Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự kiến tổng số giờ được chi trả tiền lương dạy thêm không quá 150 giờ dạy/năm học
Bộ GDĐT cho biết, việc thực hiện Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC (Thông tư liên tịch số 07) có một số nội dung vướng mắc, khó khăn như: Mâu thuẫn với một số văn bản có tính pháp lý cao hơn; không thể chi trả tiền lương làm thêm giờ do vướng điều kiện được hưởng; không có căn cứ quy đổi giữa tiết dạy của giáo viên với giờ làm việc hành chính; không có nguồn ngân sách để chi trả tiền lương làm thêm giờ.
Do vậy, cần thiết phải xây dựng Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 07 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập nêu trên, bảo đảm quyền lợi của nhà giáo trong việc được hưởng chế độ, chính sách khi giảng dạy, làm việc vượt thời gian quy định.
Dự thảo Thông tư đề xuất bỏ quy định về điều kiện chi trả chế độ thêm giờ cho nhà giáo tại khoản 6 Điều 3 Thông tư liên tịch số 07, thay vào đó chỉ quy định tổng số giờ dạy tối đa trong một năm học mà mỗi cơ sở giáo dục được chi trả thêm giờ.
Đồng thời, bổ sung thêm quy định tổng số giờ dạy thêm giờ trong một năm học của tất cả nhà giáo không được cao hơn tổng số giờ dạy thêm giờ tối đa trong một năm học của cơ sở giáo dục; trường hợp môn học không thể bố trí đủ nhà giáo giảng dạy, nhà giáo phải dạy vượt quá số giờ tối đa được thanh toán cho một nhà giáo, thì người đứng đầu cơ sở giáo dục báo cáo cơ quản quản lý có thẩm quyền để thực hiện chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo.
Dự thảo cũng điều chỉnh tổng số giờ dạy thêm giờ trong một năm học đối với nhà giáo được chi trả tiền lương dạy thêm giờ.
Thay vì quy định tổng số giờ dạy thêm giờ được tính trả tiền lương dạy thêm giờ trong một năm học không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật như hiện hành, dự thảo Thông tư quy định chi tiết tổng số giờ được chi trả tiền lương dạy thêm giờ không quá 150 giờ dạy trong một năm học.
Quy định này bảo đảm phù hợp với đặc thù về hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, để có 01 giờ dạy trực tiếp trên lớp, nhà giáo phải có thời gian chuẩn bị trước khi lên lớp và phải có thời gian sau giờ giảng để đánh giá, xếp loại người học. Quy định cũng nhằm bảo đảm nhà giáo không phải làm việc quá tải, có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.
Dự thảo cũng điều chỉnh tiền lương 01 giờ dạy thêm đối với giảng viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục công tác trong cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Công thức hiện hành là:
Tiền lương 01 giờ dạy | = | Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học | x | 22,5 tuần |
Định mức giờ dạy/năm | 52 tuần |
Tại thời điểm năm 2013, định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm của giảng viên đại học cố định là 900 giờ/năm tính theo giờ hành chính, tổng số giờ làm việc/ năm học với 44 tuần làm việc là 1.760 giờ hành chính. Do đó, có con số 22,5 = 900 x 44/1760. Và với giờ chuẩn giảng dạy/năm là số cố định, những giảng viên có số lương giống nhau thì có tiền lương dạy 01 giờ dạy thêm như nhau.
Tuy nhiên, hiện tại giờ chuẩn giảng dạy/năm học của giảng viên là từ 600 đến 1.050 giờ hành chính. Do đó, nếu giữ công thức tính như hiện hành sẽ có tình trạng, giảng viên cùng mức lương nhưng người có số giờ chuẩn giảng dạy càng cao thì tiền lương 01 giờ dạy thêm càng thấp. Điều này là bất hợp lý.
Do đó, công thức tính được điều chỉnh thành:
Tiền lương 01 giờ dạy | = | Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học | x | Định mức giờ chuẩn giảng dạy/năm tính theo giờ hành chính | x | 44 tuần |
Định mức giờ chuẩn dạy/năm | 1760 giờ | 52 tuần |
Đề xuất này bảo đảm công bằng cho nhà giáo và không để xảy ra tình trạng người ít giờ chuẩn giảng dạy (do thiên về nghiên cứu nhiều hơn) có tiền lương 01 giờ dạy thêm nhiều hơn.
Theo dự thảo, các cơ sở giáo dục được áp dụng quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ này khi trả lương dạy thêm giờ cho nhà giáo trong năm học 2024-2025.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Khánh Linh