• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đường dây 500kV: Kỳ tích của ngành Điện Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Việc xây dựng và vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 có chiều dài gần 1.500 km, công nghệ phức tạp trong một thời gian ngắn kỷ lục trong bối cảnh 20 năm trước đã trở thành kỳ tích của ngành Điện Việt Nam.

27/05/2014 15:27
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của công trình trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm trọng thể 20 năm xây dựng, vận hành đường dây 500 kV Bắc - Nam (1994-2014) và trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia.

Quyết định đúng đắn mang tính lịch sử

Ôn lại những thời khắc quan trọng của quá trình 20 năm xây dựng, vận hành công trình, Phó Thủ tướng đặc biệt gợi nhớ bối cảnh những năm đầu của thập kỷ 90, thế kỷ 20, khi mà hệ thống điện đất nước chưa được kết nối thống nhất và bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt là đối với miền Nam, khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ và năng động, nhu cầu điện cao nhưng lại luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên do nguồn điện chỉ đáp ứng tối đa được 50-60% nhu cầu. Một số khu vực miền Trung cũng phải sử dụng nguồn điện chạy bằng dầu diesel và nhận điện từ miền Bắc qua đường dây 110 kV, điện áp rất thấp. Trong khi đó ở miền Bắc lại có hiện tượng “thừa điện”, các nhà máy nhiệt điện đốt than Phả Lại, Uông Bí, Ninh Bình phải huy động với công suất thấp, nhiều thời gian phải ngừng huy động.

Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng đường dây 500 kV Bắc- Nam mạch 1 để truyền tải điện năng dư thừa từ miền Bắc cấp điện cho miền Trung và miền Nam, liên kết hệ thống điện cục bộ 3 miền thành một hệ thống điện thống nhất đã được đặt ra.

Thủ tướng Chính phủ khi đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu làm rõ 3 vấn đề khi xây dựng đường dây 500 kV, đó là tính khả thi về công nghệ, hiệu quả kinh tế và tính an toàn. Bởi vì bỏ ra gần 5.500 tỷ đồng (tương đương 544 triệu USD) vào thời điểm năm 1992 để đầu tư công trình là một vấn đề rất lớn đối với ngân sách Nhà nước.

“Việc xây dựng và hoàn thành đường dây 500 kV Bắc-Nam mạch 1 có chiều dài lớn (1.487 km), công nghệ phức tạp trong một thời gian ngắn kỷ lục trong bối cảnh 20 năm trước đã trở thành kỳ tích của ngành Điện Việt Nam. Đưa đường dây vào vận hành thành công, chúng ta đã xóa bỏ đi những hồ nghi, e ngại ban đầu và quan trọng nhất là chúng ta đã có một hệ thống điện quốc gia hợp nhất, từ đó đảm bảo việc vận hành kinh tế các nhà máy điện trong cả nước, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện cho sự nghiệp phát triển đất nước”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Tổng kết 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc-Nam mạch 1 khẳng định việc đầu tư đường dây là một quyết định đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, mà trực tiếp là Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Công trình đã đem lại nhiều lợi ích to lớn cho đất nước: Giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của các khu vực miền Nam, miền Trung; góp phần quan trọng trọng việc hình thành hệ thống truyền tải điện bền vững; góp phần phát triển khoa học và công nghệ của đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam và phát triển ngành công nghiệp xây dựng điện của Việt Nam, xây dựng được một đội ngũ cán bộ trưởng thành, qua thử thách.

Ghi nhận và đánh giá cao công lao, đóng góp của nhiều thế hệ, cán bộ công nhân viên ngành Điện, ngành Xây lắp điện, của lực lượng thi công, các lực lượng quân đội, công an, người dân và các cấp chính quyền của các tỉnh, thành phố trong khu vực mà đường dây đi qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mong muốn ngành Điện phát huy truyền thống, thành tựu đạt được, nỗ lực hơn nữa, tiếp tục phát triển nhanh và mạnh hơn nữa về nguồn điện cũng như hệ thống lưới truyền tải để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phát triển KT-XH.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia. Ảnh: VGP/Nguyên Linh

 Sức bật cho phát triển kinh tế đất nước

Ngày 25/2/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định xây dựng đường dây 500 kV Bắc-Nam, nhằm đưa điện từ Bắc vào Nam. Thời gian thi công trong vòng 2 năm và thực hiện đồng thời các bước khảo sát, thiết kế, nhập vật tư, thiết bị và thi công.

Ngày 5/4/1992, công trình được khởi công và sau 2 năm lao động cần cù sáng tạo, không quản ngày đêm của cán bộ, công nhân ngành Điện Việt Nam, công trình truyền tải điện siêu cao áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam được hoàn thành.

Đúng 19 giờ 7 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Việt Nam, với 4 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, tại Trạm 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành.

Để hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trong khoảng thời gian ngắn là sự đóng góp rất lớn của cán bộ công nhân viên các công ty xây lắp 1,2,3,4, Tổng công ty Sông Đà và hỗ trợ rất lớn của lực lượng quân đội, bao gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3 và nhiều đơn vị khác, cũng như sự giúp đỡ và tạo điều kiện mọi mặt của chính quyền 17 tỉnh, thành phố và người dân trong khu vực có công trình đi qua.

Với việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đã giải quyết căn bản tình trạng thiếu điện của miền Nam và miền Trung. Cụ thể, điện thương phẩm của toàn quốc với mức tăng trưởng từ 5 - 6% giai đoạn 1990-1992 đã đạt mức tăng trưởng đột biến lên 18,2% giai đoạn 1993-1997, với đỉnh điểm là 21% năm 1995, trong đó, khu vực miền Trung và miền Nam là 21% giai đoạn 1993-1997 và năm 1995 là 25%; góp phần giúp nền kinh tế của đất nước đạt được tốc độ tăng trưởng GDP từ 5,1% vào năm 1990 lên 9,5% vào năm 1995, trong đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp bình quân đạt từ 12% - 14% trong giai đoạn 1990 - 1995, vượt các chỉ tiêu Đại hội VII của Đảng đề ra.

Sau hơn 10 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, ngày 23/9/2005, ngành Điện Việt Nam lại có thêm một kỳ tích là hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 (Nho Quan - Phú Lâm).

Với việc đưa vào vận hành 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã giải quyết tình trạng thiếu điện rất lớn ở miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội trong giai đoạn 2005-2008. Ngoài ra, 2 mạch đường dây 500kV Bắc - Nam đã thực sự là “trục xương sống” của hệ thống truyền tải điện quốc gia theo cả hai chiều, nâng cao độ an toàn, ổn định cung cấp và chất lượng điện, đồng thời tạo điều kiện để khai thác tối ưu các nguồn điện hiện có trong hệ thống.

Sau 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 và gần 10 năm đường dây 500kV mạch 2, mặc dù công trình đi qua nhiều địa hình khó khăn và hiểm trở nhưng cán bộ công nhân viên EVN, luôn đảm bảo hệ thống lưới điện truyền tải Bắc - Nam được thông suốt, các chỉ tiêu suất sự cố và thời gian ngừng cung cấp ở mức thấp hơn so với thiết kế.

Đến nay, cùng với đường dây 500kV mạch 2, lượng công suất truyền tải trên 2 mạch đường dây đảm bảo vận hành 1.600 - 1.800MW, với sản lượng truyền tải trên 12 tỷ kWh/năm, cao gấp 6 lần so với khi đường dây 500kV mạch 1 đưa vào vận hành.

Để đảm bảo điện mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo cho khu vực miền Nam, đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, với quy mô 437,5 km (hai mạch) và Trạm 500kV Cầu Bông được khởi công xây dựng từ ngày 23/10/2011 và đã hoàn thành đóng điện vào ngày 5/5 vừa qua. Việc đưa vào vận hành đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được xác định là đường dây 500kV mạch 3 của hệ thống lưới truyền tải điện Bắc - Nam, qua đó tăng khả năng truyền tải đoạn từ Pleiku vào miền Nam lên 2.300MW, ngay khi đưa vào vận hành để đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội khu vực miền Nam, làm cơ sở để hình thành hệ thống liên kết lưới điện truyền tải 500kV của Việt Nam với lưới điện trong khu vực.

Nguyên Linh