Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sáng 15/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, các cảng hàng không, cảng biển đều đã hoạt động trở lại bình thường.
Với đường sắt, đến 16h30' ngày 14/9, các tuyến đường sắt phía Bắc đã thông đường, riêng tuyến Yên Viên - Lào Cai vẫn đang phong tỏa các khu gian từ Đoan Thượng - Lào Cai (Km140+530 - Km293+560) để các đơn vị khắc phục sự cố do mưa lũ gây ra. Dự kiến trong ngày hôm nay (15/9) sẽ thông đường.
Với đường thủy nội địa tại các địa phương gồm Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên có 10/763 cảng, bến đã hoạt động trở lại. Các cảng bến chưa hoạt động dự kiến sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn, các thông báo hạn chế giao thông được gỡ bỏ, triển khai các hệ thống báo hiệu trên tuyến, luồng và khắc phục các thiệt hại tại cảng, bến.
Các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương còn 98/155 cảng, bến chưa hoạt động. Thời gian dự kiến hoạt động trở lại sau khi mực nước trên các tuyến sông đảm bảo an toàn.
Ở lĩnh vực đường bộ, thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ chủ yếu đối với các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc có 4.177 vị trí bị ảnh hưởng, thiệt hại. Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 2.900 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).
Trên các tuyến quốc lộ đã có 820 vị trí bị tắc, trong đó có 567 vị trí tắc do sạt lở, hư hỏng công trình, hiện đã khắc phục được 555 vị trí để thông xe; 253 vị trí tắc đường do ngập nước, hiện nay nước đã rút và đã khắc phục để thông xe 246 vị trí. Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt máy móc, phương tiện và nhân lực để sớm khắc phục dứt điểm các vị trí sạt lở.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực để triển khai các phương án đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên các tuyến quốc lộ trong thời gian nhanh nhất, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, đường kết nối các vùng dân cư còn bị cô lập, các trục giao thông chính.
Các đơn vị quản lý đường sắt thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, đặc biệt là tại các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa lũ, đoạn đường có nguy cơ xảy ra ngập nước, đá rơi, đất sụt… để kịp thời có phương án ứng phó hoặc dừng chạy tàu nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình; tập trung phương tiện, vật tư, thiết bị và nhân lực khắc phục hậu quả mưa lũ để đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất. Các đơn vị hàng hải, đường thủy nội địa tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng, kịp thời có biện pháp thu hồi, đưa báo hiệu bị trôi dạt về đúng vị trí, khôi phục báo hiệu hư hỏng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động.
Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các lực lượng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các lực lượng chức năng khác tại địa phương trong công tác cứu nạn, tìm kiếm người còn đang mất tích trên biển do bão số 3 gây ra.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tất cả lưới điện 500 kV đã được khôi phục. Các đường dây 220, 110 Kv đã được khôi phục, mỗi cấp điện áp chỉ còn vài đường chuẩn bị khôi phục, tuy nhiên không ảnh hưởng đến cấp nguồn cho phụ tải do có thể lấy từ các đường dây khác. Hầu hết các lưới điện 500 kV, 220 kV, 110 kV đã được Công ty Truyền tải điện 1 và các Công ty Điện lực Tỉnh bàn giao cho NSMO để đóng điện; các nhà máy điện đã hoạt động trở lại; đã cấp điện trở lại cho hơn 5,4 triệu khách hàng/tổng số 6,1 triệu khách hàng bị mất điện.
Nguồn điện đã được chuẩn bị đầy đủ và có dự phòng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện. Các công trình thủy điện khác đang được đảm bảo an toàn và được chỉ đạo sát sao, tuân thủ đúng quy trình vận hành được phê duyệt.
Lĩnh vực công nghiệp than, các đơn vị của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc đang tích cực, khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão (vệ sinh môi trường, thu dọn vật cản, cây đổ của đơn vị, cũng như địa phương nơi đơn vị hoạt động sản xuất - kinh doanh), dự kiến hết ngày 15/9 hoàn thành. Các đơn vị tiếp tục tổ chức trực chỉ huy khắc phục hậu quả do bão và ảnh hưởng hoàn lưu bão 24/24h tại nơi sản xuất cho đến khi có lệnh mới của TKV.
Lĩnh vực khai thác chế biến dầu khí, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam không có thiệt hại về người; các công trình bị ảnh hưởng nhỏ; công tác phục hồi sản xuất sau bão được triển khai nhanh, đúng kế hoạch... Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường, các thiệt hại về tài sản khác đang được thống kê báo cáo chi tiết.
Về công tác bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, các hệ thống phân phối lớn đã đẩy mạnh nhập rau, củ, quả từ các tỉnh miền Trung, miền Nam ra để đưa vào các hệ thống phân phối của mình tại miền Bắc, điển hình như: Saigon Co.op, Central Retail Việt Nam, MM Mega Market, AEON Việt Nam… đều tăng tần suất xe đưa hàng từ 3-5 lần so với bình thường từ miền Trung, miền Nam về các kho hàng tại miền Bắc để đáp ứng nhu cầu người dân.
Giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối hiện đại được giữ ổn định; tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau, củ, thịt lợn, mỳ có tăng nhưng không đột biến, nguồn cung được bổ sung thường xuyên từ việc điều phối của các doanh nghiệp từ phía Nam ra và từ nhập khẩu của Trung Quốc nên không có hiện tượng thiếu hàng tăng giá bất hợp lý.
Đối với các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt tại một số địa phương, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh trưng, nước uống đóng chai... đến cho người dân.
Về cung ứng xăng dầu, hầu hết các cửa hàng xăng dầu tại các địa phương khu vực phía bắc vẫn duy trì việc bán hàng cung cấp cho người tiêu dùng, chỉ một số ít cửa hàng xăng dầu tại các địa bàn bị ngập úng tại các tỉnh như: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang ngừng bán hàng do ngập nước hoặc mất điện nên không ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho các tỉnh nêu trên. Cơ bản nguồn cung xăng dầu được bảo đảm.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện bao gồm cả nguồn điện và lưới điện, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất; Khắc phục sự cố đường dây, trạm biến áp gắn với đảm bảo an toàn sử dụng điện, cung cấp thông tin hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân;
Tuân thủ tuyệt đối quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn hồ đập các dự án thủy điện lớn khu vực đầu nguồn, tham gia cắt lũ vùng hạ du;
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; Kịp thời huy động phương tiện, vật tư, thiết bị, nhân lực tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng, đặc biệt tại các khu vực bị chia cắt, cô lập do mưa lũ sau bão.
Đối với việc khắc phục thiệt hại của ngành than, Bộ trưởng yêu cầu TKV tăng cường phối hợp, trao đổi với NSMO, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện để thống nhất kế hoạch cung cấp than (có tính toán dự phòng hợp lý cho mùa khô), kết hợp nâng cao năng lực khai thác than trong nước và nhập khẩu để cung cấp cho sản xuất điện; chủ động phương án dự trữ nguồn than để đảm bảo tính sẵn sàng, chủ động trong cung ứng nhiên liệu.
Đề xuất một số giải pháp, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá. Các chính sách hỗ trợ phải phát huy sự chủ động, nguồn lực của các cấp, ngành, địa phương, tập trung vào những chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương để giảm bớt thời gian trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, Bộ KHĐT đề xuất cần tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
Nhóm giải pháp Bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân, Bộ KHĐT đề nghị huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm người mất tích; quan tâm hỗ trợ tổ chức mai táng cho người thiệt mạng. Hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, cung ứng nhu yếu phẩm để ổn định đời sống nhân dân; huy động, bố trí đầy đủ lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cứu chữa người bị thương, bị bệnh; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp rác thải, cây gẫy đổ, vệ sinh nguồn nước, tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, tạo "tác động kép" đến đời sống người dân, nhất là tại các địa phương xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Nhóm giải pháp Hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất, Bộ KHĐT đề nghị: Thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng với mức tối thiểu 20 triệu đồng/hộ; tối thiểu 30 triệu cho di dời nhà ở…, theo phương châm "xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó".
Đồng thời, sử dụng dự phòng Ngân sách để sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, trạm y tế…; gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng; sửa chữa tuyến đường huyết mạch, cầu, cống xung yếu kết nối với các khu vưc dân cư bị chia cắt, cô lập sau bão lũ. Nghiên cứu miễn, giảm học phí cho đối tượng học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.
Nhóm giải pháp Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Bộ KHĐT đề xuất miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu bão, ngập lụt, lũ quét…; Mở rộng phạm vi, đối tượng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hoãn thu hồi các khoản nợ, miễn, giảm lãi vay; ban hành các gói vay mới với lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, du lịch.
Cơ quan này cũng đề nghị cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2024. Tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các địa phương bị ảnh hưỡng bởi bão số 3 đến hết tháng 12/2024.
Nhóm giải pháp về Chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới, Bộ KHĐT đề xuất khẩn trương có phương án xây dựng khu tái định để di dân tại các địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở… và sử dụng dự phòng Ngân sách để đầu tư xây dựng, hoàn thành trước ngày 31/12/2024. Rà soát các công trình giao thông, thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa, thủy điện… bị hư hại để xây dựng phương án bố trí vốn NSNN sửa chữa, gia cố, nâng cấp, xây mới, bảo đảm yêu cầu phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới, nhất là trong những tháng cuối năm 2024.
Nhóm giải pháp về Cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ, Bộ KHĐT đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính, nhất là trong công tác quản lý đầu tư xây dựng như cho phép doanh nghiệp sửa, xây dựng lại nhà xưởng trước, làm giấy phép xây dựng sau, giảm điều kiện, quy định về phòng cháy, chữa cháy… để doanh nghiệp sớm quay trở lại hoạt động. Áp dụng quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật đấu thầu đối với các gói thầu để xử lý sự cố vỡ đê, sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực xung yếu; sữa chữa bảo trì các tuyến cầu, đường giao thông; các công trình có nguy cơ mất an toàn chịu lực, hỗ trợ vận chuyển mua sắm lương thực cứu đói, cứu nan; mua sắm thuốc, thiết bị tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn…Cho phép áp dụng triển khai thực hiện quy trình đầu tư các dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai như đối với các dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Quân đội đã vận chuyển xong 100 tấn gạo cứu trợ cho người dân. Quân đội thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Càng trong lúc khó khăn, bộ đội càng phải chủ động tìm đến nhân dân, không để nhân dân phải tìm đến bộ đội.
Đến nay, các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3. Riêng số người bị nạn được cứu là 870 người.Với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương; cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã cùng với các lực lượng trên địa bàn khẩn trương dọn dẹp, cưa cắt những cây bị bật gốc, đổ chắn ngang các trục đường chính, giải tỏa đường giao thông, bảo đảm giao thông thông thoáng; dọn dẹp, vệ sinh, thu gom rác thải, cành cây đổ; hỗ trợ các hộ gia đình, nhà trường bị bay mái tôn, cây đổ đè lên mái; tiến hành dọn dẹp, tháo dỡ các công trình bị hư hại tại các trường học của phường…
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ tiếp tục tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tài sản người dân. Huy động tối đa các lực lượng hỗ trợ các địa phương tìm kiếm người mất tích.
Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, bão số 3 đã làm mất liên lạc tại 15 tỉnh, thành phố với 6.285 trạm BTS (trạm thu phát sóng) bị ảnh hưởng do mất điện. Để đảm bảo liên lạc được thông suốt, các doanh nghiệp đã khôi phục được 4.012 trạm, còn 2.273 trạm đang tiếp tục được xử lý.
Sau khi cơn bão đi qua, Bộ TT&TT đã thực hiện roaming tại các khu vực mất liên lạc, cung cấp máy phát điện cho các trạm BTS bị mất điện lưới, điều động nhân lực và thiết bị từ các tỉnh khác để chi viện. Hệ thống thông tin chuyên dùng trong phòng chống thiên tai đã được kích hoạt, trang bị điện thoại vệ tinh cho các Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, điều động xe BTS lưu động đến các khu vực quan trọng, và hỗ trợ người dân sạc điện thoại tại các trụ sở, cửa hàng và trạm BTS kiên cố để đảm bảo duy trì liên lạc trong vùng bị ảnh hưởng…
Bộ TT&TT cũng đã quyết định kéo dài thời điểm tắt sóng 2G thêm một tháng, đến ngày 15/10/2024 để đảm bảo nhu cầu thông tin trong thời gian cần thiết đủ để doanh nghiệp và người dân kịp thời khắc phục thiệt hại cơn bão số 3...
Phan Trang