Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo các ngành, đoàn thể: Nông nghiệp và PTNT; Giáo dục - Đào tạo; Lao động - Thương binh & Xã hội; Nội vụ; Công an; Văn hóa - Thể thao & Du lịch; Hội Nông dân tỉnh…
Đồng chí Nguyễn Thanh Dương phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Sa Pa. |
Thay mặt lãnh đạo huyện Sa Pa, đồng chí Lê Đức Luận, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đã báo cáo với đoàn công tác tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012.
Về tình hình sản xuất: Trước Tết, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã triển khai khá tốt công tác phòng chống rét cho gia súc, cây trồng và cung ứng đủ vật tư, phân bón cho nhân dân làm vụ xuân. Đã sửa chữa 633 chuồng và làm mới 1.576 chuồng gia súc. Huyện đã thành lập các đoàn công tác đi thăm hỏi, chúc tết và tặng quà hàng chục hộ gia đình chính sách tiêu biểu; trên 1.000 hộ nghèo ở các xã và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân phải nằm viện điều trị trong dịp Tết…
Trong dịp Tết, có trên 11 nghìn lượt du khách đến Sa Pa (trong đó có gần 5 nghìn lượt du khách nước ngoài). Huyện cũng tổ chức tốt các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân mới và tổ chức thành công các lễ hội tại thị trấn Sa Pa và 6 xã: Hội xòe dân tộc Tày tại xã Thanh Phú; hội hát then tại xã Bản Hồ; hội hát dao duyện của dân tộc Dao tại xã Tả Phìn; hội xuống đồng của dân tộc Giáy xã Tả Van; hội Gầu Tào của dân tộc Mông tại xã Tả Giàng Phìn, xã San Sả Hồ. Các lễ hội đã thu hút trên 35 nghìn lượt người đến tham dự, trong đó có nhiều du khách quốc tế. Đặc biệt, xuân Nhâm Thìn 2012, lần đầu tiên Sa Pa tổ chức hội thi múa khèn tại xã San Sả Hồ, thu hút 19 nghệ nhân tham gia, có ý nghĩa giáo dục, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…
Sau khi lãnh đạo các ngành của tỉnh phát biểu tham gia với huyện về những mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2012, đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương những nỗ lực mà cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa đạt được trong năm 2011 và các hoạt động đón Tết, vui Xuân. Đồng chí hoan nghênh huyện đã xây dựng được kế hoạch cũng như đề ra những giải pháp, lộ trình trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; xử lý có hiệu quả tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tình hình an ninh nông thôn trong dịp Tết vừa qua. Đồng chí khẳng định: Sa Pa có 4 thế mạnh mà ít nơi có được, đó là phát triển du lịch; phát triển vùng rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, vùng dược liệu; phát triển thủy điện và thương mại - dịch vụ. Huyện cần phối hợp với lãnh đạo huyện Bát Xát quy hoạch tuyến du lịch mới từ Bản Khoang qua Tả Giàng Phình (Sa Pa) tới Pa Cheo (Bát Xát); kiểm tra các tua, tuyến du lịch bản làng, du lịch cộng đồng trước mùa du lịch 2012. Cần duy trì và khơi dậy được bản sắc văn hóa các dân tộc phục vụ du lịch; làm thật tốt công tác vệ sinh bản làng, nhất là các bản làng thường xuyên đón khách du lịch; vận động nhân dân sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ (sản xuất hàng thổ cẩm, mây tre đan, trạm khắc đá, bạc, đồng… phục vụ du khách). Trong sản xuất nông nghiệp, cần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là rau xanh (trong đó có su su), hoa… hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong năm 2012, Sa Pa phải trồng được 1.300 ha cây lương thực trên chân ruộng 1 vụ (gồm 600 ha ngô, còn lại là rau, đậu…). Trong công tác quy hoạch xây dựng, phải xây dựng xong 4 khu dân cư (Đồi thông, Rừng đào, Đồi con gái, khu tây bắc) để bố trí dân cư vào đây, tạo thành khu du lịch hấp dẫn trước khi hình thành thị xã Sa Pa. Công tác xây dựng nông thôn mới được huyện triển khai khá tốt, nhưng phải có lộ trình cụ thể. Năm 2012, xã Nậm Cang sẽ hoàn thành cả 19 tiêu chí, các xã khác nên phấn đấu mỗi năm hoàn thành từ 1 đến 2 tiêu chí. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh hoan nghênh đến năm 2013 Sa Pa sẽ hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và xây dựng xong 457 gian nhà ở, nhà bán trú bán kiên cố cho giáo viên và học sinh.
Đối với công tác an ninh nông thôn, đồng chí Nguyễn Thanh Dương yêu cầu đồng chí Chủ tịch UBND huyện và các ngành cần làm thật tốt công tác tuyên truyền. Phải thành lập được các “Ban đại diện” của dân tộc Mông, dân tộc Dao, đưa những người có uy tín, các già làng trưởng bản vào “Ban đại diện” để họ cùng với cán bộ các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền cho đồng bào của mình, kết hợp việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế; phải công khai các thủ tục hành chính với dân, đặc biệt là công tác quản lý đất đai, hộ tịch, hộ khẩu, chống tham nhũng, lãng phí…
Trước đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm và kiểm tra công tác đón Tết, vui Xuân tại xã Tả Giàng Phình. Qua kiểm tra, đồng chí thấy rằng: Tả Giàng Phìn là một xã nghèo, đời sống nhân dân rất khó khăn; một số người lại nghe theo những luận điệu của kẻ xấu làm mất trật tự, an ninh nông thôn. Hệ thống chính trị ở đây chưa thật ổn định, quản lý địa bàn chưa chặt chẽ… Đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành cần làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý số người qua lại, nhất là những người bỏ đi địa phương khác. Phải củng cố lại hệ thống chính trị, nâng cao vai trò lãnh đạo của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng. Vận động nhân dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, chống thả rông gia súc; không để tài nguyên đất, tài nguyên nước lãng phí, phải tận dụng triệt để đất đai để phát triển sản xuất… Đồng chí cũng sẽ nghiên cứu và ủng hộ xã trong việc xây dựng lưới điện quốc gia lên thôn Cửa Cải (thôn cuối cùng của xã chưa có điện quốc gia), xây dựng thêm hệ thống cấp nước sinh hoạt, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa…