Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại tướng Trần Đại Quang và các đại biểu về dự Hội nghị tổng kết 20 năm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Cách đây 20 năm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành Chỉ thị số 11 về “Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa trong tình hình mới”.
Thực hiện Chỉ thị 11, lực lượng công an các cấp đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào các tôn giáo với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của quần chúng tín đồ trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, mô hình hay, quan tâm để các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, giải quyết kịp thời nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; phát huy những điểm tương đồng giữa tôn giáo và xã hội, giữa nội dung của giáo lý với quy định của pháp luật, đưa hoạt động của tôn giáo với hoạt động của xã hội.
Đồng thời, tạo không khí cởi mở, đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, giữa các tôn giáo và cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo, từng bước xóa đói giảm nghèo, hướng đến xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Báo cáo của Bộ Công an cho biết: Công tác tuyên truyền được xác định là nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo, công an các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Thiên chúa về đường lối, chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết dân tộc, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và từng địa phương.
Qua đó, trong 10 năm, từ 2005-2014, quần chúng giáo dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng hàng vạn nguồn tin có giá trị, giúp điều tra giải quyết hơn 10 ngàn lượt vụ việc, bắt giữ và xử lý hàng ngàn đối tượng vi phạm pháp luật. Trong đó tiêu biểu là các tỉnh như Đồng Nai, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình với nhiều phong trào, mô hình, điển hình tiên tiến trong quần chúng nhân dân.
Bộ Công an cũng rút ra những bài học kinh nghiệm qua 20 năm thực hiện chỉ thị này. Đó là, sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền là yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả của phong trào.
Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân; quan tâm đến công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào công giáo; công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào công giáo phải gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào công giáo; làm tốt công tác vận động, phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào công giáo…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao những kết quả to lớn của các lực lượng công an nhân dân trong công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng công giáo.
Trong tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu phải chủ động nắm chắc tình hình, xử lý có hiệu quả các thông tin liên quan đến an ninh trật tự, bảo đảm trong bất cứ tình huống nào cũng giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ xây dựng và phát triển đất nước.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, lực lượng công an tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác tôn giáo; xác định nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các nội dung và hình thức tuyên truyền theo hướng thiết thực, phù hợp với tâm lý, nguyện vọng của đồng bào.
Phát huy tốt vai trò của các chức sắc tôn giáo và người có uy tín, chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến, các mô hình hay để động viên, khuyến khích phong trào; tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, phát huy vai trò của các đoàn thể trong vận động đồng bào công giáo tham gia bảo đảm trật tự, an ninh; việc giải quyết các vấn đề phức tạp phải làm dứt điểm, không để phần tử xấu lôi kéo, kích động chống phá chính quyền.
Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Trung ương và các địa phương; lực lượng công an phải làm tốt vai trò nòng cốt không chỉ trong đồng bào công giáo mà tất cả đồng bào tôn giáo nói chung.
Phó Thủ tướng mong muốn, sau Hội nghị này phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng tôn giáo nói chung và đồng bào công giáo nói riêng sẽ đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lê Sơn