Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Khủng hoảng người di cư đã và đang khiến cả châu Âu nhức nhối cho dù đã có nhiều cố gắng trong suốt thời gian qua. |
Cánh cửa Thổ Nhĩ Kỳ
Bất ổn tại các nước ở Trung Cận Đông và Bắc Phi như Syria, Afghanistan, Iraq, Libya… đã khiến hàng triệu người phải bỏ quê hương chạy về “Lục địa già” để tìm nơi nương thân. Suốt hơn 1 năm qua, dòng người ồ ạt tràn vào châu Âu khiến EU bối rối và hầu như không làm chủ được tình hình.
Nhiều quốc gia đã buộc phải dựng lên những trạm kiểm soát trên các nút giao thông cắt qua biên giới của mình, điều này vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự do di chuyển, tự do lưu thông của Liên minh châu Âu. Vì thế các nhà lãnh đạo của EU chỉ còn trông chờ vào Ankara. Như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã từng nói, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải cố gắng để không một người nhập cư nào có thể tự do vào được châu Âu.
Mặc dù cuối năm ngoái, EU và Thổ nhĩ kỳ đã ký biên bản thỏa thuận về việc Brussels chi cho Ankara 3 tỉ euro để xây dựng, nâng cấp các trại tị nạn và củng cố các trạm kiểm trên soát biên giới. Thế nhưng đã hơn ba tháng trôi qua, vẫn chưa thấy bên nào “động đậy” để thực thi những gì đã cam kết.
Bức xúc trước tình hình, đã có một số nước thành viên EU (mà điển hình là Italy) phản đối viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản tiền này. Trong khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đang đàm phán tại Brussels thì ở nhà, Tổng thống Erdogan đã úp mở “Ankara đã bỏ ra ngót nghét 10 tỉ euro rồi vì thế 3 tỉ euro là quá ít…”. Và tại Brussels, Thủ tướng Ahmet Davutoglu cũng “đồng thanh” rằng ông ta đến cuộc hội đàm không chỉ để bàn về vấn đề người tị nạn hay vấn đề tiền bạc mà còn với nhiều lời đề nghị nghiêm túc hơn.
Ngã giá
Đề nghị đầu tiên mà Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là số tiền 3 tỉ euro quá ít so với những chi phí để bảo đảm cho cả triệu người tị nạn lưu trú tại quốc gia này. Tuy nhiên theo một số lập luận, phần lớn người nhập cư là dân Syria mà Ankara lại là một trong những tác nhân để bất ổn dai dẳng kéo dài ở nơi đây.
Vấn đề thứ hai mà Thủ tướng Davutoglu mong muốn ở EU là ngay trong năm nay (đến khoảng trung tuần tháng 9/2016) mọi công dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh vào châu Âu.
Đề nghị này quả thực là gây khó cho châu Âu bởi sẽ không chỉ “lực lượng lao động giá rẻ” có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ vào làm việc chui trong các nước thuộc EU mà ngay cả an ninh của khối này cũng bị đe dọa.
Đề nghị thứ ba mà Ankara muốn được EU thông qua về mặt nguyên tắc trong việc xây dựng trên lãnh thổ Syria một vùng dành riêng cho người tị nạn. Đã từ lâu Ankara đưa ra đề xuất này với phương Tây và cũng từ lâu sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Iraq và Syria đã vấp phải sự phản đối của không ít quốc gia phương Tây.
Nếu EU "bật đèn xanh" cho việc này, sẽ chẳng khác nào chấp thuận cho Ankara được phép chiếm giữ lãnh thổ của quốc gia khác mà không được sự đồng ý của quốc gia chủ quản hay của Liên Hợp Quốc.
Mong muốn cuối cùng của Thủ tướng Davutoglu mới thực sự đẩy lãnh đạo EU vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đó là kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên chính thức của khối này. Trong bài phát biểu của ông Davutoglu tại cuộc gặp gỡ chính thức ở Brusels có đoạn: “Cuộc họp thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy không chỉ có đất nước chúng tôi cần cho EU mà chính EU cũng cần cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tóm lại là đã đến lúc chúng ta luôn cần cho nhau và chúng tôi đã sẵn sàng cho việc gia nhập để trở thành thành viên của ngôi nhà chung châu Âu”. Quả thực Ankara đã chọn thời điểm không gì thuận lợi hơn để đưa ra đề xuất này.
![]() |
EU muốn Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tốt hơn biên giới trên biển của nước này với Hy Lạp. |
Và trả giá…
Đã có những nhận xét rằng những bất ổn ở Trung Cận Đông và Bắc Phi trong nhiều năm qua đều có dấu vết và bóng dáng của phương Tây. Việc người dân ở khu vực này phải đổ tiền của và thậm chí cả máu để tìm nơi nương náu bình yên hơn cho mình cũng chỉ bởi từ sự bất ổn triền miên này. Sau khi phương Tây mà người khởi xướng chính là Paris lật đổ Tổng thống Libya Gaddafi, tình hình tại đây càng trở nên rối ren hơn. Vai trò của châu Âu trở nên mờ nhạt. Ngay cả việc Nga tiến hành không kích ở Syria để từ đó đạt được sự thỏa thuận ngừng bắn như hiện nay dường như cũng không làm cho EU “xúc động”.
Thay vì cùng chung sức để giải quyết tận gốc của vấn đề, tạo dựng lại sự bình yên để người tị nạn dần quay trở về nhà mình thì EU lại chỉ đi lo “dọn dẹp” những gì đang diễn ra.
Tại hội nghị ngoại trưởng của Liên minh châu Âu diễn ra hồi tháng 10 năm ngoái, chính Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier đã chỉ ra nguồn cơn của cuộc khủng hoảng này: “Không còn nghi ngờ gì nữa, hỗn loạn và giao tranh đang diễn ra ở Syria là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân bỏ chạy sang châu Âu. Mọi nỗ lực chính trị hiện nay là chưa đủ khiến cuộc chiến ở đây có thể hạ nhiệt”.
Ban đầu người tị nạn Syria chỉ chạy sang các nước láng giềng như Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đến khi người tị nạn đã đông đến mức “náo loạn” cả Thổ Nhĩ Kỳ thì việc họ tràn sang châu Âu cũng là lẽ hiển nhiên.
Theo tuyên bố, phía Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ “tóm gọn không trừ một ai”, những người muốn vượt qua biên giới để vào châu Âu và đổi lại EU sẽ tiếp nhận những người được coi là nhập cư hợp pháp vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Brussels hy vọng bằng thỏa thuận này, “hành trình qua Balkan” của người tỵ nạn sẽ hoàn toàn bị đóng lại. Tuy nhiên bất cập là ở chỗ Ankara bỗng nhiên được quyền kiểm soát tuyệt đối dòng người tị nạn. Và liệu có hay không những người sau vài lần bị bắt trở lại trại tị nạn của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành người được hưởng quy chế tị nạn để “ung dung” sang EU hưởng tiền trợ cấp?
Như Chủ tịch Liên minh châu Âu Donald Tusk đã tuyên bố, hội nghị đã thống nhất được một số vấn đề có tính nguyên tắc tạo tiền đề cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên những thỏa thuận này có được thực thi hay không vẫn còn là cả một câu hỏi. Bởi như Tổng thống Pháp François Hollande đã nói, các công dân Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn được miễn thị thực khi nhập cảnh vào châu Âu thì phải đáp ứng được 72 tiêu chí mà EU đã đề ra.
Xem ra, cùng là để giải quyết cuộc khủng hoảng về người nhập cư, nhưng mỗi bên - EU và Thổ Nhĩ Kỳ - đều có một cách tiếp cận của mình và để đạt được cái đích cũng không hề giống nhau.
Trước mắt, như Ngoại trưởng Đức đã nêu, súng phải ngừng nổ và máu phải thôi đổ để người dân ở nơi đây có thể bình tâm, quay trở về với nguồn cội của mình.
Phạm Hoàng