Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
* Mở cửa du lịch: Thích ứng-Đón thời cơ
* Hà Nội sẵn sàng phục hồi du lịch trong 'bình thường mới'
Chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón khách
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 16/2/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với đề xuất của Bộ VHTT&DL và ý kiến các bộ, cơ quan tại cuộc họp về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19" từ ngày 15/3.
Trước đó, ngày 10/2, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023 với các mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết việc mở cửa đón khách du lịch là một trong những giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch Thủ đô nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Đối với du lịch nội địa, Hà Nội đã cho phép mở một số dịch vụ và điểm di tích, như danh thắng chùa Hương mở cửa trở lại từ ngày 16/2.
"Tới đây, các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố sẽ được mở đồng loạt để đón khách. Việc cần làm lúc này là các đơn vị, doanh nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để sẵn sàng đón khách, trước mắt là khách nội địa, tiến tới đón khách quốc tế. Cùng với đó là yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh. Để khôi phục hoạt động du lịch, bảo đảm an toàn cho cộng đồng, du khách, Sở tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các công ty, cơ sở hoạt động du lịch", bà Đặng Hương Giang nói.
Theo Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái, việc phòng, chống dịch luôn là nhiệm vụ hàng đầu vì điểm đến có an toàn thì khách mới yên tâm du lịch. Hiện tại, TP. Hà Nội đã có chủ trương mở cửa để phục hồi du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng sản phẩm phù hợp, đặc trưng của Hà Nội cũng như xúc tiến việc đưa - đón khách an toàn.
Còn theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, để thực hiện tốt Kế hoạch số 43/KH-UBND của UBND Thành phố, quận tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định của ngành du lịch và y tế. Tập trung chỉ đạo đa dạng các sản phẩm du lịch nhưng chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, trong đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động du lịch mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc với lối trình diễn sinh động, kết nối thành câu chuyện hình thành, phát triển của Hà Nội.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới đây cũng đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các điểm di tích lịch sử - văn hóa xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện phòng, chống dịch. Tất cả các điểm di tích đều phải có mã QR để quản lý người ra/vào và khai báo y tế theo quy định; bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc. Khuyến khích người tham gia các hoạt động tại di tích đã tiêm đủ 2 liều vaccine trở lên hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ; thường xuyên khử khuẩn, bố trí nước, dung dịch rửa tay trước và sau khi ra, vào khu di tích lịch sử - văn hóa.
Tín hiệu khởi sắc
Với những dự báo lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội, ngành du lịch Hà Nội phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng. Phấn đấu năm 2023, Thành phố đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78-55,78 nghìn tỷ đồng.
Thực tế, ngay từ đầu năm 2022, bên cạnh việc chào bán các gói tour dịp Tết với các chương trình khuyến mại, giảm giá từ 20% đến 25%, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch còn chủ động tìm kiếm thị trường khách mới để sẵn sàng phục hồi. Ngoài những sản phẩm mang tính đặc thù của Hà Nội, như: Tour xe đạp khám phá phố cổ, tour đi bộ "Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội" duy trì hằng tuần, các đơn vị còn xây dựng nhiều sản phẩm "độc, lạ" để hấp dẫn du khách.
Cụ thể, từ tháng 1/2022, Công ty Du lịch Pattours xây dựng gói sản phẩm đưa khách nội địa đi du lịch quốc tế (outbound), trong đó hướng đến tour World Cup Quatar 2022. Công ty Lữ hành VietFoot Travel tổ chức sản phẩm du lịch bất động sản, hướng tới đối tượng khách hạng sang, có khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó, đơn vị cũng chuẩn bị điều kiện để sẵn sàng mở lại các tour đưa khách đi du lịch nước ngoài. Công ty Lữ hành Fivestar Travel tập trung sản phẩm đặc thù là caravan (tự lái xe) kết hợp trekking (leo núi, đi bộ địa hình) dành cho du khách thích mạo hiểm. Dự kiến xu hướng này sẽ bùng nổ hơn vào năm 2022.
Không chỉ hoạt động lữ hành khởi sắc, nhiều điểm đến của Hà Nội cũng có sáng tạo riêng để tăng tính trải nghiệm cho du khách với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đón Xuân Nhâm Dần 2022, làng cổ Đường Lâm tổ chức chương trình tái hiện Tết xưa với nhiều hoạt động như gói bánh chưng, làm kẹo truyền thống. Trong khi đó, Công viên Thiên đường Bảo Sơn xây dựng gói sản phẩm khám phá vườn thú với giá ưu đãi giảm 20%. Theo Ban Quản lý Phố Sách Hà Nội, trong 9 ngày hoạt động, doanh thu toàn bộ các hoạt động kinh doanh tại Phố Sách dịp Tết Nhâm Dần 2022 ước đạt trên 6 tỷ đồng với việc bán được hơn 120.000 bản sách,hu hút đông đảo bạn đọc, du khách ở nhiều lứa tuổi.
Trưởng Ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) Nguyễn Bá Hiển cho biết, trong ngày 16/2 đã có khoảng 5.000 du khách tới tham quan, vãn cảnh và lễ chùa tại đây. Ban Quản lý thường xuyên khuyến cáo du khách thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế. Trước đó, trong 5 ngày chạy thử nghiệm, toàn bộ hệ thống để kiểm tra công tác phòng dịch COVID-19 từ ngày 11/2 đến nay, Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) đã đón khoảng 1,5 vạn lượt khách tham quan.
Với những tín hiệu khởi sắc trên cùng nhiệm vụ rõ ràng đã được đặt ra trong năm 2022, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang bày tỏ ngành du lịch Thủ đô sẽ quyết tâm sớm phục hồi thị trường, đưa "kinh tế xanh" của Hà Nội trở thành "nền kinh tế mũi nhọn" theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
"Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện truyền thông để thu hút khách; đôn đốc các đơn vị nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề; triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội chuyên nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô, hướng đến hội nhập quốc tế", bà Đặng Hương Giang cho biết.
Minh Anh