Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thượng tá, TS Phạm Thanh Khiết, Trưởng phòng Quản lý đóng tàu cho biết: Ngày 19/8/2005, Bộ Tổng tham mưu đã ra Quyết định số 889/QĐ-TM, thành lập Phòng Quản lý đóng tàu. Phòng có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về CNQP trên lĩnh vực ĐTQS; chỉ đạo, điều hành kế hoạch đầu tư, sản xuất của khối đóng tàu. Sự ra đời của Phòng Quản lý đóng tàu đánh dấu bước ngoặt lớn trong công tác tham mưu, quản lý chuyên ngành, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về quy hoạch và phát triển ngành ĐTQS ở nước ta.
Ngay từ những năm đầu, Phòng Quản lý đóng tàu đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu xây dựng “Quy hoạch xây dựng và phát triển ngành ĐTQS đến năm 2010, tầm nhìn 2020”, “Quy chế quản lý ĐTQS”, được Bộ Quốc phòng phê duyệt, triển khai trong toàn quân, tạo nền tảng để ngành ĐTQS có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành bộ phận quan trọng của CNQP và công nghiệp đóng tàu quốc gia.
Triển khai Quy hoạch xây dựng và phát triển ngành ĐTQS, tổ chức lực lượng của ngành đã được kiện toàn đồng bộ từ cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu thiết kế, đến các đơn vị đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, bảo đảm tập trung quy tụ các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu quân sự, gắn kết nghiên cứu thiết kế với sản xuất và sửa chữa lớn. Công tác đầu tư phát triển được quan tâm và triển khai có hiệu quả. Từ xuất phát điểm là các cơ sở đóng tàu quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, cơ bản chỉ thực hiện sửa chữa các tàu vận tải quân sự, đến nay, khối các đơn vị ĐTQS trực thuộc Tổng cục CNQP đã cơ bản có cơ sở hạ tầng đồng bộ, các trang thiết bị sản xuất tiên tiến hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đóng mới, sửa chữa, bảo đảm kỹ thuật tàu quân sự cho Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… đồng thời tham gia đóng mới các tàu phục vụ kinh tế và xuất khẩu.
Tàu pháp TT400TP. Ảnh QĐND |
Trong các sản phẩm nổi bật của ngành đóng tàu quân sự phải kể đến lớp tàu pháo tuần tiễu TT400TP; tàu tên lửa thế hệ mới lớp 12418; tàu chở quân K122, tàu quân y K123, tàu đa năng DN2000, tàu cứu hộ, cứu nạn 3.500CV, các lớp tàu tuần tra TT120, TT200, TT400; tàu kéo TKCN2000 và các tàu tuần tra, cứu nạn cho Bộ đội Biên phòng, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn...
Trong đó, tàu pháo tuần tiễu TT400TP do Nhà máy Z173 đóng là loại tàu có thiết kế phức tạp, đòi hỏi trình độ, năng lực công nghệ thi công tiên tiến. Tàu tích hợp pháo hạm tự động AK-176, pháo phòng không tốc độ cao AK-630, tên lửa đối không tầm thấp Igla, súng 14,5mm; hệ thống rađa, hệ thống nhận biết địch, ta; hệ thống quang điện từ, các kho đạn pháo, tên lửa… được tích hợp qua nhiều hệ thống tự động hóa, có tính chính xác cao, bảo đảm tác chiến trong mọi tình huống.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya. Ảnh QĐND |
Tàu tên lửa Molniya (còn gọi là loạt tàu M, hay tàu tên lửa 12418) có lượng giãn nước 560 tấn, tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1650-2400 hải lý. Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…
Ngoài hệ thống radar bám bắt mục tiêu hiện đại đảm bảo độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, Molniya được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran-E tầm bắn 130 km. Để phòng thủ, tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, tầm bắn 15 km, độ cao 11 km để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên đất liền; 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4000-5000 phát/phút...
Tàu cảnh sát biển đa năng DN 2000 là dạng tàu có thiết kế tiên tiến, hiện đại đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Quốc tế. Ảnh QĐND |
Tàu có chiều dài 90,5 mét; chiều rộng 14 mét; chiều cao mạn 7 mét; công suất 12.016 mã lực; tốc độ tối đa 21 hải lý/giờ; có khả năng cứu kéo tàu bị nạn có lượng giãn nước đến 2.200 tấn; có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 12, thời gian hoạt động liên tục trên biển 40 ngày đêm, tầm hoạt động 5.000 hải lý.
Tàu kéo cứu nạn 3500 CV. Ảnh QĐND |
Tàu kéo cứu nạn 3.500 CV có số hiệu 9004, có thể hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết, cấp sóng không hạn chế với thời gian 30 ngày liên tục trên biển.
Đây là loại tàu kéo cứu hộ hiện đại, lớn nhất lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam, có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ngư dân; tuần tra bảo vệ chủ quyền, an ninh trên vùng biển và thềm lục địa.
Tàu chở quân K122, có chiều dài 70,62m; chiều rộng 13,20m, tốc độ 14 hải lý/giờ. Tàu được dùng để chuyên chở bộ đội cùng vũ khí và trang bị cá nhân di chuyển đến vị trí định trước ngoài biển làm nhiệm vụ.
Tàu chở quân K122 |
Tàu quân y HQ-561(số hiệu thiết kế K123) mang sứ mệnh khám chữa bệnh cho tất cả quân dân thuộc quần đảo Trường Sa và ngư dân trên vùng biển Việt Nam…
Tàu HQ-561 có lượng giãn nước 2.200 tấn, vùng hoạt động biển không hạn chế, có thể chở được 180 người, tốc độ tối đa 16 hải lý/h, cự ly hành trình 2500 hải lý, thời gian đi biển đến 40 ngày. Tàu được thiết kế hiện đại với 15 giường bệnh, 4 buồng bệnh, 1 kho vật tư, 1 kho thuốc và nhiều phòng chức năng như phòng hồi sức cấp cứu, điện tim, răng - hàm - mặt, xét nghiệm, phòng mổ, nội soi, siêu âm, buồng giảm áp và phòng X-quang.
Tàu quân y |
Buồng giảm áp được trang bị máy giảm áp thế hệ mới nhất của Mỹ, có nhiệm vụ khám tuyển quân nhân làm nhiệm vụ tàu ngầm và có thể cấp cứu cùng lúc 10 người gặp tai biến khi lặn (một tại nạn thường gặp của ngư dân đi biển). Ngoài ra, tàu còn có phòng hồi sức cấp cứu được trang bị giường hồi sức đa năng, máy thở, máy sốc tim, máy tạo oxy, máy rửa dạ dày tự động, hệ thống monitơ theo dõi bệnh nhân; phòng siêu âm có máy siêu âm màu 4 chiều.
Tàu tuần tiêu cao tốc TT-200 là dạng tàu cao tốc vỏ thép do Viện kỹ thuật Hải quân thiết kế. Tàu hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7 và 8, có thể chịu được cấp 9 và tầm hoạt động là 1800 hải lý. Ảnh QĐND |
Tàu tuần tiễu cao tốc TT 400 là tàu cao tốc vỏ thép, đây là dạng tàu có tính năng kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại. Khả năng tự động hoá, tích hợp các thiết bị trên tàu đồng bộ và chịu được sóng đến cấp 10. Ảnh QĐND |
Tàu đổ bộ/hậu cần Roro 5612. Ảnh QĐND |
Tàu chở quân Roro 5612 là loại tàu đổ bộ/ hậu cần do Tập đoàn Damen-Hà Lan thiết kế, cung cấp trang thiết bị và đầu tư tài chính, được đóng mới xuất khẩu cho Venezuela do cơ quan đăng kiểm DV-Pháp giám sát thi công.
Tàu đổ bộ/ hậu cần Roro 5612 có chiều dài 57,27m, rộng 12m, lượng giãn nước 600 tấn, tốc độ 10,4 hải lý/giờ. Tàu Roro 5612 thích hợp cho việc vận tải, tiếp tế đến các đảo, có thể mang theo các xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ…
Các sản phẩm tàu này là niềm tự hào lớn đối với ngành đóng tàu quân sự và cả công nghiệp quốc phòng nói chung, tạo niềm tin đối với Bộ Quốc phòng và các đơn vị sử dụng tàu; từng bước nâng cao khả năng tự chủ trong bảo đảm trang bị cho quân đội, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước so với mua sắm trang bị từ nước ngoài.
Bên cạnh các sản phẩm quốc phòng, nhiệm vụ đóng tàu kinh tế và xuất khẩu cũng luôn được quan tâm chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai nhằm tăng doanh thu, duy trì đội ngũ người lao động và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Trong 10 năm qua, doanh thu hằng năm của khối đóng tàu quân sự luôn có mức tăng trưởng cao, ổn định (hơn 15%/năm) và chiếm gần 40% tổng doanh thu toàn Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. So với năm 2005, đến nay, doanh thu của khối đóng tàu quân sự tăng gấp 8 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 4 lần.