Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Việc sử dụng máy tính bảng tại trường học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng. |
Phần I: Trào lưu hay cuộc cách mạng thật sự?
Việc sử dụng máy tính bảng tại trường học đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, việc thí điểm được lựa chọn rất kĩ lưỡng và không làm đại trà với nguyên tắc “không phải là sử dụng cái gì, mà là sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả”.
Thái Lan: Chỉ là một công cụ
Theo báo Bưu điện Bangkok, việc đưa máy tính bảng vào sử dụng tại Thái Lan được lựa chọn thí điểm từ năm 2012. Trường Rachawinit là 1 trong 5 trường được lựa chọn để thử nghiệm. Đây là một chương trình của Chính phủ được đưa ra trong chiến dịch tranh cử của Đảng cầm quyền, theo đó mỗi học sinh từ lớp 1-4 sẽ được trang bị máy tính bảng Lenevo.
Theo báo JapanTimes, máy tính bảng được sử dụng trong trường học ở Thái Lan cho các môn Toán, Tiếng Anh và Âm nhạc.
Đối với những vùng xa xôi thì việc cấp máy tính cho học sinh giúp xóa đi khoảng cách giữa trẻ em vùng nông thôn và thành thị, tạo cơ hội cho các em mở mang kiến thức và tiếp cận với những công nghệ tiên tiến của thế giới.
Đến cuối năm 2014, Chính phủ Thái Lan dự tính sẽ cung cấp máy tính bảng cho 13 triệu học sinh, với chi phí khoảng 100 USD/máy, tổng chi phí lên tới 1,3 tỷ USD và sẽ thay thế trong vòng 2 năm. Đây được coi là dự án lớn nhất thế giới đưa máy tính bảng đến với ngành giáo dục.
Jonghwi Park, một chuyên gia về công nghệ giáo dục của UNESCO tại Bangkok cho rằng: "Máy tính bảng chỉ là một công cụ, cũng giống như một cái bút chì. Điều quan trọng không phải là sử dụng cái gì mà là sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả!".
Hàn Quốc: Triển khai một cách từ từ
Theo báo Chosun, từ năm 2011, Bộ Giáo dục - Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã công bố dự án đầu tư 2.200 tỷ won (2,1 tỷ USD) vào năm 2015 để tạo ra một môi trường nơi học sinh có thể học tập với những nội dung tốt hơn và mang tính tương tác hơn mọi lúc mọi nơi. Trong đó, học sinh sẽ được sử dụng sách giáo khoa điện tử.
Bộ này nói họ muốn phát triển sách giáo khoa điện tử cho tất cả môn học ở tất cả các trường. Ở giai đoạn đầu chuyển tiếp, sách in và sách điện tử sẽ được dùng song song. Sách điện tử được nói sẽ chứa nội dung của sách giáo khoa thông thường và nhiều nguồn tra cứu như âm thanh, hình ảnh và những câu hỏi thường gặp để giúp học sinh hiểu bài giảng tốt hơn.
Theo Korea Herald, Chính phủ Hàn Quốc đang thúc đẩy việc chấp nhận cách học thông minh mới bằng việc thí điểm sử dụng sách giáo khoa điện tử và hệ thống giáo dục thông minh tại 160 trường trong năm nay. Năm 2012, con số này là 46 trường.
Nhật báo Joong Ang miêu tả một lớp học thông minh ở thành phố Sejong là nơi các em học sinh tiểu học dùng điện thoại thông minh để xem những kiến thức rất trực quan về hệ mặt trời. Các em còn dùng chính thiết bị thông minh để trao đổi và thảo luận bài giảng với các bạn ở trường khác.
Australia: Chọn kỹ đối tượng áp dụng
Một chuyên gia kinh tế sống ở bang Queensland (Australia) cho biết: Việc sử dụng máy tính bảng ở Australia chủ yếu ở các trường trung học, từ lớp 7-12, nhưng phần lớn chỉ ở các trường tư.
Các trường tiểu học trước đây không cho học sinh sử dụng máy tính bảng vì cho rằng học sinh nhỏ tuổi cần phải được tiếp xúc trực tiếp với thầy cô, bạn bè, sách vở trong những năm đầu đi học. Ngoài ra chi phí mua máy tính bảng cũng là gánh nặng, nhất là với các gia đình đông con.
Cách đây 3 năm, hệ thống trường Catholic của bang Queensland quyết định thí điểm đưa máy tính bảng vào lớp học ở năm cuối cấp bậc tiểu học. Họ cho rằng, ở độ tuổi này học sinh đã đủ lớn để có thể phân biệt thế giới thực với thế giới ảo và các em cần được trang bị một số kỹ năng sử dụng máy tính bảng để chuẩn bị cho chương trình trung học. Việc sử dụng máy tính bảng trong lớp cũng khá hạn chế, học sinh chỉ sử dụng một số phần mềm trong danh sách đã được duyệt trước chứ máy tính bảng hoàn toàn không phải để thay thế cho sách vở và các môn học truyền thống.
Hà Lan: Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng
Từ năm 2013, 11 ngôi trường ở Hà Lan có kế hoạch sử dụng iPad trong việc dạy và học, không cần bảng, không cần sách vở. Giới truyền thông gọi đó là những "ngôi trường iPad".
Trường iPad còn có nhiều "không" khác nữa, như không có chỗ ngồi cố định, không có phòng học cố định, không phân chia lớp học cố định, không có giờ ra chơi cố định, không có thời khóa biểu cố định.
Thay vì giảng dạy cho cả lớp, giáo viên hướng dẫn từng học sinh học trên iPad. Giáo viên thực hiện vai trò người hướng dẫn và trợ giúp, không còn là người truyền đạt kiến thức. Thời lượng cho mỗi môn học tùy thuộc vào hứng thú của học sinh. Các em có thể tập trung nhiều hơn vào môn học yêu thích. Những phần mềm dạy học mà các em tiếp xúc đều rất gần với trò chơi. Giáo viên kiểm tra sự tiến bộ của học sinh sau vài tuần, nhưng không đánh giá bằng điểm số. Nhờ phần mềm chuyên dụng, giáo viên và cha mẹ học sinh cùng theo dõi những gì học sinh làm trên iPad, cùng theo dõi số liệu đo lường tiến bộ của học sinh.
Trường iPad mở cửa từ 7h30 đến 18h30 trong ngày làm việc. Học sinh không cần đến đúng giờ, nhưng nhất thiết có mặt trong khoảng thời gian từ 10h đến 15h. Do nhịp độ học tập khác biệt tùy thuộc từng học sinh, học sinh nghỉ học không sợ bị "mất bài". Trường iPad cũng không có thời gian nghỉ hè cố định. Cha mẹ học sinh tùy ý chọn cho con mình kỳ nghỉ phù hợp với chuyến du lịch của gia đình.
Trường iPad vẫn tập trung rèn luyện kỹ năng làm toán, đọc và viết cho học sinh, nhưng xem kỹ năng viết tay trên giấy là thứ yếu. Ngoài ra, trường iPad vẫn có giờ tập vẽ, giờ thể dục, có những giờ chơi lắp ráp, chơi tập thể.
Mỹ: Giảm áp lực sách vở
Ngày càng có nhiều trường học ở Mỹ, từ bậc phổ thông đến đại học, cho học sinh dùng Ipad thay cho sách giáo khoa in truyền thống, tạo nên một cuộc cách mạng trong trường học.
Theo Hiệp hội Cửa hàng Sách giáo khoa của Mỹ, trung bình hàng năm mỗi học sinh Mỹ phải chi 700 USD cho tiền mua sách giáo khoa. Với việc sử dụng Ipad, chi phí sẽ giảm đi rất nhiều và chỉ phải đầu tư mua một lần. Hầu hết các công ty in sách giáo khoa lớn ở Mỹ đang nhanh chóng biến đổi nội dung sách giáo khoa in thành dữ liệu số. Các trường học khuyến khích các nhà xuất bản sách giáo khoa điện tử giảm giá thành để học sinh có cơ hội sử dụng nhiều hơn. Các trường học ở Mỹ cũng có các chương trình hỗ trợ để học sinh, sinh viên có cơ hội được dùng Ipad.
Học sinh, sinh viên có thể học kiến thức, làm bài tập, viết ghi chú, giải câu đố và làm bài kiểm tra trên Ipad. Qua ứng dụng video của Ipad giáo viên có thể biết được học sinh học tập thế nào lúc ở nhà. Hàng ngày học sinh đi học không phải mang theo cặp sách nặng trĩu. Ngoài giờ học, học sinh có thể lướt web và dùng nhiều ứng dụng giải trí khác trên Ipad.
Phần II: Những tiếng nói trái chiều
An Bình (tổng hợp)