Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2022 do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức ngày 20/5, các chuyên gia đã tập trung phân tích về những thách thức cho tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Theo VEPR, thị trường tài chính thế giới biến động mạnh, nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế được thực thi ở các quốc gia nhưng đại dịch cũng làm cho gánh nặng nợ tăng dần. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 tăng trường 3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Đáng lưu ý là bối cảnh hiện nay, lạm phát bắt đầu trở thành hiện tượng toàn cầu.
Ngoài ra, môi trường địa kinh tế chính trị toàn cầu năm 2022 cũng được dự báo là bất ổn hơn, gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới.
Với Việt Nam, VEPR đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
Thứ nhất là các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.
Thứ hai là áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh.
Thứ ba là rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là rất lớn.
Thứ tư là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách "zero COVID" với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam.
Từ những yếu tố trên, VEPR đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản tích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch còn có thể diễn biến phức tạp, việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ phục hồi kinh tế cần phải được ưu tiên.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí... đã đề xuất tại Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022- 2023; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất song cần gắn chặt với việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu…
Đối với đầu tư, các chuyên gia của VEPR cho rằng, triển vọng của dòng FDI toàn cầu năm 2022 là tích cực, tuy nhiên có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự thu hẹp hay mở rộng của dòng FDI toàn cầu như sự bùng phát dịch bệnh, tốc độ tiêm chủng, việc thực hiện các gói kích thích kinh tế, sự đứt gãy chuỗi cung ứng… Ngoài ra, bối cảnh mới có thể ảnh hưởng đến sự chuyển dịch ngành đầu tư của doanh nghiệp đa quốc gia, Việt Nam cần có các giải pháp chính sách để thu hút FDI trong những ngành như vậy.
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế, cần nhận diện rõ những thách thức để tháo gỡ.
Ông Cấn Văn Lực nhận định, rủi ro lớn nhất của cả thế giới hiện nay là lạm phát, 60% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát bày tỏ lo ngại rủi ro lạm phát.
Chỉ số lạm phát bình quân toàn cầu năm nay dự báo khoảng 6,2% cao hơn khá nhiều nếu so với năm ngoái chỉ 4,2%. Vì vậy hầu hết ngân hàng trung ương các nước buộc phải tăng lãi suất, điều này hệ lụy rất lớn. Vị chuyên gia này cho rằng, lạm phát năm nay có thể gấp đôi năm ngoái trở lên, khoảng trên 4%. Nếu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, có thể làm ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế (để phục hồi một trong những giải pháp là hạ lãi suất).
"Thế khó của cơ quan điều hành hiện nay là tăng lãi suất hay không tăng. Tăng lãi suất để siết dòng tiền sẽ kiểm soát được lạm phát, nhưng tăng lãi suất lại kiềm chế tăng trưởng chung của nền kinh tế do vốn cho doanh nghiệp bị siết, ảnh hưởng quá trình phục hồi trăng trưởng", TS Cấn Văn Lực phát biểu.
Bên cạnh đó, một vấn đề nữa với kinh tế Việt Nam là chất lượng tăng trưởng 2 năm vừa qua bị thay đổi, năng suất lao động chỉ tăng khoảng 4-4,5%, ở mức khá thấp so với nhiều năm trước đó.
Phân tích về nợ công, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, so với nhiều nước, nợ công Việt Nam không phải lớn.
"Nếu so với GDP theo cách tính mới, thì nợ công còn xa mới đạt ngưỡng 60%. Vấn đề không phải là vay nợ, mà là khả năng trả nợ. Việt Nam có số thu ngân sách tương đối ổn định, nguồn không phải là thách thức. Hơn nữa, tỉ lệ trả nợ hàng năm/tổng thu thường xuyên NSNN mới gần ngưỡng rủi ro, trần nợ công dưới ngưỡng, việc duy trì trả nợ nợ công ngắn hạn chưa phải khó khăn, nhất là vài năm gần đây Việt Nam huy động trái phiếu Chính phủ ở mức lãi suất khá thấp khoảng 2,81%-2,82%/năm"- ông Vũ Sỹ Cường nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này lưu ý về nợ khu vực tư nhân (ở mức khoảng 140% GDP) tương đối cao so với nhiều nước. Nếu khu vực này gặp khó khăn về thanh khoản, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được nợ thì đó cũng là vấn đề quan ngại.
Huy Thắng