các nước trên thế giới rất quan tâm và coi Việt Nam là điểm đến an toàn với nhiều danh lam, thắng cảnh. Trong xu thế mở cửa, hội nhập sâu rộng, không chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam cũng có nhu cầu đi du lịch, tìm kiếm cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh.
Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, gần đây nhất Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Ngoài ra, hiện có 13 nước Việt Nam miễn thị thực đơn phương, đây là những địa bàn du lịch trọng điểm có nhiều khách du lịch đến Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cũng đàm phán với 15 nước thực hiện miễn thị thực song phương, để tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập cảnh thông thoáng hơn.
Về quy hoạch biên giới và triển khai các thỏa thuận, hiện có 25 tỉnh giáp biên giới trên bộ với các nước láng giềng, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch tổng thể về việc nâng cấp các cửa khẩu của Việt Nam với đối tác láng giềng xung quanh, phù hợp với Luật Quy hoạch 2017 và Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội thông qua. Những kết quả quan trọng này sẽ giúp cho việc triển khai thuận lợi ngoại giao kinh tế cũng như hợp tác kinh tế qua biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng.
"Thành quả quan trọng của việc phân định biên giới, cắm mốc với các nước láng giềng là đã bảo vệ được đường biên vững chắc, lâu dài nhưng quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển, cùng có lợi. Vì vậy, Bộ Ngoại giao nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch tất cả các cửa khẩu, phối hợp với các đối tác nâng cấp cửa khẩu để đảm bảo lưu thông hàng hóa, con người giữa các nước", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, hiện nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước. Trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, chúng ta quan tâm tạo dựng tin cậy chính trị để thúc đẩy khuôn khổ quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn.
Trả lời chất vấn đại biểu về ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Bộ Ngoại giao tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020, đồng thời có một số nội dung mới.
Để triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới.
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc. Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất và Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất, trong đó có Ủy ban di sản thế giới. Đây là cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.
Hải Liên