Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Với ưu thế giao dịch hai chiều, biến động mạnh trên thị trường nông sản và năng lượng đã kéo dòng tiền tăng tích cực trong tuần qua. Giá trị giao dịch toàn Sở cũng đạt trung bình gần 4.700 tỷ đồng mỗi phiên, cao hơn 10% so với tuần trước đó.
MXV cho biết với 4/5 phiên suy yếu, giá ngô hợp đồng tháng 12 khép lại tuần giao dịch 23 - 29/10 với mức giảm lên tới gần 3%, đồng thời chấm dứt chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp. Trong bối cảnh nguồn cung ngô từ khu vực Nam Mỹ đón nhận những tin tức tích cực, lực bán đã chiếm ưu thế áp đảo trong tuần vừa rồi.
Hầu hết các vùng nông nghiệp trọng điểm của Argentina đã nhận được lượng mưa trung bình hơn 30 mm trong đầu tuần trước. Việc mưa xuất hiện liên tục, độ ẩm đất được cải thiện đã giúp nông dân đẩy nhanh trồng ngô vụ mới. Bên cạnh đó, khoảng 15% diện tích ngô của Argentina được đánh giá đạt chất lượng tốt/tuyệt vời trong tuần kết thúc ngày 27/10, tăng từ mức 6% của một tuần trước đó. Triển vọng mùa vụ khả quan ở Argentina đã gây áp lực lớn lên giá ngô.
Trong khi đó, giá lúa mì diễn biến khá giằng co trong tuần vừa rồi. Tuy vậy, bên bán vẫn chiếm ưu thế hơn và khiến giá lúa mì khép lại tuần với mức giảm gần 2%.
Tương tự như ngô, triển vọng mùa vụ khả quan ở Argentina tác động mạnh lên giá lúa mì. Ở chiều ngược lại, một số lo ngại về nguồn cung từ Ukraine đã phần nào thu hẹp đà giảm của giá lúa mì trong tuần trước.
Ở một diễn biến khác rất được các nhà đầu tư quan tâm, giá dầu vẫn theo sát tình hình chiến sự tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, những áp lực từ yếu tố kinh tế vĩ mô lấn át đã kéo giá giảm mạnh trong các phiên đầu tuần qua. Giá dầu WTI chốt tuần giảm 2,88% xuống 85,54 USD/thùng. Dầu Brent giảm 1,82% xuống 90,48 USD/thùng.
Hoạt động kinh doanh tại khu vực châu Âu (EU) duy trì đà thu hẹp trong tháng đầu tiên của quý IV/2023. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) tổng hợp do S&P Global khảo sát đạt mức 46,5 điểm, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 47,4 điểm. Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số nằm dưới ngưỡng 50 điểm, biểu thị sự thu hẹp trong hoạt động kinh doanh sản xuất của khu vực.
Lo ngại nền kinh tế châu Âu tăng trưởng yếu kém có thể làm hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu, đã tạo áp lực lên giá dầu ngay sau khi dữ liệu được công bố.
Bên cạnh yếu tố vĩ mô, diễn biến của giá dầu vẫn đang theo sát bối cảnh “nóng” tại khu vực Trung Đông. Nhưng nỗ lực ngoại giao của Mỹ và châu Âu nhằm xoa dịu các bên đã góp phần hạ nhiệt giá dầu vào các phiên đầu tuần. Tuy nhiên, giá bật tăng trở lại trong phiên thứ Sáu ngày 27/10 trong bối cảnh căng thẳng quay trở lại.
Đây vẫn sẽ là một trong những yếu tố cần được theo dõi trong tuần này. Dự báo giá dầu sẽ còn biến động khó đoán trước tình hình phức tạp tại khu vực.
Ngoài ra, thị trường hàng hóa sẽ hướng sự chú ý vào tâm điểm cuộc họp quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào rạng sáng ngày 1/11. Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group hiện cho thấy 98% ý kiến cho rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất. Nếu kết quả giống với dự đoán và tăng trưởng tại Mỹ tích cực như hiện tại thì giá các hàng hoá có vai trò “phong vũ biểu” cho sức khỏe nền kinh tế, điển hình như dầu thô, có thể tăng trở lại.