• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Dự án rừng Việt - Đức ở Hoài Ân, Bình Định: Tạo việc làm, giúp phát triển rừng bền vững

Qua gần 6 năm triển khai Dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững (KFW6 - do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ - gọi tắt là Dự án rừng Việt Đức) tại huyện Hoài Ân, đã góp phần tạo việc làm cho gần 4.000 lao động, tái tạo đa dạng sinh học và nâng cao độ che phủ của rừng ở địa phương.

24/10/2011 17:07

Vừa qua, Ban quản lý Dự án rừng Việt Đức huyện Hoài Ân đã tổ chức cho các hộ tham gia Dự án trên địa bàn huyện tham quan, tìm hiểu kết quả trồng rừng của nhau để học hỏi rút kinh nghiệm, nhằm làm tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng (CS-BV-PTR) trong thời gian tới.

Tại khu vực rừng Dự án ở vùng giáp ranh với các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, cây rừng đã lên xanh, trong khi ba năm trước đây, khu rừng này bị tàn phá nghiêm trọng. Năm 2007, 63 hộ dân của xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) đã tham gia Dự án rừng Việt Đức ở đây với diện tích 320 ha. Hộ anh Sử Văn Hà (ở thôn An Hòa, xã Ân Phong) nhận 17 ha, gồm 1,5 ha khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, còn lại là khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung các loại cây như sao đen, lim… Nhờ được trồng, bảo vệ và chăm sóc tốt nên chỉ sau 4 năm, các loại cây trồng và khoanh nuôi tái sinh đã hồi phục và phát triển nhanh; độ che phủ của rừng tăng đáng kể. Gia đình anh Hà đã thành lập trang trại chăn nuôi ở đây, vừa tăng thu nhập, vừa bảo vệ rừng tốt hơn.

Anh Nguyễn Thanh Tùng (ở thôn Bình Sơn, xã Ân Nghĩa) tham gia dự án mới 2 năm với diện tích trên 6 ha, gồm 1,5 ha là đất trống bạc màu, anh trồng mới các loại cây: lim, sao đen, xoan; diện tích còn lại là khoanh nuôi tái sinh. Toàn bộ diện tích anh nhận CS-BV-PTR đã được Nhà nước cấp sổ đỏ với thời hạn 50 năm; được cấp cây giống, phân bón, tiền công chăm sóc. Tuy tình hình phát rừng làm rẫy trên địa bàn xã Ân Nghĩa diễn biến khá phức tạp, song hầu hết diện tích rừng Dự án đều phát triển tốt. Anh Tùng cho rằng, khoảng 10 năm nữa, anh sẽ có nguồn thu nhập khá lớn từ rừng.

Thời gian qua, Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn các quy trình kỹ thuật trồng và quản lý rừng khép kín, từ điều tra xác lập hiện trạng rừng, loại rừng, lập quy hoạch ươm cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ, đến việc xây dựng hệ thống đường băng cản lửa, cách phòng cháy, chữa cháy rừng, khai thác rừng và sản phẩm từ rừng một cách bền vững. Qua tập huấn và thực tế sản xuất, người dân tham gia Dự án đã nắm chắc kỹ thuật CS-BV-PTR, kỹ thuật gieo tạo cây con để tự xây dựng vườn ươm…

Dự án rừng Việt Đức là trồng mới, khoanh nuôi tái sinh, trồng bổ sung các loại cây bản địa đã bị khai thác cạn kiệt. Việc khai thác gỗ rừng và các sản phẩm từ rừng được thực hiện một cách có chọn lọc nên đã tái tạo và duy trì được đa dạng sinh học, bảo tồn quỹ gen, bảo vệ những cánh rừng hỗn giao đa mục đích rất hiệu quả.

Theo ông Trần Tuấn, Điều phối viên Ban quản lý Dự án rừng Việt Đức huyện Hoài Ân: Thành công lớn nhất của Dự án là đã nhanh chóng hình thành cho địa phương một đội ngũ quản lý có năng lực. Các chủ rừng thực sự làm chủ trên diện tích rừng của mình trong 50 năm, vì vậy, họ có ý thức bảo vệ rừng của mình và của cộng đồng.

Hoài Ân là một huyện trung du có diện tích rừng khá lớn. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn bất cập; nhiều cánh rừng tự nhiên đã bị chặt phá để trồng rừng thương mại và các loại cây trồng khác. Dù hiệu quả của Dự án rừng Việt Đức rất thiết thực nhưng diện tích rừng Dự án cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích rừng ở đây. Để làm tốt công tác CS-BV-PTR, tạo điều kiện cho người trồng rừng có thu nhập và làm giàu từ rừng, Nhà nước cần triển khai nhiều dự án trồng rừng hiệu quả như Dự án rừng Việt Đức.

KLT