Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Xin ông cho biết một số thông tin khái quát và tầm quan trọng của dự án đường dây 220 kV Nậm Mô-Tương Dương?
Ông Bùi Phương Nam: Dự án đường dây 220 kV Nậm Mô (Lào)–Tương Dương (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam) là đường dây mạch kép từ biên giới Việt Nam–Lào đến trạm biến áp 220 kV Tương Dương, đường dây có chiều dài 74,4 km, có khả năng mang tải 1.000 MW.
Đây là dự án hoàn thành nhằm kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và 45 năm Ngày ký quan hệ song phương giữa nước.
Đây cũng là dự án quan trọng nhằm thực hiện cam kết song phương giữa Chính phủ hai nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng và thực hiện Hợp đồng mua bán điện đã được ký kết ngày 4/1/2020 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.
Ngoài ra, khi dự án đưa vào vận hành sẽ truyền tải công suất các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Nậm Mô thuộc lãnh thổ Lào về Việt Nam (bao gồm 16 nhà máy thủy điện với tổng công suất 850 MW).
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, đến thời điểm này tiến độ của dự án được EVNPMB1 và các đơn vị thi công thực hiện đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Phương Nam: Tính đến nay, khối lượng hoàn thành chính của dự án bao gồm rà phá bom mìn 145/145 vị trí và khoảng cột (đạt 100%); mở đường thi công đạt 78/145 vị trí, đạt 53,8%; đúc móng hoàn thành 31/145 vị trí. Đồng thời, trong tháng 2/2022 dự án bắt đầu triển khai thi công lắp dựng cột thép.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu hiện tại cơ bản đã hoàn thành theo kế hoạch, riêng đối với các gói thầu cung cấp dây dẫn EVNPMB1 đang tích cực hoàn thiện công tác lựa chọn nhà thầu.
Dự án cũng đã hoàn thành đền bù, hỗ trợ tái định cư 145/145 vị trí cột (đạt 100%). Phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư hành lang tuyến đã trình UBND huyện Tương Dương, Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) và đã được phê duyệt khoảng 80%. Dự kiến tháng 3/2022 toàn bộ hành lang tuyến của dự án sẽ được hoàn thành.
Để có được kết quả này, xuyên suốt quá trình triển khai dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế, đến đền bù giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng, Ban QLDA Điện 1 luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo EVN, sự hỗ trợ, tạo điều kiện của UBND và các sở, ban ngành tỉnh Nghệ An, UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, các xã và nhân dân địa phương có đường dây đi qua.
Được biết, đây là dự án lưới điện truyền tải đầu tiên do EVNPMB1 quản lý điều hành. Trong quá trình triển khai đơn vị gặp những khó khăn gì? EVNPMB1 đã yêu cầu nhà thầu thi công triển khai các giải pháp gì khắc phục những khó khăn này để bảm đảm tiến độ hoàn thành dự án vào tháng 6/2022?
Ông Bùi Phương Nam: Thực hiện dự án dạng tuyến trải dài từ biên giới Lào đến trạm biến áp Tương Dương, EVNPMB1 đã gặp phải rất nhiều thách thức.
Thứ nhất, việc thi công trong phạm vi biên giới nên dự án phải xin các thủ tục và khai báo với nhiều cơ quan chức năng như Đồn biên phòng, Ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm để đưa nhân lực, thiết bị vào vị trí thi công.
Thứ hai, nhiều vị trí cột trong phạm vi rừng tự nhiên đòi hỏi không được chặt phá rừng mở đường thi công, gây ra rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, vận chuyển vật liệu, thiết bị và dẫn tới tiến độ thi công kéo dài.
Thứ ba, địa hình đồi núi phức tạp, nhiều vị trí trên đỉnh núi cao, việc tiếp cận vị trí hố móng rất khó khăn và phải mở đường thi công có độ dốc cao và rất dài. Ngoài ra, thời tiết khu vực vùng cao thường có mưa vào đầu năm, dẫn tới việc đào hố móng và vận chuyển thiết bị gặp phải trở ngại lớn.
EVNPMB1 đã chủ động có những giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, cụ thể: Đã thành lập nhóm tư vấn giám sát để tự thực hiện giám sát; cử những cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm làm đường dây, có chuyên môn phù hợp, tâm huyết với công việc. Nhờ vậy, sự phối hợp giữa bộ phận tư vấn giám sát và bộ phận quản lý dự án không có thời gian trễ và gặp nhiều thuận lợi trong quá trình điều hành dự án.
Đồng thời, áp dụng kiểm điểm tiến độ thi công theo ngày, qua đó quản lý tốt những rủi ro về tiến độ; thường xuyên đôn đốc các nhà thầu tăng cường tổ chức thi công theo nhiều mũi thi công.
Ban cũng thường xuyên rà soát điều kiện thực tế để yêu cầu các nhà thầu có biện pháp vận chuyển vật liệu, cột thép phù hợp trong điều kiện trời mưa, đường trơn trượt và trường hợp không mở được đường thi công. Ngoài ra, EVNPMB1 luôn bám sát chính quyền địa phương để được nhận được sự phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho việc triển khai dự án.
Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2022, bộ phận tư vấn giám sát đã quay trở lại công trường để triển khai công việc đầu năm với Ban điều hành các gói thầu. Đến ngày 12/2, các đơn vị nhà thầu đã ổn định tổ chức và bắt đầu thi công.
Để đáp ứng tiến độ thi công, EVNPMB1 đã định hướng các nhà thầu thi công khép kín từng khoảng néo cột, nhờ đó nhà thầu có thể đồng bộ tiến hành lắp dựng cột thép và kéo rải dây dẫn khép kín mà không có thời gian trễ giữa các bước thi công. Tính đến nay, các nhà thầu đã huy động đủ số mũi thi công theo yêu cầu.
Nhận thức được đây là dự án cấp bách của EVN, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện cam kết song phương giữa Chính phủ hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào trong lĩnh vực phát triển năng lượng nên dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức EVNPMB1 và đơn vị nhà thầu tập trung cao độ, quyết tâm, sáng tạo trong việc thực hiện các giải pháp thi công lắp đặt để đảm bảo mục tiêu hoàn thành đóng điện dự án trong tháng 6/2022 theo chỉ đạo của EVN.
Trân trọng cảm ơn ông
Toàn Thắng (thực hiện)