Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ngày 18/5, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị triển khai Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng.
Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với kinh tế thị trường đã công bố là để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua
Mục tiêu đến năm 2018 là hoàn thiện việc rà soát các định mức đã công bố để khắc phục các bất cập. Hoàn thiện các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới. Sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Toàn Thắng |
Ông Khánh cho biết, tổng cộng hiện tại có hơn 20.000 định mức (Bộ Xây dựng công bố gần 18.000 định mức, các bộ chuyên ngành, địa phương ban hành hơn 2.000 định mức khác).
Cục trưởng Cục kinh tế xây dựng dẫn chứng, về nhân công, hiện trong hệ thống đơn giá mới chia ra 2 nhóm với định mức chênh nhau 13% trong khi thực tế có tới 50 loại công việc khác nhau trong lĩnh vực xây dựng mà mức chênh giữa loại nhân công thấp nhất với cao nhất lên tới 600%.
Tương tự, việc xác định định giá ca máy hiện cũng đã quá lạc hậu. Một cẩu tháp hoạt động trong điều kiện chiều cao như nhau, công trình như nhau nhưng đặt ở mặt bằng 5000 m2 so với mặt bằng 2000 m2 thì hiệu suất công việc cũng đã khác nhiều hoặc trong điều kiện thi công có thể hoạt động 24/24 cũng rất khác so với việc chỉ có thể thi công trong đêm… dẫn đến mức chênh giá thuê máy.
Kế hoạch cụ thể thực hiện đề án trong giai đoạn 2 (đến năm 2021), TS. Phạm Văn Khánh khái quát khối lượng công việc lớn khi các cơ quan phải xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo phương pháp mới đã hoàn thiện; hướng dẫn, phổ biến các cơ chế, chính sách, các phương pháp lập định mức và giá xây dựng mới, các tập định mức và giá xây dựng mới lập; đào tạo nâng cao năng lực các chủ thể có liên quan đến lập và quản lý hệ thống định mức và giá xây dựng đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng.
Tại hội thảo, ông Kureyama Hideki, chuyên gia JICA (Nhật Bản) đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản và đề xuất với Việt Nam về quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án công.
Ông Kureyama Hideki nhận xét, hiện tại, những rà soát về giá vật liệu cho thấy nhiều bất hợp lý trong hệ thống định mức đang áp dụng khi tại Việt Nam không tính tới khối lượng vật liệu mua sắm. Cùng một loại vật liệu, như sắt thép hay xi măng thì dù nhà thầu mua với khối lượng bao nhiêu, ít hay nhiều cũng vẫn chỉ áp một đơn giá duy nhất. Chuyên gia Nhật Bản khuyến cáo, cần tính đến khối lượng giao dịch trong đơn giá vật liệu, ví dụ, mua hàng trong khoảng 1-5 tấn thì mức giá phải khác với việc mua một lần số lượng tới 50-200 tấn.
Vị chuyên gia JICA cũng so sánh, cách tính đơn giá máy ở Việt Nam thấp hơn ở Nhật khi nhiều yếu tố như hiệu suất làm việc, số giờ hoạt động, mức nhiên liệu tiêu thụ… của máy không được tính tới. Ông cũng dẫn chứng cụ thể, để thuê máy xúc, máy ủi tại Nhật Bản, đơn giá cần tính toán với từng giờ làm việc cụ thể, hay như cũng là máy súc nhưng mục đích sử dụng để đào đất hay để san lấp mặc bằng, bốc hàng… đều có đơn giá khác nhau, trong khi ở Việt Nam, các nhà thầu chỉ tính theo ca máy, quy chung trong một mức.
Chuyên gia nước ngoài khuyến cáo, cần xác định định mức ca máy trên máy mới chứ không phải máy cũ, tính cả định mức tiêu hao máy móc, chuyển cách tính giá theo giờ thay vì theo ca, theo ngày làm việc.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Lã Hồng Hạnh nhận xét, hệ thống định mức chủ yếu được định mức từ lâu, trên cơ sở công nghệ, thiết bị thi công lạc hậu, năng suất lao động thấp nên chưa theo kịp tiến độ khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới, dẫn đến giá trị dự toán chi phí xây dựng không phản ánh được chính xác chi phí thực tế thi công công trình.
Cùng tham gia đề án lần này, đối với hệ thống định mức chuyên ngành gồm các định mức duy tu, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ/đường sắt/đường hàng không/đường thuỷ nội địa/đường hàng hải, Bộ GTVT đã rà soát để điều chỉnh, bố sung, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Đối với hệ thống định mức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bà Hạnh khẳng định, Bộ này cũng đã rà soát theo điều kiện thiết bị và công nghệ thi công hiện nay, đối chiều với hệ thống định mức đã công bố. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT dự kiến điều chỉnh trên 730 định mức, trong đó ưu tiện thực hiện sớm 550 định mức ảnh hưởng lớn đến giá thành công trình, như định mức đào/đắp đất nền đường, thi công kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, thi công các kết cấu công trình cầu…
Theo bà Hạnh, có nhiều loại công trình kết cấu hạ tầng phức tạp mà nhiều hạng mục công việc thuộc về bí quyết, công nghệ riêng của nhà thầu thi công thì việc xây dựng định mức gần như không thể thực hiện được.
Bà Lã Hồng Hạnh đề nghị xây dựng cơ chế để xác định giá xây dựng thông qua giá bỏ thầu hoặc qua suất đầu tư của các công trình tương tự đã thực hiện trước đó nhằm phản ánh đúng chi phí thi công thực tế, tránh trường hợp áp giá quá cao hoặc quá thấp, gây khó khăn cho việc lựa chọn nhà thầu hoặc tạo ra tham nhũng, lãng phí.
Theo ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia việc giao cho Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ban hành định mức chuyên ngành sau khi thỏa thuận với Bộ Xây dựng áp dụng cho ngành theo quy định và phương pháp do Bộ Xây dựng ban hành là phù hợp. Tuy nhiên cần phải có quy định rõ về ban hành vì thực tế thời gian qua bộ định mức dự toán chuyên ngành công tác lắp đặt đường dây tải điện trên không và trạm biến áp kèm theo Quyết định số 4970/QĐ- BCT ngày 21/12/2016, Bộ Xây dựng chỉ thỏa thuận phần cơ khí và lắp đặt của công trình (từ cốt 0,0 trở lên) mà không thỏa thuận định mức về phần móng, trong khi đó phần móng công trình lưới điện truyền tải cũng hoàn toàn mang tính chuyên ngành lưới điện.
Ông Lẫm cho rằng với việc không được ban hành định mức về phần móng việc khó khăn đầu tiên là không xây dựng được bộ đơn giá chuyên ngành. Ngoài ra còn liên quan đến việc phát sinh phải áp dụng nhiều định mức tỷ lệ chi phía chung khác nhau do phải vận dụng theo định mức các chuyên ngành xây dựng khác.
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, việc rà soát định mức xây dựng đặc thù và dịch vụ đô thị áp dụng địa phương đã công bố; lập định mức xây dựng đặc thù và dịch vụ đô thị mới phải căn cứ vào các quy định và các phương pháp, hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành.
Để tổ chức thực hiện Đề án theo các nội dung phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố, ông Hùng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành các quy định cụ thể về rà soát, điều chỉnh lập và quản lý chi phí có liên quan đến hệ thống định mức và giá xây dựng phù hợp với nội dung của Đề án để địa phương có cơ sở áp dụng.
“Trong quá trình thực hiện xây dựng định mức và giá xây dựng mới đề nghị cơ quan thực hiện cần khảo sát, lấy ý kiến của các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành, các hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội nhà thầu, công ty xây dựng, tư vấn xây dựng tại địa phương để bảo đảm định mức và giá xây dựng mới được lập, ban hành phù hợp với thực tế thị trường và tình hình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đại điện tập đoàn xây dựng Hòa Bình, ông Đinh Hùng Việt, Giám đốc phát triển dự án nhấn mạnh, định mức nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp và chưa theo kịp công nghệ xây dựng đang phát triển hằng ngày, hằng giờ. Ông Việt dẫn ra một loạt bất cập về định mức, đơn giá trong lĩnh vực xây dựng như công tác cọc khoan nhồi, đào và vận chuyển đất, ván khuôn, bê tông, cốt thép…. nêu ví dụ cụ thể như trong định mức xây dựng không có định mức của một số máy mà hiện tại thực tế thi công đang sử dụng rất nhiều như máy: Casagrande, bauer, lift air. Định mức tiêu thụ dầu của các máy này rất lớn khoảng 100 lít dầu/ tiềng.
Vị đại điện của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bày tỏ mong muốn Bộ Xây dựng, các Bộ ngành, tổ chức có liên quan, các tập đoàn xây dựng cùng nhau chia sẻ và đóng góp thêm ý kiến, đề xuất xây dựng cải tiến bộ định mức, đơn giá sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế và công nghệ thi công hiện nay.
Toàn Thắng