Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc” |
Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 Ngày thành lập tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2019), với sự tham dự của hơn 500 đại biểu. Gần 90 tham luận khoa học và các ý kiến trình bày trực tiếp tại hội thảo đã làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện trọng đại này, góp phần làm rõ những nhân tố cơ bản làm nên thành công của tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh.
Con đường huyền thoại
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định: Cách đây tròn 60 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương về mở đường chi viện cho cách mạng miền Nam, tuyến vận tải chiến lược đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh từng bước được hình thành, góp phần hiện thực hóa quyết tâm “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của quân và dân hai miền Nam-Bắc.
Từ những lối mòn sơ khai men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh ngày càng hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 17.000 km gồm 5 trục dọc men theo dải Trường Sơn, 21 trục ngang nối với các địa bàn chiến lược, các quân khu, hệ thống đường vòng tránh, đường ống dẫn xăng dầu, đường thông tin liên lạc, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng...
Suốt 16 năm xây dựng và phát triển (1959-1975), hệ thống đường giao thông huyết mạch Trường Sơn không chỉ giữ vai trò là tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược, mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch; nơi hội tụ sức mạnh, niềm tin và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất Tổ quốc; đồng thời, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đại tá, PGS.TS. Đoàn Ngọc Hải, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị) cho rằng, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thể hiện tính sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng, kết hợp những hình thức đấu tranh nhiều phương thức vận chuyển, thể hiện bước phát triển mới trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh của Đảng.
Đường Trường Sơn là một mặt trận, một chiến trường tổng hợp đặc biệt, tổ chức, chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo phương thức binh chủng hợp thành. Trên tuyến đường Trường Sơn có nhiều đơn vị bộ đội, trong đó Bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) là lực lượng nòng cốt. Ngoài ra còn có các lực lượng khác tham gia hoạt động trên tuyến đường như: Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, công nhân giao thông và nhân dân các dân tộc.
Mỗi đơn vị, mỗi lực lượng có vai trò tham gia vào các công việc khác nhau, song đều tập trung vào nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, cung cấp đủ, đúng, đồng bộ các mặt hàng, lực lượng cho chiến trường. Đường Trường Sơn đã vận chuyển gần một triệu tấn vật chất các loại, 40 vạn người ra vào chiến trường...
Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn, Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc nêu rõ, trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, đến mùa khô 1967-1968, với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Cục Thông tin liên lạc đã phối hợp với các lực lượng hình thành 6 đại đội dây trần. Đến tháng 12/1967, tuyến dây trần, kết hợp cáp dã chiến đã nối thông liên lạc đến tất cả các binh trạm trên đường Trường Sơn. Đây là cơ sở hạ tầng quan trọng cho việc xây dựng và hoàn chỉnh tuyến dây trần “Thống Nhất”, bảo đảm liên lạc từ Bắc vào Nam sau này.
Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh: Kỳ tích của dân tộc
Đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại. Đó là một kỳ tích thể hiện sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đảng.
Trên tuyến “lửa” Trường Sơn thời bấy giờ không chỉ là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch mà còn là nơi con người và thiên nhiên phải đối mặt với nhau một cách nghiệt ngã. Để sống, chiến đấu trên mặt trận Trường Sơn, quân và dân ta đã không quản hy sinh gian khổ, kiên cường bám trụ vị trí với khẩu hiệu “còn người còn xe, còn hàng”.
Một thời bám trụ trên các dải Trường Sơn, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Binh đoàn 12 cho biết, đầu những năm 1960, địch phát hiện đường vận chuyển của bộ đội Đoàn 559, chúng tăng cường lực lượng, tăng cường canh phòng, mở nhiều đợt càn quét vào đội hình vận tải của Đoàn. Ngày ấy, bộ đội thường xuyên đối mặt hiểm nguy rình rập thường trực của các loại bom vướng nổ, từ trường, bom nổ chậm, rồi đến loại máy bay AC-130 được gọi là “tên sát thủ”; làm cho các lực lượng trên đường Trường Sơn phải chịu đựng tổn thất lớn cả về người và phương tiện, hàng hóa. Chỉ riêng con số hy sinh đã hơn 2 vạn đồng chí, đồng đội trên mọi ngả đường của chiến trường Trường Sơn.
Theo ông Lê Trúc Phương, nguyên Chánh Văn phòng Ban Hành lang đường giao bưu tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông), trong suốt những năm tháng chiến tranh vô cùng ác liệt, rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, nhiều năm tháng phải chịu cảnh đói cơm, lạt muối củ rừng thay cơm, tro tranh thay muối, rách rưới, ốm đau… Nhưng tại các trạm giao liên trên các cung đường, cán bộ, chiến sĩ luôn quyết tâm “không để đứt trực, giữ vững mạch máu lưu thông của Đảng”, hoàn thành nhiệm vụ chuyển giao thư từ, điện tín, vũ khí, khí tài, đưa đón cán bộ, bộ đội bảo đảm an toàn nhanh chóng và chính xác.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Quyết định mở đường, xây dựng và bảo vệ thành công đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm sắt đá, ý chí “thống nhất non sông” của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tầm vóc và ý nghĩa to lớn của tuyến đường mang tên Hồ Chí Minh được ví như một huyền thoại, một kỳ tích về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng, một thành công xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược của Đảng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đây, nhiều bài học lịch sử và kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật quân sự đã được đúc kết vẫn còn nguyên giá trị để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là trục đường hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt: Kinh tế-văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đường Trường Sơn tiếp tục được nâng cấp, mở rộng cũng là điểm thu hút khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.
Thế Phong