Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lực lương rà phá bom mìn chính quy của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn Bomicen |
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Tuy nhiên, dù được một số tổ chức quốc tế và một số quốc gia trên thế giới hỗ trợ nhưng việc khắc phục hậu quả bom mìn vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
Trên 20% diện tích đất đai ở Việt Nam bị ô nhiễm bom mìn. Ước tính, lượng bom đạn chưa nổ còn sót lại khoảng 800.000 tấn. Tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra, gây thương vong cho nhiều người dân cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nước, cản trở phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nhiều địa phương vẫn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, đặc biệt là các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên, miền Nam và biên giới phía Bắc. Nguyên nhân là do kinh phí còn hạn chế, trang bị kỹ thuật và công nghệ rà phá bom mìn còn thiếu thốn...
Trong cuộc họp báo thông báo về Hội nghị các nhà tài trợ khắc phục hậu quả bom, mìn ở Việt Nam mới đây, Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Trưởng Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam (Chương trình 504) cho biết Hội nghị là dịp để các nhà tài trợ trong nước và quốc tế hiểu rõ về Chương trình 504; hiểu rõ cơ chế, chính sách của Chính phủ Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn.
Ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Trưởng Tiểu Ban vận động Chương trình 504, nhận xét Chương trình rất toàn diện và đồng bộ, có định hướng lâu dài cho cả thời kỳ 2010-2025 trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam. Nguồn lực Chương trình này sẽ được công khai, minh bạch với trách nhiệm giải trình cao.
Qua hội nghị lần này, ngoài thông điệp liên quan đến chính sách hợp tác, huy động, quản lý sử dụng nguồn lực hỗ trợ, chúng ta phải có các sáng kiến, cơ chế cụ thể trong đối thoại chính sách, hợp tác với các đối tác để đạt được tiến bộ mới vì mục tiêu chung.
Tại Hội nghị lần này, nhiều hoạt động rất có ý nghĩa sẽ được tổ chức như việc công bố Quyết định thành lập Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam (VNMAC); Quyết định về Ban vận động thành lập Hội hỗ trợ, khắc phục hậu quả bom mìn; Quyết định về thành lập Quỹ khắc phục hậu quả bom mìn; khai trương Website Chương trình 504.
Hội nghị có mặt nhiều nhà tài trợ trong nước, quốc tế, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế...
Được biết, về hợp tác quốc tế, những năm qua, Chương trình 504 đã ký Bản ghi nhớ với Chính phủ Hoa Kỳ, Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneva (GICHD) và Trung tâm quốc tế (IC); thống nhất khung hợp tác với Chương trình Phát triển LHQ, hợp tác trong khuôn khổ ADMM ; hợp tác với Tổ chức NPA, Golden West; các cơ quan chức năng của Việt Nam đã trao đổi và xúc tiến việc tài trợ với đại diện Chính phủ Nhật Bản, Hungary; đã tiếp xúc, làm việc với đại diện Chính phủ các nước Anh, Na Uy, Thụy sỹ, Đức...
Theo ông Nguyễn Trọng Cảnh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình 504, nhờ sự đầu tư to lớn của Chính phủ, sự nỗ lực rất cao của các lực lượng rà phá bom mìn trong nước cùng sự hỗ trợ quốc tế về nâng cao năng lực quản lý rà phá bom mìn, Việt Nam đã thực hiện một số dự án thí điểm về quản lý chất lượng, giải phóng đất đai; nghiên cứu chế tạo thiết bị rà và thực hành rà phá bom mìn tại nhiều địa phương...
Sau Hội nghị lần này, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực mới. Hy vọng điều đó sẽ góp phần làm cho nhiều cánh rừng sẽ hết đạn bom chưa nổ, nhiều vùng đất sẽ được canh tác, phát triển công nghiệp, dịch vụ an toàn.
Trần Văn