Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ NN&PTNT vừa có thông báo kết quả chuyến làm việc với cơ quan liên quan tại Ủy ban châu Âu của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Trong khuôn khổ chuyến làm việc này, đoàn công tác kỹ thuật của Bộ NN&PTNT về IUU đã có 2 phiên đối thoại với Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC.
Tại đối thoại, phía Việt Nam khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC đối với khai thác thủy sản của Việt Nam.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC; Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam đã cập nhật nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC trong 5 tháng vừa qua (kể từ tháng 10/2017, thời điểm EC cảnh báo "thẻ vàng").
Trong 5 tháng qua, Việt Nam từng bước hoàn thiện khung pháp lý hướng tới quản lý nghề khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế. Luật Thuỷ sản 2017 (sửa đổi) đã cơ bản tiếp cận được với các quy định của quốc tế trong quản lý nghề khai thác hải sản. Hiện tại, Việt Nam đang tập trung vào xây dựng vào ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thuỷ sản. Theo kế hoạch, các văn bản này sẽ được hoàn thành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thuỷ sản vào 1/1/2019.
Một công việc quan trong khác là các bộ, ngành địa phương liên quan tăng cường giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài. Sau khi triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt là tàu cá vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có…
Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác từ hoạt động khai thác bất hợp pháp đi vào chuỗi sản xuất… được đẩy mạnh.
Việt Nam cũng đã tăng cường thông tin, tuyên truyền rộng rãi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, người dân, cán bộ quản lý nghề cá đã nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng cao.
Tại phiên đối thoại, Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC đánh giá cao cam kết ở các cấp chính quyền của Việt Nam, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Công điện 732, Chỉ thị 45, Quyết định 78 với mục tiêu chống khai thác IUU. Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC.
Phía EC cũng ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp để dần đưa khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm. Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong nước, Việt Nam đã xác định rõ lộ trình gia nhập Hiệp định quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là đã quy định các biện pháp xử phạt bổ sung như tước giấy phép khai thác, nâng mức phạt để đảm bảo tính răn đe.
Phía EC nhấn mạnh cùng với việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam cần đẩy mạnh thực thi có hiệu quả việc giám sát tàu cá trên biển thông qua việc xác định rõ lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với hiện trạng nguồn lợi hải sản; quản lý hiệu quả hệ thống đăng ký và cấp giấy phép khai thác hải sản; đẩy mạnh quản lý hoạt động khai thác hải sản tại các cảng cá; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt để ngăn chặn các hoạt động khai thác bất hợp pháp; tăng cường tuần tra trên biển để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Khẳng định sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, biện pháp chống khai thác IUU, phía EC đề nghị Việt Nam chia sẻ dự thảo các văn bản dưới Luật Thủy sản để có thể hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn nhằm đưa các quy định của quốc tế về quản lý nghề cá vào các văn bản này.
Hai bên cũng thống nhất về kế hoạch tiếp tục tổ chức đối thoại để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá vào tháng 5/2018, thời điểm sau 6 tháng Việt Nam triển khai các khuyến nghị của EC (tháng 10/2017-tháng 4/2018).
Hiện, Tổng cục Thủy sản đã chuẩn bị nội dung buổi làm việc sắp tới về việc khắc phục "thẻ vàng" với đoàn công tác của EC.
(nguồn: Tổng cục Thủy sản/VASEP)