Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Thế nhưng, hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn.
Tuyến cao tốc TPHCM-Trung Lương đưa vào hoạt động từ năm 2010 đến hết năm 2021 vẫn là tuyến cao tốc đầu tiên và duy nhất của khu vực ĐBSCL. Mặc dù tuyến cao tốc này đã giải phóng con đường độc đạo QL1 từ TPHCM đi miền Tây nhưng đến nay đã xuống cấp, quá tải và thường xuyên bị ùn tắc. Và đến ngày 30/4/2022 vừa qua, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài hơn 50 km mới hoàn thành đưa vào sử dụng trong niềm hân hoan của nhân dân miền Tây.
Phát biểu tại Hội thảo “Xóa trắng cao tốc - phát huy lợi thế ĐBSCL” do báo Thanh Niên tổ chức ngày 31/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho rằng hiện nay Cà Mau là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông yếu nhất vùng.
“Nếu như ĐBSCL là “vùng trũng” về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ của cả nước thì Cà Mau với xuất phát điểm thấp, cùng với đặc thù hệ thống sông rạch chằng chịt, điều kiện địa chất yếu nên hiện nay là một trong những địa phương còn yếu về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ so với các tỉnh trong vùng”, ông Lâm Văn Bi cho biết.
Ngoài dự án tuyến tránh QL1 qua địa bàn TP. Cà Mau đang được Bộ GTVT triển khai, dự kiến hoàn thành trong năm 2022, ông Lâm Văn Bi cho rằng: Các dự án hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương, nhất là chưa có giao thông đường bộ tốc độ cao.
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ, cao tốc Cần Thơ-Cà Mau thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 khi hoàn thành trong thời gian tới sẽ có sức lan tỏa cao, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh cho khu vực, trong đó có Cà Mau.
Hiện nay, Cà Mau đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 18 của Chính phủ và xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu để quyết tâm cùng với các bộ, ngành thực hiện hoàn thành dự án đúng theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Cư Trinh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vừa thông xe dịp lễ 30/4 giúp Tiền Giang không còn bị kẹt xe nghiêm trọng như những năm trước.
“Tin vui của Tiền Giang nhưng lại là tin không vui với Đồng Tháp vì ùn tắc, kẹt xe trong dịp lễ vừa qua dịch chuyển qua phía An Hữu, Đồng Tháp và điều này thể hiện nhu cầu đồng bộ hạ tầng giao thông rất lớn”, ông Trinh đúc kết.
Theo ông Trinh, địa phương có 5 quy hoạch đường giao thông trong đó có 4 quy hoạch được duyệt và một quy hoạch đang chờ. Trong đó có 2 tuyến chính là An Hữu-Cao Lãnh và Cao Lãnh-Mỹ An (đã được phê duyệt chủ trương).
“Bà con tỉnh Đồng Tháp rất vui mừng và háo hức chờ đón các dự án này được triển khai. Để chuẩn bị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ động trong việc tiếp nhận chủ trương của Trung ương trong việc giao cho địa phương làm chủ đầu tư cao tốc”, ông Trinh cho biết.
Bên cạnh đó, ông Trinh kiến nghị ngoài các quy hoạch hiện có, tương lai cần thiết đầu tư phát triển tuyến cao tốc theo hướng Bắc-Nam ở phía tây kết nối từ Long An về tới Rạch Sỏi (Kiên Giang). Đây là tuyến giao thông rất quan trọng mong được sự quan tâm đầu tư. Bên cạnh các tuyến giao thông liên tỉnh, Đồng Tháp sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch giao thông nội bộ để kết nối tốt nhất với các tuyến cao tốc, liên tỉnh nhằm phát huy giá trị các công trình một cách tốt nhất.
Lắng nghe các ý kiến tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL hiện nay còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải với khối lượng lớn, tốc độ nhanh, an toàn.
“Đến nay, trong toàn vùng mới hoàn thành khoảng 91km đường bộ cao tốc (đoạn TPHCM-Trung Lương-Mỹ Thuận) trên tổng số 1.239 km của cả nước, chiếm 7%”, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực tuy đã được Đảng, nhà nước quan tâm bố trí nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vì điều kiện địa hình bị chia cắt, nền địa chất yếu, ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng nên suất đầu tư xây dựng lớn.
“Theo tính toán, suất đầu tư đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL cao hơn 1,3-1,5 lần so với các khu vực khác, đây cũng là một phần lý do khiến số lượng công trình được đầu tư chưa được nhiều, đồng thời khả năng kêu gọi nguồn lực từ xã hội bị hạn chế”, ông Nguyễn Duy Lâm thông tin.
Nhấn mạnh đến các chủ trương của Đảng, Quốc hội, theo lãnh đạo Bộ GTVT, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế chính sách có tính đột phá, tập trung ưu tiên bố trí mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá và căn cứ điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải của từng vùng, miền trong đó có ĐBSCL, triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia.
Trong đó, về quy hoạch đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã hoạch định đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180 km/9.014 km cao tốc của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.
Riêng đối với hệ thống đường bộ cao tốc, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị cũng xác định đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, Bắc-Nam phía tây, TPHCM-Sóc Trăng, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu, Hồng Ngự-Trà Vinh.
Đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ hoàn thành khoảng 1.180 km đường bộ cao tốc. Theo ông Lâm, nhu cầu vốn để hoàn thành hệ thống cao tốc giai đoạn 2026-2030 rất lớn, ngoài ngân sách Trung ương, huy động nguồn lực xã hội, các địa phương có tuyến cao tốc đi qua cần ưu tiên, phân bổ ngân sách địa phương, đồng thời trực tiếp quản lý, thực hiện đầu tư các tuyến cao tốc qua địa bàn.
Bộ GTVT cũng đề nghị do nhiều dự án lớn sẽ triển khai cùng một thời điểm dẫn đến nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn nên rất các địa phương tạo điều kiện về nguồn vật liệu, đặc biệt là đất và cát đắp nền đường.
Giai đoạn 2021-2025: Cơ bản hoàn thành thêm khoảng 460 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số lên khoảng 550 km cao tốc trong vùng. Cụ thể, hoàn thành tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (30 km, tổng mức đầu tư khoảng 9.800 tỷ đồng); triển khai và cơ bản hoàn thành tuyến Cần Thơ-Cà Mau với chiều dài 109 km, tổng mức đầu tư trên 27.000 tỷ đồng. Các tuyến cao tốc này thuộc trục cao tốc Bắc-Nam phía đông.
Chính phủ cũng đang trình Quốc hội khóa XV chủ trương đầu tư tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng với chiều dài 188 km, tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng. Bộ GTVT đang lập dự án đầu tư tuyến Mỹ An-Cao Lãnh dài 26 km, tổng vốn 4.770 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2023. Tuyến Cao Lãnh-An Hữu (27 km), tổng vốn khoảng 5.886 tỷ đồng.
Tiếp tục đầu tư một số hạng mục để tổ chức khai thác đoạn Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (80 km) theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tất cả dự án này đều được sử dụng bằng nguồn đầu tư công và đã được xác định và bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện.
Phan Trang