• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ mất cân bằng sinh thái do đập thủy điện

Mới đây, tại TP.Cần Thơ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức buổi đối thoại về thách thức của việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đến sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

12/08/2011 13:45
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An cho rằng: “Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong làm giảm sản lượng thủy sản, lượng phù sa bồi đắp hàng năm cho khu vực ĐBSCL… đồng thời các dự án bảo tồn đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, dự án bảo tồn cỏ bàng, cỏ năn nỉ tại xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang bị ảnh hưởng rất lớn vì đặc tính của cỏ bàng là phát triển trên đất phèn và vùng đất ngập lũ. Nếu lũ không về, đồng cỏ bàng, cỏ năn nỉ sẽ biến mất, khi đó cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng và sếu đầu đỏ sẽ không về…”. Ông Ni đưa ra dẫn chứng, trước đây cua đồng nhiều vô số và xem là thứ bỏ đi thì nay còn rất ít và 1kg cua đồng giá 40.000 đồng, còn cá bống trứng thì có giá đến 200.000 đồng/kg. Trong khi đó, 1kg cá da trơn nuôi tại các ao bè chỉ khoảng 25.000 đồng/kg!
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, mỗi năm sông Mekong tải một lượng bùn cát rất lớn từ thượng nguồn ra cửa biển, từ đó sẽ bổ sung nguồn vật liệu xây dựng, duy trì hệ sinh thái ngập nước, tạo dinh dưỡng đất và cây trồng, phát triển rừng, hạn chế xói lở bờ sông và ven biển, giảm độ chua và cải tạo đất… Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, dân cư các nước thuộc châu thổ sông Mekong nói chung và ĐBSCL nói riêng lại dấy lên một làn sóng lo ngại với thông tin 12 đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính Mekong. Bậc thang thủy điện liên hoàn này (bao gồm 8 dự án ở CHDCND Lào, 2 dự án thuộc các đoạn sông giữa Lào và Thái Lan và 2 dự án tại Campuchia) sẽ chia dòng sông thành các hồ chứa liên tiếp, tương lai của hệ sinh thái phong phú nói trên đang đứng trước thách thức to lớn và sẽ vĩnh viễn bị thay đổi nếu bất cứ con đập nào được thông qua…
Do ĐBSCL của Việt Nam ở cuối vùng hạ lưu, nên việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập, Trưởng nhóm tư vấn quốc gia đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mekong cho biết: Khi năng lượng dòng chảy giảm thì khả năng rửa trôi và tự làm sạch của dòng sông cũng giảm theo, trong khi đó lượng phân bón sử dụng để trồng trọt tăng dẫn đến ô nhiễm môi trường. Đối với thủy sản, hàng năm ĐBSCL sẽ tổn thất khoảng 240.000-280.000 tấn cá trắng, tương đương với số tiền khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỉ USD, con số mất mát mỗi năm này có thể xây từ 1-3 cây cầu Cần Thơ. Bên cạnh đó, trong lưu vực sông Mekong có khoảng 65% là cá trắng và 35% là cá đen, trong trường hợp thiếu nguồn thức ăn, để tồn tại thì cá trắng ăn cá đen. Khi mất cá trắng thì cá đen cũng mất theo, các loài khác như chim, cò, rùa, rắn… cũng bị suy giảm tương tự.
Hàng năm, lượng phù sa sông Mekong tải về hạ lưu khoảng 160-165 triệu tấn, nếu toàn bộ 12 con đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mekong thì lượng phù sa sẽ giảm 1/4, tương đương 42 triệu tấn. Mất phù sa sẽ gia tăng sạt lở bờ sông và bờ biển do hiện tượng “nước đói phù sa”; đất đai bị chai do mất dinh dưỡng; ĐBSCL sẽ bị sụt lún và chìm rất nhanh xuống dưới mực nước biển; ranh giới mặn của ĐBSCL phụ thuộc vào sự cân bằng dòng chảy sông Mekong vào mùa khô và mực nước biển, vì thế ranh giới mặn có thể dịch chuyển nhanh chóng dọc theo sông tùy thuộc vào sự vận hành của các đập.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, một khi các đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sẽ tác động rất lớn đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, sẽ gây ra sạt lở nghiêm trọng do thiếu phù sa, kéo theo là sự sụp lún tự nhiên thì ĐBSCL sẽ như con tàu bị chìm xuống biển nhanh hơn...
Minh Anh