Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cây lương thực cứu đói trở thành cây trồng làm giàu
Trước kia, người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở vùng cao Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị quanh năm làm rẫy vất vả nhưng mãi vẫn không thoát nghèo. Sau này, được chính quyền vận động, "cầm tay chỉ việc", chuyển đổi sản xuất phù hợp với địa phương, bà con chuyển từ đốt rừng làm rẫy sang trồng cà phê, hồ tiêu, chuối, sắn… để phát triển kinh tế.
Trong đó, sắn từ cây lương thực cứu đói đã trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.
Vùng trọng điểm trồng sắn của huyện Hướng Hóa gồm các xã: Thanh, Thuận, Hướng Lộc, Lìa, Xy, A Dơi, Ba Tầng. Trong đó, xã Thanh là địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất của huyện, với hơn 700 ha, mỗi vụ cung ứng hơn 10.000 tấn sắn nguyên liệu.
Ông Pả Dỏ (61 tuổi, người Vân Kiều ở xã Thanh, huyện Hướng Hóa) chia sẻ, trước kia, ông chủ yếu làm nương rẫy để nuôi cả gia đình, nhưng dù làm việc quên ngày tháng thì cây lúa rẫy không thể mang lại bát cơm đầy. Bởi vậy ông khao khát tìm một nghề để có thể đổi đời.
Nhớ lại thuở bắt đầu "nên duyên" với nghề trồng sắn vào năm 2006, ông Pả Dỏ cho hay, thời điểm đó, giống sắn KM94 được Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa mua với giá cao, vì vậy ông chọn cây này để phát triển kinh tế.
Ông Pả Dỏ quyết định trồng 2 ha, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, cây sắn đã mang về cho ông nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng. Từ đó, ông đã động viên gia đình cùng nhau mở rộng diện tích lên 7 ha, mỗi năm thu khoảng 140 tấn sắn củ tươi.
Từ năm 2010, nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa có ý tưởng thành lập CLB những hộ trồng sắn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông đạt 100 triệu đồng/vụ (gọi tắt là "CLB 100 triệu") để động viên, khích lệ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng sắn. Năm 2014, từ người dân trồng sắn đầu tiên của xã Thanh, ông Pả Dỏ đã trở thành thành viên của CLB 100 triệu.
Anh Hồ Văn Pường (40 tuổi, bản 10, xã Thanh) cũng là một trong những nông dân thoát nghèo từ trồng sắn.
Anh Pường cho biết, tổng diện tích trồng sắn của anh là 4 ha. Ngoài trồng sắn, anh mua thêm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa canh tác vừa vận chuyển sắn cho bà con trên địa bàn. Mỗi năm lãi từ sắn và phương tiện vận chuyển mang về cho anh Pường khoảng 200 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Thanh, ông Hồ A Cất, cho biết, để bà con phát triển kinh tế bền vững, xã phối hợp với cán bộ nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thường xuyên tập huấn về kỹ thuật cho bà con, kịp thời phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, cũng như giúp bà con giám sát thu hoạch đúng thời vụ.
Bên cạnh đó, hàng năm bà con nông dân đều được tạo điều kiện đi tham quan học hỏi các mô hình trong và ngoài nước, được tiếp cận các ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, giống khi cần. Từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số đã nắm bắt kỹ thuật canh tác cây sắn mang lại hiệu quả cao. Diện tích trồng sắn của bà con nơi đây ngày càng được mở rộng và được xem là vùng trọng điểm về cây sắn, cung cấp nguồn nguyên liệu chủ yếu cho nhà máy hàng chục năm nay.
Đến nay, CLB 100 triệu đã duy trì được 13 năm và đã có 77 hội viên, chủ yếu là người đồng bào ở 2 huyện vùng cao Hướng Hóa và Đăkrông. Mô hình CLB này thực sự đã tạo tính lan tỏa và là động lực cho nhiều hộ dân người đồng bào vùng cao học hỏi, thay đổi phương thức sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Minh Trang