Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Giá dầu tiếp tục đi xuống trong bối cảnh nội bộ OPEC+ bất đồng quan điểm về hạn ngạch sản xuất. Trong khi, diễn biến thị trường nhóm hàng nông sản cho thấy giá ngô giảm phiên giảm thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 do những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Mỹ.
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch đầu tuần 27/11, giá dầu tiếp tục đi xuống trong bối cảnh Saudi Arabia và các thành viên khác trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bất đồng quan điểm về hạn ngạch sản xuất.
Cụ thể, giá dầu WTI ghi nhận phiên giảm thứ tư liên tiếp với mức giảm 0,9% xuống 74,86 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại 79,98 USD/thùng, giảm 0,7% so với phiên trước.
Hiện Saudi Arabia, quốc gia đơn phương cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7, đang yêu cầu các nước khác trong liên minh OPEC+ giảm hạn ngạch sản xuất. Điều này đã vấp phải sự phản đối từ một số thành viên. Các đại biểu cho biết OPEC+ đang tiến tới thỏa hiệp về vấn đề này trước cuối tuần, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Iraq, Nga và Kazakhstan gần đây đã liên tục tăng sản lượng và vượt hạn ngạch. Trong khi đó, việc cắt giảm của các thành viên châu Phi tương đối khó bởi hạn ngạch đã bị điều chỉnh xuống thấp.
Ngoài ra, UAE cũng khó chấp nhận giảm sản lượng, do đã đấu tranh trong cuộc họp hồi tháng 6 để nâng hạn ngạch thêm 200.000 thùng/ngày trong năm 2024. Sự bất đồng giữa các thành viên OPEC+ làm giảm khả năng cắt giảm sản xuất sâu hơn, từ đó gây sức ép lên giá dầu.
Ngoài ra, việc Iraq đang nỗ lực nối lại xuất khẩu dầu phía bắc qua Thổ Nhĩ Kỳ, cũng góp phần bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Thứ trưởng Dầu mỏ quốc gia này cho biết các quan chức dầu mỏ Iraq sẽ gặp các đại diện công ty dầu mỏ quốc tế và chính quyền Kurdistan vào đầu tháng 12. Cuộc gặp gỡ sẽ tập trung thảo luận về những thay đổi hợp đồng.
Theo MXV, giá đậu tương đã trải qua một phiên giao dịch với diễn biến giằng co. Bên bán và mua vẫn đang cân khá cân bằng do tác động trái chiều của các thông tin liên quan đến nguồn cung tại châu Mỹ. Đóng cửa phiên đầu tuần, giá ghi nhận mức thay đổi không đáng kể so với phiên trước đó.
Giá ngô đã ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Mỹ là nguyên nhân chính khiến giá chịu áp lực trong phiên vừa rồi.
Giá lúa mì đã suy yếu gần 3% vào hôm qua, là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản. Sau giai đoạn biến động tương đối thận trọng, mặc hàng này đã chịu áp lực bán mạnh khi bắt đầu phiên tối.