Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án chống ngập do triều tại TPHCM được gọi là dự án cấp bách với kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, giúp Thành phố chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Tuy nhiên, dự án đang có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ 4 do UBND Thành phố vẫn chưa thể ký phụ lục hợp đồng BT để gia hạn thời gian thực hiện. Trong khi hàng nghìn tỷ đồng thiết bị đang phơi mưa nắng, không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Nhằm giải quyết tình trạng ngập úng ở TPHCM, có 2 quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547.
Trong đó, Quy hoạch 752 là quy hoạch nghiên cứu khả thi hệ thống thoát nước đô thị và nước thải TPHCM đến năm 2020, có diện tích khoảng 650 km2 với các giải pháp chính được đề xuất là: Phục hồi và xây dựng mới các hệ thống cống thoát nước; cải tạo hệ thống các kênh trục (Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hoá - Lò Gốm, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Tham Lương - Bến Cát...); nâng cao cốt nền lên +2 m hoặc sử dụng hệ thống đê bao nhỏ và bơm tiêu đối với các vùng đất thấp.
Tuy nhiên, dự án Quy hoạch 752 chưa xét đến ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và điều kiện lún nền. Các tuyến cống thoát nước của Quy hoạch được thiết kế với lượng mưa 92 mm và mực nước triều +1,32 m.
Do đó, để chống ngập úng và phát huy tác dụng của Quy hoạch 752, cần có giải pháp chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và lún nền.
Vì lẽ đó, Quy hoạch 1547 ra đời. Đây là quy hoạch thuỷ lợi chống ngập úng khu vực TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008, có nhiệm vụ chính là chống ngập do triều và lũ, chia ra 3 vùng kiểm soát chống ngập gồm: Toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè và bờ tả sông Vàm Cỏ - Vàm Cỏ Đông (vùng I); vùng ngã ba sông Sài Gòn - Đồng Nai phía bờ tả sông Sài Gòn (vùng II); và khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp (vùng III).
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực trung tâm TPHCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn (Vùng IA1), các hạng mục của dự án thuộc 4 quận và 2 huyện bao gồm: Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 8 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh.
Ngoài ra, dự án khi hoàn thành sẽ giúp Thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát của các dự án thoát nước đô thị (Quy hoạch 752) thông qua hệ thống các trạm bơm đặt tại các cống kiểm soát triều; hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường; góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án; đảm bảo giao thông thuỷ theo cấp và quy định của TPHCM.
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1 với quy mô 6 hạng mục cống kiểm soát triều lớn khẩu độ 40-160 m và hạng mục 7,8 km đê kè - 2 cống kiểm soát triều khẩu độ 10 m và hơn 25 cống nhỏ dưới đê.
Dự án có kinh phí gần 10.000 tỷ đồng, được triển khai vào năm 2016, qua hơn 5 năm, dự án ngăn triều đã phải tạm ngừng 3 lần vì các lý do khách quan khác nhau.
Đến nay, dự án đã đạt tiến độ 93%, tuy nhiên, theo ông Vũ Đình Tân, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT, công ty thành viên của Tập đoàn Trung Nam - chủ đầu tư dự án, hiện dự án có nguy cơ bị tạm dừng lần thứ tư vì phải đợi UBND TPHCM có động thái để đủ cơ sở tái khởi động dự án.
Tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 40 nhằm tháo gỡ vướng mắc để Thành phố tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. UBND TPHCM được giao chịu trách nhiệm trong quá trình hoàn thành dự án đúng theo quy định.
Theo chủ đầu tư dự án, trải qua thời điểm dịch COVID-19, dự án không có thêm sự thay đổi tích cực nào. Sau 14 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 40, Thành phố vẫn thiếu đi các hành động cụ thể để dự án có thể triển khai trở lại.
Đáng nói hơn, trong thời gian 2 năm ngừng trệ, các hoạt động vận hành, an ninh và bảo vệ dự án vẫn được duy trì gần như liên tục đã khiến chủ đầu tư phải chịu áp lực từ các chi phí hằng ngày. Trong khi đó, ngân hàng tài trợ vốn BIDV cũng liên tục có các văn bản đề nghị UBND Thành phố hoàn thiện các báo cáo cho vay thanh toán để BIDV có cơ sở làm việc với Ngân hàng Nhà nước, nhưng dự án vẫn "dậm chân tại chỗ" dù tiến độ đã đạt hơn 90%.
Tháng 6/2022, chủ đầu tư đã có nhiều văn bản gửi UBND TPHCM, chủ động đề xuất các cuộc họp làm việc để xem xét giải quyết các khó khăn, vướng mắc của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ nhận được các phiếu chuyển văn bản từ UBND cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau đó không có bước thực hiện kế tiếp. Một trong những mấu chốt khiến dự án tắc đó là sự im lặng một cách khó hiểu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Mới đây, ngày 20/07, Tổ đàm phán hợp đồng (thuộc UBND TPHCM) có văn bản tổng hợp đánh giá và nhận định, thống nhất phương án điều chỉnh thời gian thanh toán tiền song song với quỹ đất cho chủ đầu tư là phù hợp cho các bên là UBND Thành phố, Ngân hàng tài trợ vốn BIDV và chủ đầu tư dự án.
Theo chủ đầu tư, quỹ đất thanh toán dự án là cơ sở để ngân hàng tài trợ vốn giải ngân, nên quỹ đất phải được xem xét đồng thời với việc gia hạn phụ lục hợp đồng để dự án đủ các điều kiện cần thiết cho việc tái triển khai. Theo hợp đồng BT ký kết năm 2016, quỹ đất thanh toán lúc đầu gồm 7 khu. Tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh tại văn bản của Tổ đàm phán, quỹ đất thanh toán giảm chỉ còn 5 khu đất nhưng vẫn giữ nguyên giá trị thanh toán theo đúng hợp đồng BT ban đầu (16% giá trị được thanh toán bằng quỹ đất Thành phố).
Với cơ sở này, UBND Thành phố cần làm việc với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn dự án, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để ngân hàng BIDV giải ngân, cũng như cam kết phương án quỹ đất cụ thể để chủ đầu tư an tâm triển khai hoàn thành dự án sớm nhất
Dự án chống ngập do triều tại TPHCM là dự án cực kỳ cấp bách để giúp chống triều cường, chống biến đổi khí hậu có liên quan đến hơn 6 triệu dân, đã hoàn thành hơn 93% khối lượng nhưng bị phơi mưa nắng nhiều năm nay. Đã đến lúc cần sự sẻ chia, chung tay thật quyết liệt của lãnh đạo Thành phố. Chúng ta không thể vô cảm với những đòi hỏi chính đáng của nhân dân, của doanh nghiệp./.
Vũ Phong