Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Dự thảo nêu rõ: Thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài của cấp ủy đảng, chính quyền. Việc phát hiện, tiến cử nhân tài là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi công dân, mọi cơ quan, tổ chức. Thực hiện phương châm “Kết nối với nhân tài của ngày mai từ những người có triển vọng tài năng của ngày hôm nay” và phương châm “Bốn tốt” (Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt) trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài.
Phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài là khâu đột phá trong công tác cán bộ của cả hệ thống chính trị. Ưu tiên thực hiện với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị; với cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ; tập trung vào đối tượng cán bộ nguồn cấp chiến lược; chuyên gia, nhà quản lý giỏi; nhà khoa học đầu ngành, ưu tú, tiêu biểu; nhà khoa học trẻ tài năng, tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên, thanh niên và một số cá nhân có thành tích tiêu biểu, vượt trội.
Theo dự thảo, mục tiêu từ năm 2021 đến năm 2025, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành và triển khai thực hiện chính sách cụ thể thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược này và tình hình thực tiễn. Có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững như: chính trị và quản lý điều hành nhà nước; khoa học, công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, cơ sở dữ liệu, tự động hóa... ; giáo dục; y tế; công nghệ sinh học; văn hóa, thể thao.
Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ. Từ năm 2030 trở đi, phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% trở lên với cơ cấu lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ.
Dự thảo cũng nêu rõ, Chiến lược được triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và của các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Đối tượng gồm: Cán bộ, công chức, viên chức là người có tài năng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam và của các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Người có tài năng ở khu vực ngoài nhà nước; người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài; du học sinh Việt Nam trở về nước; sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện ở các cơ sở đào tạo trong nước.
Các giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành chính sách pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài; Nâng cao nhận thức về nhân tài; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân tài gắn với tạo nguồn nhân tài; Tạo môi trường, điều kiện làm việc; Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách nhân tài; Hợp tác quốc tế để thực hiện Chiến lược; Giải pháp về kinh phí.
Thời gian thực hiện từ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chia thành 02 giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025: Tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm đồng bộ với quy định về công tác cán bộ của Đảng. Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia. Bước đầu triển khai thực hiện thí điểm ở một số bộ, ngành, địa phương. Giữa năm 2025 tổ chức sơ kết giai đoạn 1.
Giai đoạn 2, từ năm 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tập trung triển khai thi hành Chiến lược đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở. Giữa năm 2030 tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Khánh Linh