Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Như vậy, ổ dịch bệnh đã qua thời gian 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu huỷ hoặc lành bệnh mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì dịch bệnh Cúm gia cầm A/H5N1. Sở NN&PTNT Đồng Nai cũng cho biết, ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Khu du lịch Vườn Xoài (thành phố Biên Hòa) khiến 20 con hổ và 1 con báo chết đã an toàn, được khống chế.
Ông Lương Hải Phong, Phó phòng Phòng chống dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai thông tin, từ sau khi dịch xảy ra, Khu du lịch Vườn Xoài đã thực hiện đóng cửa và tổ chức sát trùng tiêu độc hàng ngày. Cơ sở cũng đã tiêm phòng vacxin cúm gia cầm động vật mẫn cảm với bệnh đạt tỷ lệ 93,7% trên số động vật trong diện tiêm.
Trước đó, Khu Du lịch sinh thái Vườn Xoài báo cáo, từ ngày 6/9 - 22/9, dịch bệnh gây chết cho 21 cá thể động vật hoang dã. Nguyên nhân được xác định là do cúm gia cầm A/H5N1. Ngay lập tức, Sở NN&PTNT Đồng Nai đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý dịch bệnh trên động vật hoang dã.
Trước đó, tổng đàn động vật hoang dã tại Khu du lịch Vườn Xoài có 68 loài với 748 cá thể. Số cá thể trên có đầy đủ hồ sơ nguồn gốc nhập khẩu, sinh sản tại vườn thú và trao đổi chuyển giao. Các động vật này cũng được lấy mẫu truy vết virus cúm và được tiêm ngừa vacxin để phòng chống dịch bệnh lây lan. Ngoài ra, lực lượng thú y tỉnh Đồng Nai cũng truy vết yếu tố nguy cơ tại các khu vực xung quanh để kịp thời khống chế, xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y, kết quả giải mã trình tự gen virus cúm gia cầm A/H5N1 trên mẫu Vườn thú Mỹ Quỳnh (tỉnh Long An) và Vườn Xoài là tương đồng 100%. Gen này tương đồng với chủng đang lưu hành tại Campuchia và Lào. Như vậy, có thể đã có sự lây truyền mầm bệnh cúm gia cầm A/H5N1 giữa Vườn thú Mỹ Quỳnh và Khu du lịch Vườn Xoài.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai cho biết, đánh giá nguồn lây có thể từ các nguồn: chim hoang bay vào cơ sở và có thể xâm nhập vào khu vực nhốt hổ, báo. Nguyên nhân khác có thể từ nguồn thức ăn cho hổ và các loài động vật ăn thịt khác trong Khu Du lịch là ức và đầu, cổ gà tươi sống. Nguồn lây khác cũng không loại trừ từ người (bao gồm người chăm sóc và khách tham quan) và phương tiện của cơ sở ra vào khu vực nuôi nhốt hổ, báo.
Đỗ Hương