Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đòn bẩy quan trọng đưa ETC về đích
Ngày 1/8, tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai, tuyến cao tốc cuối cùng trong 4 dự án cao tốc của Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức thu phí tự động không dừng.
Nút thắt lớn nhất đã được gỡ bỏ, dự án thu phí tự động không dừng ETC (Electronic Toll Collection) đã về đích sau 7 năm với nhiều lần trì hoãn vì gặp không ít khó khăn, vướng mắc tính từ thời điểm triển khai năm 2015. Có những thời điểm dự án đã vướng mắc đến mức phải tách thành 2 dự án thành phần (BOO1 và BOO2).
Việc vận hành ETC toàn quốc không ít lần "lỡ hẹn", thậm chí những thời điểm dự án gần như dậm chân tại chỗ đến mức đã xuất hiện mối lo ngại rằng, ETC sẽ trở thành một “nhiệm vụ bất khả thi”. Lợi nhuận thấp, thu hồi vốn chậm, chủ đầu tư BOT không có nhiều động lực đàm phán, người tham gia giao thông chưa nhận thức đúng về những lợi ích của ETC… Đó là những nguyên nhân chính của sự chậm trễ.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của nhà đầu tư thứ 2 là Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) được coi là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai ETC. Trước đó, dự án chỉ có một đầu tư ban đầu và duy nhất là Công ty TNHH thu phí tự động VETC thuộc Tập đoàn Tasco.
Tốc độ triển khai nhanh chóng hệ thống ePass của VDTC ở 35 trạm thu phí đã thể hiện sự nghiêm túc của doanh nghiệp này đối với dự án. Hợp đồng chỉ mới được ký kết ngày 14/7/2020, nhưng chỉ sau hơn 4 tháng, VDTC đã hoàn thành kết nối 35/35 trạm thu phí (gồm 25 trạm trong dự án BOO2 và 10 trạm ngoài dự án kết nối Backend), đạt yêu cầu của hợp đồng BOT, hợp đồng BOO và chỉ đạo của Chính phủ.
Tại toạ đàm 'Thu phí không dừng-Quyền lợi và trách nhiệm' do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ chi biết, hệ thống thu phí tự động ePass sẽ là một đòn bẩy giúp phổ cập dịch vụ thu phí không dừng trên toàn quốc, tiến đến phát triển giao thông số tại Việt Nam.
Đặc biệt, VDTC là đơn vị đầu tiên của Việt Nam hiện nay làm chủ được hệ thống ETC từ Backend đến Frontend bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ đó kiểm soát chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm cho người tham gia giao thông, cũng như công tác bảo trì, quản lý.
Hành lang pháp lý cho thu phí không dừng đang dần hình thành với Nghị Quyết 437 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Chính phủ, tạo tiền đề cho ETC cũng như sức ép để Bộ Giao thông vận tải, các nhà đầu tư BOT, ETC thúc đẩy tiến độ dự án.
Những lo ngại về tính khả thi, tỉ lệ xe dán thẻ thấp, hệ thống kỹ thuật... của dự án ETC đã được giải đáp khi cao tốc Hà Nội-Hải Phòng thí điểm thành công thu phí ETC hoàn toàn từ ngày 1/6 vừa qua. Dù có một vài trục trặc ban đầu, song chỉ sau thời gian ngắn triển khai, mô hình thí điểm đã mang tới niềm tin lớn trong việc triển khai ETC trên quy mô toàn quốc.
Ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC, cho biết, ban đầu chủ phương tiện còn ngần ngại vì thói quen của người dân, song từ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và qua truyền thông, lưu lượng dán thẻ, cũng như lưu lượng ETC đã tăng rất mạnh.
Theo thống kê, tính đến ngày 2/8 đã có 3,52 triệu xe trên toàn quốc dán thẻ ETC, tăng gần 1,2 triệu xe so với cuối năm 2021. Với tốc độ này, việc đạt tỉ lệ trên 80% vào cuối tháng 8 hoàn toàn khả thi.
Với các xe dán thẻ ETC, thời gian xe qua trạm thu phí tự động được ghi nhận rút ngắn 6-7 lần so với hình thức thu phí thủ công một dừng. Tất cả những bất cập của hình thức thu phí thủ công trước đây như thường xuyên gây ùn tắc, thiếu minh bạch trong kiểm soát doanh thu, hạn chế quá trình hiện đại hoá hạ tầng giao thông... đang được gỡ bỏ nhờ ETC.
Sau hơn một tuần triển khai thu phí ETC hoàn toàn trên các cao tốc vẫn cho thấy, còn một số bất cập cần khắc phục như xe không qua trạm vẫn bị trừ tiền; mất phí khi nạp tiền tài khoản ETC, chưa liên thông được tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng; trục trặc kỹ thuật từ hệ thống ETC...
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, giai đoạn đầu triển khai nên chắc chắn phát sinh nhiều vấn đề khó khăn. Điều quan trọng là phối hợp tháo gỡ, từng bước tạo sự đồng thuận hoàn thiện quy trình. Về lâu dài, để bảo đảm lợi ích cho cả chủ đầu tư và người tham gia giao thông, các chuyên gia cho rằng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để ETC có thể chuyển sang hình thức trả sau.
Sau giai đoạn 1 hiện nay, tới đây thu phí không dừng sẽ tiến tới giai đoạn 2 và sau đó là giai đoạn 3-4 (giai đoạn đa làn tự do), từ trả trước sang trả sau, đồng thời bỏ barie và các trạm thu phí hiện nay, tạo thuận lợi tối đa cho người dân. Đây cũng là giai đoạn phát huy hiệu quả cao nhất của thu phí không dừng, hoàn toàn tự động từ lưu thông đến trả phí.
Trong nửa đầu 2022, VDTC đã phát triển được gần 400.000 thuê bao ePass mới, đạt 88% kế hoạch năm. Đến nay tổng số thuê bao ePass đã đạt con số 1,5 triệu.
HM