Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự án Thủy điện Sông Âm đã được duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế |
Dự án Thủy điện Sông Âm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ chuyển đổi 0,1 ha rừng tự nhiên
Gần đây dư luận đưa thông tin về dự án Thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam làm chủ đầu tư bị “bỏ hoang”, “đắp chiếu” nhiều năm chưa hẹn ngày thi công;…
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam khẳng định với Báo điện tử Chính phủ: Trong quá trình thực hiện Dự án Thủy điện Sông Âm, doanh nghiệp đều thực hiện đúng, đầy đủ theo các quy định của pháp luật.
Ngày 24/8/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 3259/QĐ-UBND phê duyệt Phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh.
Trong văn bản này, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển đổi 37,64ha rừng thuộc quy hoạch rừng sản xuất (trong đó có 0,1ha rừng tự nhiên và 37,54ha rừng trồng). Theo đó, Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng Việt Nam phải nộp hơn 1,6 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng 37,64 ha rừng sang mục đích thực hiện dự án thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh, gồm: tiền trồng rừng thay thế đối với rừng tự nhiên là rừng sản xuất chuyển mục đích sử dụng và tiền trồng rừng thay thế đối với rừng trồng là rừng sản xuất chuyển mục đích sử dụng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam khẳng định: “Không có sự việc công ty chúng tôi để “dự án bỏ hoang” cũng như không có việc “mất hơn 37 ha rừng cho dự án thủy điện “đắp chiếu” của Công ty GFS”. Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam cam kết đảm bảo tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn, quy định của các Cơ quan Nhà nước trong suốt quá trình triển khai dự án Thủy Điện Sông Âm.
Dự án chậm triển khai là do nguyên nhân khách quan
Thông tin thêm về tiến độ triển khai dự án, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam cho biết: Việc tiến độ triển khai dự án chậm hơn so với kế hoạch là do nhiều nguyên nhân, vướng mắc.
Trước hết là do tính chất của Dự án thủy điện phải khảo sát địa chất (khoan địa chất trên khu vực đồi núi phức tạp), đánh giá thủy văn kỹ lưỡng (đặc biệt phải đo ít nhất là 3 năm để theo dõi tính toán lượng nước mưa…), đòi hỏi thời gian triển khai dài và yêu cầu kỹ thuật phức tạp hơn so với các công trình dân dụng tại khu vực đồng bằng, từ đó mới đủ dữ liệu khách quan, khoa học để đánh giá mức độ khả thi của dự án.
Thứ hai, để đảm bảo tính khả thi của dự án và tránh tác động đến môi trường (rừng tự nhiên), đồng thời đảm bảo những quy định liên quan của các cơ quan chức năng, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam đã chủ động tìm kiếm đơn vị tư vấn tốt nhất, đưa dự án tới thiết kế tối ưu nhất. Mặc dù thời gian triển khai dài và đã phải tiêu tốn khá nhiều tiền cho quá trình tư vấn thiết kế, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn kiên trì trong suốt quá trình lựa chọn, kiểm tra chéo 3 đơn vị tư vấn dự án có kinh nghiệm lâu năm (Công ty Tư vấn Thủy điện 1, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Thiết kế và Xây dựng Sông Đà, Công ty Tư vấn Monova), chấp nhận chịu nhiều thiệt hại nặng nề về kinh tế để tránh tổn hại tới hàng chục ha rừng tự nhiên (giảm xuống chỉ còn 0,1 ha), đồng thời thỏa mãn được các yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kinh tế, hiệu quả đầu tư, đồng thời chú trọng vấn đề bảo tồn rừng tự nhiên. Bảo đảm giữ môi trường cho địa phương vẫn luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu.
Chỉ có 0,1 ha rừng tự nhiên thuộc dự án Thuỷ điện sông Âm là rừng tự nhiên nghèo kiệt nằm trên vách đá trên bờ sông có trữ lượng rừng rất thấp, chất lượng kém. |
Thứ ba, diện tích chỉ có 0,1 ha rừng tự nhiên thuộc dự án Thuỷ điện sông Âm là rừng tự nhiên nghèo kiệt nằm trên vách đá trên bờ sông có trữ lượng rừng rất thấp, chất lượng kém; khả năng tăng trưởng và năng suất rừng thấp, nếu để rừng phục hồi tự nhiên sẽ không đáp ứng được yêu cầu về kinh tế, yêu cầu phòng hộ.
Thứ tư, về cơ chế chính sách: Thẩm quyền phê duyệt dự án có sử dụng diện tích rừng tự nhiên trước đây được giao cho UBND các tỉnh. Tuy nhiên dự án này được triển khai vào giai đoạn có sự thay đổi các quy định của pháp luật, thẩm quyền phê duyệt được chuyển lên Thủ tướng Chính phủ. Luật Lâm nghiệp ban hành năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) dẫn đến khi xem xét thẩm duyệt dự án, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chờ Nghị định hướng dẫn, làm cho thời gian chờ đợi phê duyệt kéo dài. Đoàn khảo sát liên bộ thẩm tra lại thực địa rừng sau kỳ họp Quốc hội khóa XIV tháng 10/2019.
Những lý do trên dẫn đến việc xem xét phê duyệt chuyển đổi 0,1 ha rừng tự nhiên của doanh nghiệp kéo dài từ năm 2018, trải qua nhiều đợt kiểm tra rà soát cho đến 22/2/2021 mới được chính thức phê duyệt tại văn bản số 204/TTg-NN. Tiếp đó, cho đến ngày 24/8/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3259/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích thực hiện dự án Thủy điện Sông Âm tại huyện Lang Chánh.
Như vậy ngày 24/08/2021 mới là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Việt Nam tiếp tục triển khai dự án đúng theo quy định của pháp luật. Quá trình phê duyệt bị kéo dài, dẫn đến dự án chậm triển khai thực hiện hoàn toàn do những nguyên nhân khách quan, không phải do lỗi của chủ đầu tư. Doanh nghiệp không thể tự ý triển khai dự án khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời gian chờ đợi phê duyệt, toàn bộ diện tích đất, rừng trong quy hoạch của dự án vẫn còn nguyên vẹn, khu vực liên quan đến rừng trồng người dân vẫn canh tác, thu hoạch bình thường./.
Mạnh Trần