Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Mở đầu đợt ra quân, ngay từ đầu tháng 4, các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị.... đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo sự đồng thuận trong các doanh nghiệp vận tải hàng hoá và dư luận nhân dân.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào quy định của Nhà nước về quản lý tải trọng của phương tiện và quy định về bảo đảm an toàn đối với các xe ô tô chở hàng hoá quá tải; mức độ nguy hiểm của xe chở quá khổ, quá tải trọng đường bộ; chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm chở quá tải trọng… .
Vào các ngày 9/4, 15/4, 22/4, Tổng cục Đường bộ đã ra quân mở chiến dịch kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải ở Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định.
Đến nay, nhiều Sở Giao thông vận tải cũng đã phối hợp với Công an tỉnh mở đợt cao điểm huy động lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định về vận tải đường bộ đối với các phương tiện vận tải hàng hoá bằng xe ô tô.
Kết quả, trong thời gian 20 ngày (từ 9 – 28/4/2013), lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 162 trường hợp vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng của ô tô vận chuyển hàng hóa trên Quốc lộ 5 tại Hải Phòng.
Từ ngày 15 - 19/4, tổ công tác liên ngành tỉnh Hà Nam đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 113 trường hợp ô tô tải vi phạm.
Việc các tỉnh ra quân xử lý xe quá khổ, quá tải đã đạt được nhiều thành quả, từ đó giảm thiểu số vụ tai nạn do xe quá khổ, quá tải gây ra cũng như bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo kế hoạch, đến trung tuần tháng 5, nhiều tỉnh sẽ đồng loạt ra quân xử lý xe quá khổ quá tải trên diện rộng.
Để tạo điều kiện cho việc kiểm soát xe quá khổ, quá tải chặt chẽ, đồng bộ trên toàn quốc, Bộ Giao thông vận tải sẽ giao cho Tổng cục Đường bộ đầu tư thêm 10 trạm cân lưu động tại các quốc lộ trọng yếu trên toàn quốc.
Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP về việc xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả ô tô chở hành khách), phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định trong giấy phép lưu hành. Phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe mà tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe, người được chở trên xe) vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường từ 10% - 20%; nếu trên 20% sẽ bị phạt 4 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 60 ngày. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ; điều khiển xe có giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng của xe hoặc tải trọng trục xe (bao gồm cả hàng hóa xếp trên xe nếu có) vượt quá quy định trong giấy phép lưu hành… |
Thanh Hoài