• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Dự án chợ Đọ - Hải Dương: Ngang nhiên chiếm dụng đất của doanh nghiệp

Lợi dụng danh nghĩa khiếu nại, khoảng 100 đối tượng đã nhảy vào khu đất của Công ty Thành Dương (đã được UBND tỉnh Hải Dương giao cho thực hiện xây dựng dự án chợ Đọ) để ăn cướp. Đám người này đã góp tiền mua cát, xi măng, gạch... để xây dựng nhà trái phép và tường bao. Phút chốc, khu đất của doanh nghiệp bị biến thành bãi đậu xe của đám người này. Táo tợn, đám này còn đưa một số kẻ “kiện thuê” về địa phương để lòe bịp bà con đóng tiền, góp gạo cho đám “cán bộ” này đi ăn chơi, gây dư luận xấu.

27/09/2011 15:56

Phá hoại nông thôn mới

Trao đổi với chúng tôi, một số người dân (xin giấu tên) sinh sống ngay gần khu chợ Đọ, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang bất bình tố cáo: Những tưởng đợi xây dựng xong khu chợ, chúng tôi được vào buôn bán làm ăn. Ai ngờ, chợ xây dựng xong đã lâu, nhưng bị một số người ngang nhiên hô hào và cấm bà con không được vào họp chợ. Nhưng để vụ lợi, đám này lại xúi giục mọi người xây quây khu đất được cho là sân vận động cũ và chợ cũ lại rồi dựng nhà làm nơi trông giữ xe ô tô tải kiếm tiền. Hàng ngày, đám này cắt cử hẳn một số đối tượng làm bảo vệ và thu tiền của nhà xe.

Điều tra, chúng tôi được biết: Từ ngày 9 đến ngày 12/4/2011, đã có 19 hộ dân tự ý vận chuyển cát, san lấp ao công cộng trái phép. Trong liền 3 ngày, từ ngày 17 – ngày 20/4/2011, các đối tượng cầm đầu khiếu kiện ở đây tiếp tục quyên góp tiền để mua vật liệu xây dựng, xây lên 2 căn nhà trái phép. Thấy vậy, UBND xã Ứng Hòe đã ra thông báo trên đài truyền thanh của xã và yêu cầu đám người này dựng ngay hành vi, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, đám này có khoảng 100 đối tượng tụ tập, kéo lên UBND xã Ứng Hòe gây áp lực trong việc xây dựng. Hậu quả, 2 căn nhà đã được xây trái phép. Một bức tường dài khoảng mấy trăm m bao vây lấy khu đất được cho là đất công cộng như Sân vận động và khi xây bao được khu đất, đám “nổi loạn” này đã tiến hành thu phí trông xe ô tô khi gửi vào đây.Chưa hết: Một số đối tượng bất mãn đã tụ tập trái phép, viết thơ xẩm, tờ rơi và phô tô một số bài viết của Lê Duy Phong, một đối tượng chuyên kiện thuê ở Hà Nội để làm rối loạn tinh thần của người dân. Mục đích chính của các đối tượng này là phá hoại dự án và kiếm chác tiền bạc từ đóng góp của người dân.

Ngang nhiên xây dựng bức tường trong khu đất đã giao cho doanh nghiệp và thu tiền gửi xe trái phép

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Tầng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: Mô hình chợ Đọ là điển hình của huyện trong việc triển khai nông thôn mới. Khi xây dựng dự án, những người dân bị thu hồi đất đều vui vẻ bàn giao đất, không có kiện cáo gì. Nhưng có một số đối tượng chẳng có liên quan lại lợi dụng danh nghĩa tập thể đi kiện đòi sân vận động và chợ cũ. Thực tế khu này đã được UBND tỉnh Hải Dương giao đất cho doanh nghiệp theo Quyết định số 4881của UBND tỉnh Hải Dương. Sau khi nhận được khiếu nại, UBND tỉnh Hải Dương đã ra kết luận rõ ràng. Một số cán bộ địa chính của Huyện Ninh Giang và cả Sở Tài Nguyên và Môi trường làm sai sẽ bị kỷ luật, sai phạm ở đâu sẽ sửa sai ở đó. Nhưng UBND huyện kiên quyết làm đúng pháp luật. Ai cố tình làm mất trật tự trị an sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật.

Luật sư Vũ Thị Bích Hải (Đoàn Luật sư Hà Nội) lại nhìn nhận khác: “Việc người dân địa phương tự ý xông vào khu đất đã được giao cho doanh nghiệp, chiếm dụng làm bãi gửi xe và thu tiền là hành vi, vi phạm pháp luật. Nếu khi đền bù GPMB chưa làm đúng, các cấp, các ngành chức năng sẽ kiểm tra, làm rõ. Không thể “té nước, theo mưa” để gây mất trật tự. Cơ quan chức năng cần triệu tập tất cả các đối tượng đã xây dựng nhà, bờ tường và phá hoại dự án lên để điều tra, làm rõ tội danh. Phải truy tố các đối tượng cầm đầu”.

Sự thật đã rõ

Qua điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng, cơ bản đã xác định rõ: Các đối tượng tập trung quyên góp tiền lập quỹ “Đồng tâm – Hiệp lực” trái phép. Thực tế là một nhóm đối tượng suốt ngày đi vận động nhân dân đóng tiền vào quỹ trái phép. Số tiền này chủ yếu chi tiêu cho việc ăn nhậu,thuê xe ô tô, đưa người lên Hà Nội gây mất trật tự trị an, hoặc đưa tiền cho một nhóm người chuyên viết bài kiện thuê và ra sức cổ xúy cho những hành vi trái pháp luật. Những đối tượng chủ mưu như : Nguyễn Xuân Bẩy, cư trú tại xã Ứng Hòe, là bộ đội nhập ngũ năm 1963, thuộc quân chủng Hải Quân. Năm 1976, Nguyễn Xuân Bẩy bị kỷ luật, cách chức Phó Bí thư chi bộ, cảnh cáo toàn quân do giảm sút ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kém, nại vào lý do bệnh tật và khó khăn gia đình nên không nhận nhiệm vụ đơn vị giao phó (không ra đảo). Sau đó, quân chủng Hải Quân cho phục viên năm 1977. Những tưởng về quê cày ruộng, tu tỉnh làm ăn, Nguyễn Xuân Bẩy lại xúi giục một số đối tượng là Nguyễn Văn Thắng, Bùi Thị Huệ viết đơn tố cáo hòng mưu lợi riêng. Qua theo dõi của các trinh sát, nhóm đối tượng khiếu nại, đầu đơn gây rối đều thường xuyên kéo đến nhà Nguyễn Xuân Bẩy bàn bạc, Bảyngấm ngầm xúi giục nhân dân đòi lại chợ cũ và sân văn hóa. Đối tượng thứ 2 là Hoàng Văn Bảng, nhập ngũ năm 1960, sau đó được nghỉ mất sức năm 1976. Bảng thường xuyên gặp gỡ, bàn bạc với Nguyễn Xuân Bẩy chỉ đạo các đối tượng cầm đầu để gây rối. Đối tượng thứ 3 là Nguyễn Văn Bít, chú ruột của Nguyễn Văn Thắng (đầu đơn). Bít cũng thường xuyên tụ tập với Nguyễn Xuân Bẩy và Hoàng Văn Bảng để kích động người dân khiếu kiện.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Công an Hải Dương cho biết: Hiện cơ quan này đang xem xét để khởi tố một số đối tượng cầm đầu, xúi giục người dân chiếm đất của doanh nghiệp rồi thu tiền trông gửi xe. Ngoài ra, danh sách một số đối tượng mạo nhận mình là “cán bộ Trung ương” do Nguyễn Văn Thắng đưa về để nhận tiền bồi dưỡng và tung tin sai sự thật như Lê Duy Phong, Đỗ Văn Tuấn, Hoàng Văn Sang… đã được các lực lượng nghiệp vụ bí mật ghi hình, ghi âm và sẽ triệu tập làm rõ trong thời gian tới. Động cơ của nhóm đối tượng này là gì ? chúng tôi sẽ còn tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nhóm PVPL