Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
"Chặt chém"khiến nhiều du khách "một đi không trở lại" Việt Nam. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Lâu nay, chuyện “chặt chém” đã trở thành một trào lưu, lối làm ăn khiến hình ảnh du lịch Việt bị ảnh hưởng hết sức tiêu cực.
Đi tiên phong trong phong trào này những địa phương sớm phát triển du lịch như Đồ Sơn (Hải Phòng) nơi lưu truyền câu ví von là “9 tháng mài dao 3 tháng chém”, rồi Sầm Sơn (Thanh Hóa), Vũng Tàu, Cửa Lò (Nghệ An)… Do đặc trưng du lịch có tính mùa vụ rất cao khiến cho những người nông dân, ngư dân chuyển sang làm du lịch, dịch vụ tìm đủ mọi cách moi tiền của du khách để bù lại cho 9 tháng ngồi chơi.
Thậm chí, tình trạng “chặt chém” còn có mặt ở những nơi mà cách đây vài năm người dân vẫn còn được khen là chân chất, mến khách và hào phóng.
Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ chua xót: “Phú Quốc trước đây người dân rất hiền lành, thân thiện. Nhưng bây giờ cũng băt đầu ép khách phải ăn phải uống với cái giá trên trời. Khách đi câu mực nếu không ăn đủ 25 con nhum thì lái thuyền chỉ nhằm những vùng sóng lớn lao vào”.
Câu chuyện nửa con gà giá 600 ngàn đồng ở Sầm Sơn, con cua khi mua nặng 1,2kg khi luộc chỉ còn 400g tại Vũng Tàu mới đây vẫn còn nóng hổi.
Ông Kỳ nói rằng, người kinh doanh dịch vụ đang chỉ nhằm thu lợi bằng mọi cách, nhiều trường hợp không minh bạch, bất chính xảy ra ở nhiều nơi với đủ loại dịch vụ dưới mọi hình thức. Như câu chuyện du khách được chào bán giá tour rất rẻ và bị DN du lịch lấy tiền bằng cách những bữa ăn lèo tèo, xe vận chuyển cũ, phòng khách sạn rẻ tiền, mặc dù đã mua vé tham quan (vé đã bao gồm phí tham quan các điểm có trong lộ trình) nhưng đến bất cứ điểm nào họ cũng phải mua vé…
Cần ứng xử một cách có văn hóa
Người làm dịch vụ “chặt chém” du khách không chỉ thể hiện lối kinh doanh ăn xổi, không đàng hoàng mà còn thể hiện văn hóa ứng xử kém cỏi giữa con người với con người.
Người bán hàng chặt chém từ cái nhỏ nhất, lừa lọc để kiếm lời, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cân thiếu cân điêu. Chủ khách sạn sẵn sàng hủy hợp đồng với lữ hành vì “bắt” được “con mồi” lớn hơn.
Hà Nội đang cấm nói tục chửi bậy, đó cũng là việc tốt, nhưng đó mới là chuyện nhỏ. Mà hãy trung thực trong kinh doanh, hãy kiếm tiền một cách đàng hoàng và chân chính. Đó mới là thứ văn hóa chúng ta cần xây dựng.
Lý giải tình trạng ứng xử văn hóa của người làm du lịch ngày càng xuống dốc. ông Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng số lượng lao động được đào tạo trong ngành du lịch quá ít chính là nguyên nhân cơ bản.
“Trong ngành du lịch có bao nhiêu người hiểu thực sự về ngành du lịch, có chuyên môn được đào tạo bài bản về làm du lịch. So với con số đang lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, tôi tin rằng số người được đào tạo đến nơi đến chốn rất ít. Số lao động sơ cấp rất lớn, thậm chí số lao động phổ thông bị lôi ngay vào làm du lịch là chủ yếu. Điều này xảy ra ở những địa phương mới làm du lịch một cách tự phát”.
Rõ ràng việc phát triển du lịch khiến cho nhiều người dân ở địa phương tham gia trực tiếp được hưởng lợi, nhưng chúng ta chưa thực sự quan tâm tới việc đào tạo nghiệp vụ, nâng cao thái độ nhận thức của đối tượng này.
Trong khi đó, tại Hội An, Đà Nẵng chính quyền địa phương đã rất chú trọng việc đào tạo nâng cao ý thức, nghiệp vụ phục vụ du khách cho người dân địa phương. Họ tuyên truyền để người dân hiểu rằng sự có mặt của du khách là quyền lợi chung, là sự sống còn của chính bản thân họ cũng như cộng đồng. Từ trong ý thức, người dân biết rằng không vì cái lợi nhỏ mà phá vỡ cái lớn.
Vì vậy, cũng không còn cách nào khác ngoài việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức. Khi ý thức được việc phải ứng xử, kiếm tiền một cách văn minh với du khách, chắc chắn người dân sẽ tự nguyện làm đúng.
Nguyệt Hà