Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Để có được kết quả trên, ngành du lịch đã tập trung nguồn lực vào các hoạt động phát triển sản phẩm; truyền thông, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch tỉnh và liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước...
Tỉnh tiếp tục triển khai và đẩy mạnh khai thác sản phẩm đặc trưng, như: Du lịch trekking, hiking các đỉnh núi (Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn cao…) với điểm nhấn là "Mùa hoa đỗ quyên".
Phối hợp với tỉnh Lào Cai đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch trekking, chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San); đường đá cổ Pa Vi trên tuyến nối Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát)-Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) và cùng nhau khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tại Khu du lịch đỉnh đèo Ô Quy Hồ và Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn.
Song song với đó, tỉnh cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lòng hồ, hang động, du lịch nông nghiệp... góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến Lai Châu trên tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc.
Các hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được triển khai dưới nhiều nội dung và hình thức, góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Lai Châu đến với du khách thông qua việc đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng số.
Ngoài ra, các huyện, thành phố của tỉnh cũng tổ chức chuỗi sự kiện văn hoá và du lịch đặc sắc, độc đáo, như: Lễ hội Gầu Tào, Xoè Chiêng, Lùng Tùng, Hạn Khuống, Nàng Han, Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt Thổ cẩm tại xã Bản Hon; ngày hội Hương sắc bản Mông, ngày hội hái lê, ngày quốc tế Yoga…
Tỉnh cũng phát động chương trình "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" với các gói kích cầu hấp dẫn, chất lượng dịch vụ tốt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi đến với người dân địa phương và khách nội địa.
Công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch tỉnh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Nhằm hút khách du lịch dịp hè năm 2024, tỉnh Lai Châu đã triển khai chương trình kích cầu du lịch.
Tại các địa phương trong tỉnh, khoảng 60% doanh nghiệp, hợp tác xã có khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, điểm du lịch… đăng ký các gói kích cầu, giảm giá từ 10- 20% giá dịch vụ.
Bên cạnh việc đăng tải thông tin về các gói kích cầu, trên các trang thông tin điện tử, website, fanpage, báo in, báo điện tử… của các sở, ngành, đơn vị, địa phương còn liên tục cập nhật các sự kiện văn hoá-du lịch diễn ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2024. Tỉnh cũng vận động, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động tại cơ quan, đơn vị, tổ chức đăng tải, chia sẻ thông tin về các gói kích cầu, sự kiện văn hoá-du lịch đến người thân, bạn bè thông qua các nền tảng mạng xã hội, như: Facebook, Youtube, Zalo, TikTok, Instagram...
6 tháng cuối năm, ngành du lịch Lai Châu sẽ tiếp tục tập trung vào công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông đến các thị trường mục tiêu, trọng điểm và tiềm năng, như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tổ chức một số sự kiện quảng bá, như: Tuần Văn hoá-du lịch Lai Châu tại Đà Nẵng, Tết Độc lập và Tuần Du lịch-văn hóa Lai Châu tại huyện Than Uyên, Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Lai Châu lần thứ X, Liên hoan hát Then, đàn Tính và nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Lai Châu lần thứ VI, Liên hoan Dân ca tỉnh Lai Châu lần thứ II năm 2024…
Đón các đoàn famtrip, presstrip trong nước đến khảo sát, đánh giá sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch tại Lai Châu; đẩy mạnh hoạt động truyền thông du lịch qua các nền tảng số và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp du lịch vào các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm dịch vụ đến du khách…
Tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh công tác tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Nàng Han, xã Mường So, huyện Phong Thổ, trình Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Thực hiện các hoạt động truyền thông tương tác mạng xã hội trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu năm 2024; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, quảng bá về du lịch Lai Châu; thực hiện các nội dung hoạt động hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM năm 2024; chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Trung Nam Bộ và tham gia các hội chợ du lịch cấp vùng, quốc tế lớn tại Việt Nam...
Cuối tháng 5 vừa qua, Sở VHTT&DL tỉnh Lai Châu đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ đón tiếp khách cho các điểm du lịch ở bản Thẳm, bản Vàng Pheo và bản San Thàng; tổ chức lớp tập huấn lễ tân homestay cho các điểm du lịch ở bản Sì Thâu Chải, bản Thẳm, bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo và bản San Thàng. Đối tượng tham gia là các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch, kinh doanh du lịch homestay và có định hướng kinh doanh các dịch vụ du lịch cộng đồng tại địa phương.
Các học viên được nghe giảng viên Phạm Thị Thu Phương, TS. quản lý kinh tế, Phó Trưởng bộ môn quản trị khách sạn, Khoa Du lịch và khách sạn của Trường Đại học Kinh tế quốc dân truyền đạt 10 chuyên đề về nghiệp vụ đón tiếp khách và 10 chuyên đề về nghiệp vụ kinh doanh du lịch homestay.
Lớp tập huấn diễn ra sôi nổi với nhiều trao đổi liên quan về lý luận cũng như thực tiễn cho học viên và những mong muốn của người dân đối với việc phát triển du lịch gắn với văn hoá, văn hoá gắn với du lịch.
Qua các lớp tập huấn này, học viên là là các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ tiếp thu và vận dụng vào thực tế trong quá trình kinh doanh dịch vụ du lịch của mình, cải thiện cách giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cũng như có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, tôn tạo các tài nguyên tự nhiên và văn hóa của địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng phát triển trong chiến lược phát triển du lịch chung của tỉnh.
Còn học viên là các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ tiếp thu và vận dụng vào thực tế trong quá trình kinh doanh homestay của mình, biết cách ứng dụng công nghệ, cải thiện cách giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cũng như có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, tôn tạo các tài nguyên tự nhiên và văn hóa của địa phương để thu hút du khách đến với Lai Châu ngày một nhiều hơn.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Lai Châu về việc triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2024, ngày 7/6, Sở VHTT&DL Lai Châu đã phát động chương trình "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" bắt đầu tư tháng 6 đến hết tháng 9/2024.
Mục tiêu của chương trình là xây dựng chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn với chất lượng dịch vụ tốt, tạo hiệu ứng cho người dân đi du lịch tới các vùng, miền trong cả nước; góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đưa hình ảnh du lịch Lai Châu đến với du khách trên mọi miền tổ quốc, đồng thời đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch của người dân trên địa bàn tỉnh.
Đã có 60 doanh nghiệp/hộ gia đình, trong đó có 16 cơ sở lưu trú, 27 homestay, 6 khu/điểm du lịch, hợp tác xã mua sắm, 8 khu, điểm du lịch và 11 nhà hàng tham gia chương trình kích cầu, với các nội dung như: Giảm giá phòng lưu trú, dịch vụ tại các khu/điểm du lịch, nhà hàng, karaoke... từ 8-20%... Các doanh nghiệp/hộ gia đình cũng cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng, để lan toả thông điệp "Lai Châu - Khám phá để tận hưởng".
Ngoài gói kích cầu hấp dẫn, 6 tháng cuối năm 2024 trên địa bàn các huyện/thành phố diễn nhiều sự kiện lễ hội văn hoá-du lịch đặc sắc (trong đó phải kể đến là Tết độc lập và Tuần Du lịch-văn hoá Lai Châu năm 2024 được tổ chức tại huyện Than Uyên từ ngày 31/8-2/9).
HA