Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005 (Luật Du lịch), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006.
Luật Du lịch được ban hành đã đánh dấu một bước quan trọng trong hệ thống pháp luật về du lịch, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về quản lý hoạt động du lịch.
Sau 10 năm thực hiện, Luật Du lịch đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về du lịch, đảm bảo quyền của người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn và góp phần phát triển kinh tế. Riêng năm 2015, tổng thu từ khách du lịch đạt 337 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 6% GDP quốc gia. Nhiều tỉnh/thành phố đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào ngân sách của địa phương. Việc ban hành Luật Du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện Luật Du lịch vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do thực tế nảy sinh, do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế như các quy định liên quan đến chính sách về ưu đãi, đầu tư, điều kiện kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, quyền và nghĩa vụ của khách du lịch,... cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) gồm 9 chương, 83 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã đề xuất những quy định cụ thể về: Khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch; kinh doanh lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; xúc tiến du lịch, hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch.
Phát triển du lịch bền vững
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc phát triển du lịch như sau:
1- Phát triển du lịch bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm hài hoà giữa kinh tế, xã hội và môi trường; gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên.
2- Bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3- Bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng, quyền lợi và an toàn của khách du lịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch.
4- Phát triển đồng thời du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
5- Bảo đảm sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư trong phát triển du lịch.
6- Góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn