Rác thải là vấn đề đang "nóng lên" theo nhịp độ đô thị hóa ở các trung tâm tỉnh lỵ đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Vĩnh Long, mỗi ngày có khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt, bãi chôn lấp rác đã quá tải, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và gần đây dư luận địa phương đã bức xúc luận bàn, kiến nghị cơ quan chức năng xem xét năng lực của chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Xử lý rác Hòa Phú.
Phóng viên báo Tài nguyên & Môi trường đã tiếp cận bà Liêu Cát Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển xây dựng Phương Thảo - Chủ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý rác thải Hòa Phú, tìm hiểu về năng lực đầu tư, những khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ, tháo gỡ và các biện pháp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Phóng viên (PV): Bà bình luận thế nào khi dư luận tại địa phương đặt vấn đề về năng lực của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án này?
Bà Liêu Cát Phương Thảo (Phương Thảo): Thực tế, kể từ ngày 14/9/2009 khi được Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long cấp phép xây dựng đến nay dự án mới chính thức được triển khai được một năm rưỡi - chứ không phải 3 năm; tổng khối lượng cát san lấp mặt bằng mà đơn vị được chúng tôi thuê đã thực hiện là trên 100.000m3 - không phải là chỉ có 30m3… Chỉ vài chi tiết cụ thể đó đã cho thấy những thông tin về dự án Nhà máy Xử lý rác Hòa Phú mà một vài phương tiện đại chúng tại địa phương nêu gần đây là chưa chính xác và chưa thấu hiểu việc mà chúng tôi đang làm.
Hơn ai hết - là doanh nghiệp đầu tư vào những dự án xử lý chất thải, những dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, chúng tôi thấu hiểu và đã có rất nhiều cố gắng để nhanh chóng xây dựng Nhà máy Xử lý rác Hòa Phú đưa vào hoạt động, giúp bà con nhân dân trong khu vực này nói riêng, toàn thành phố Vĩnh Long nói chung khắc phục tình trạng ô nhiễm vì rác thải không được xử lý. Chính sự bức xúc về ô nhiễm do rác thải tại địa bàn là cơ sở để hình thành dự án và được UBND tỉnh Vĩnh Long chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời cũng là cơ sở khả thi để chúng tôi liên danh, liên kết cùng các đối tác triển khai dự án này.
Kể từ khi có chủ trương của UBND tỉnh, hơn 2 năm qua, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực, hết sức cố gắng, với quyết tâm nguyện vọng triển khai xây dựng hoàn thành càng nhanh càng tốt.
PV: Xin bà cho biết kết quả cơ bản trong triển khai dự án thời gian qua?
Bà Phương Thảo: Từ tháng 8/2008 sau khi được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, chúng tôi đã lập dự án đầu tư, được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, đến tháng 9/2009 được Sở Xây dựng Vĩnh Long cấp phép xây dựng và đến ngày 29/01/2011 Công ty chúng tôi đã chính thức ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Long, vay trên 100 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhà máy.
Cùng với những việc đó, chúng tôi đã ký hợp đồng với CIBICO san lấp mặt bằng và như ở trên tôi đã nói đến nay chúng tôi đã tiến hành san lấp được trên 100.000m3 cát. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị ký hợp đồng xây dựng nhà theo hình thức BT với Công ty Thái Sơn của Bộ Quốc phòng và khởi công xây dựng trong tháng 4 này. Đồng thời, Công ty chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị máy móc xử lý rác với Công ty LEBLAN (châu Âu) để nhập thiết bị máy móc về kịp lắp đặt ngay sau khi phần che bao nhà xưởng xây dựng xong.
 | Việc san lấp mặt bằng nhà máy đã hoàn tất | |
PV: Bà đánh giá thế nào về kết quả triển khai dự án?
Bà Phương Thảo: Từ năm 2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi lạm phát, suy thoái, các tổ chức tín dụng lúc thì thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, lúc thì thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng theo sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cho dù thắt chặt tiền tệ hay thận trọng đều hạn chế mức tăng trưởng tín dụng, hạn chế cho vay và cho vay với lãi suất cao, điều này ảnh hưởng rất lớn về nguồn vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp nói chung và Công ty của chúng tôi nói riêng.
Thực tế cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi đã rất nỗ lực, với sự tạo điều kiện, hỗ trợ từ phía UBND tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh chúng tôi đã không ngừng khắc phục, vượt qua những vướng mắc trong hợp tác đầu tư, giải quyết được vấn đề tài chính, thủ tục đầu tư, công nghệ, nhân lực... Dù tiến độ triển khai chưa đạt được như ý muốn nhưng kết quả đó thật sự là cả một quá trình rất vất vả...
PV: Cuộc khủng hoảng tài chính tác động xấu đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại ĐBSCL là một thực tế. Thế nhưng, đây là dự án thuộc danh mục được ưu tiên, ưu đãi, thưa bà?
Bà Phương Thảo: Thật ra, nếu dự án của chúng tôi được ưu đãi theo đúng như Nghị định 04 của Chính phủ thì chúng tôi đã triển khai xong từ lâu rồi. Từ ngày 14/09/2009 chúng tôi đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Vĩnh Long thông báo bảo lãnh tín dụng và tôi đã đem thông báo này "gõ" rất nhiều cửa của các ngân hàng thương mại và cả Ngân hàng Nhà nước nhưng đều nhận được sự lãnh đạm và làm ngơ với dự án này vì họ cho rằng không có lãi.
Có một sự thật tôi thấy rất đau xót vì có những dự án không có thật thì các ngân hàng lại cho vay (!?). Có nhiều người vẫn cho là tôi "khùng" khi đổ tiền vào dự án này (!). Thực tế, không ít người chưa biết rõ rằng các dự án xử lý rác thải không chỉ thu lợi nhuận thông thường mà còn có ý nghĩa rất bức thiết để bảo vệ môi trường, vì sức khỏe cộng đồng - an sinh xã hội, đặc biệt là ở một vùng trọng điểm dự báo bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu như ĐBSCL.
PV: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trong bối cảnh lạm phát, chính sách tiền tệ, tín dụng đang xiết chặt lưu thông, bà có kiến nghị gì?
Bà Phương Thảo: Với quy mô 80.000m2, tổng vốn đầu tư gần 200 tỉ đồng, công suất từ 200-300 tấn rác thải/ngày, công nghệ của Nhà máy Xử lý rác Hòa Phú phải nhập khẩu từ châu Âu, hơn nữa thời điểm triển khai dự án bị ảnh hưởng lạm phát, suy thoái, Chính phủ triển khai các biện pháp đối phó - nhất là chính sách tiền tệ, tín dụng… chúng tôi rất cố gắng vừa khắc phục khó khăn vừa duy trì, triển khai từng bước để đi đến kết quả.
Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, người dân Vĩnh Long và các đối tác thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ, tạo điều kiện thuận lợi, cùng với Công ty chúng tôi khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm đưa dự án đi vào hoạt động, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, việc thực hiện các biện pháp hạn chế lượng tiền tệ trong lưu thông là cần thiết. Tuy nhiên, đối với những dự án thuộc danh mục ưu tiên, ưu đãi - nhất là các dự án xử lý chất thải, giải quyết các vấn đề bức xúc về môi trường, an sinh xã hội thì rất cần được quan tâm, hỗ trợ đầu tư để duy trì tiến độ triển khai. Vì vậy, tôi thiết tha kiến nghị đến Thủ tướng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, nhanh hơn, để chúng tôi sớm xây dựng hoàn thành và đưa Nhà máy đi vào hoạt động.
PV: Hiện doanh nghiệp đang làm gì để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và bao giờ Nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động, thưa bà?
Bà Phương Thảo: Giới đầu tư đều biết rõ, thủ tục đầu tư, mặt bằng, nguồn vốn, công nghệ là những khâu cơ bản nhất, những điều kiện cơ bản nhất và cần rất nhiều thời gian, công sức trong quá trình triển khai dự án. Những khâu này đến nay đã được Công ty cổ phần Phát triển xây dựng Phương Thảo thực hiện tương đối hoàn tất. Vấn đề còn lại là triển khai hợp đồng tín dụng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Xử lý rác trên cơ sở hợp đồng đã hợp tác với Công ty Thái Sơn và đưa máy móc thiết bị về lắp đặt.
Chúng tôi ký hợp đồng với đối tác thi công xây dựng trong khoảng thời gian 6 tháng là hoàn thành. Dự kiến vào khoảng tháng 10/2011 Nhà máy sẽ chạy không tải và tháng 12/2011 Nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
PV: Xin cảm ơn bà !
Hoài Phương (thực hiện)