Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sau nhiều năm tiến hành đàm phán và rà soát pháp lý, tới đây hai hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ cùng được ký kết vào ngày 30/6. Tiến sĩ Chu Hoàng Long, Giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách công Crawford, Đại học quốc gia Australia (ANU) đưa ra một số nhận định về sự kiện này.
Theo Tiến sĩ Chu Hoàng Long, EVFTA và EVIPA được ký kết là một tin vui với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi khó dự đoán do tác động của cuộc cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một cuộc cạnh tranh thương mại phiên bản mở rộng đã tạo ra sự biến động không nhỏ trong luồng trao đổi hàng hóa, dịch vụ và luồng vốn đầu tư toàn cầu.
Việc ký kết hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư với EU cho thấy vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu tăng lên. Đây là hiệp định toàn diện nhất mà EU từng ký với một quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho những giao dịch của EU với các nước có nền kinh tế mới nổi khác. Ký kết hiệp định với EU đặt Việt Nam ngang hàng với các đối tác lớn của EU tại châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), EU cũng mới chỉ có hiệp định với Singapore và bây giờ là Việt Nam. Phía EU đánh giá cao hai hiệp định ký với Việt Nam lần này và coi đây là bước quan trọng để họ có thể tiến tới một hiệp định chung với toàn khối ASEAN.
Hai hiệp định sẽ được ký vào ngày 30/6 thể hiện sự nỗ lực của cả hai phía vượt qua những trở ngại trong quá trình đàm phán. Nó cho thấy xu hướng hợp tác cùng có lợi; Việt Nam cần EU và EU cần Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với hiệp định này, các nhà xuất khẩu và đầu tư của EU sẽ có được những điều kiện ưu đãi tại Việt Nam giống như những đối tác đến từ các quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia.
Một ý nghĩa rất quan trọng khác của hai hiệp định là kỳ vọng của EU về Việt Nam đã tăng lên. Việc ký hiệp định cho thấy Việt Nam cam kết thực hiện những tiêu chuẩn cao của thế giới trong hoạt động thương mại, đầu tư, sử dụng nhân lực, môi trường, và phát triển bền vững. Thực hiện được những cam kết này sẽ giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh là một quốc gia năng động, văn minh, tôn trọng luật lệ và các giá trị chung, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có những biện pháp tác động trực tiếp vào các thành phần cơ bản nhất tạo ra hàng hóa và dịch vụ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhận định về những cơ hội và thách thức lớn nhất mà các hiệp định này sẽ mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Long cho rằng việc ký kết hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư sẽ mang đến những lợi ích cụ thể cho Việt Nam. Các biểu thuế thương mại sẽ nhanh chóng giảm xuống mức rất thấp, từ 0 đến 2% tùy nhóm hàng, trong đó có những nhóm hàng giảm ngay khi hiệp định có hiệu lực. Điều này làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường EU, vốn đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam trong năm 2018 (sau Hoa Kỳ, ngang hàng với Trung Quốc). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam như hàng điện tử, máy tính, giày dép, cà phê, hạt điều, thủy hải sản sẽ có điều kiện mở rộng thị trường.
Xét về tiêu dùng, Việt Nam cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng đến từ EU và do đó, người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận tốt hơn với những mặt hàng chất lượng cao xuất xứ châu Âu, như ô tô, dược phẩm và đồ uống.
Xét trên phương diện vĩ mô, các hiệp định này giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tận dụng được công nghệ và sự sáng tạo của EU để đa dạng hóa nền kinh tế đồng thời nâng cao hiệu quả cạnh tranh của mình. Nếu tận dụng tốt, Việt Nam sẽ được lợi lớn từ sự dịch chuyển về đầu tư do tác động của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Nhìn ở một góc độ khác, hai hiệp định sẽ ký với EU cũng sẽ mang lại thách thức cho Việt Nam. Các nhà sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các sản phẩm nhập khẩu từ EU. Việt Nam sẽ phải có những thay đổi pháp lý để thực hiện những cam kết trong lĩnh vực dịch vụ, sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa, quyền của người lao động, và bảo vệ môi trường. Sẽ là một bất lợi lớn nếu Việt Nam không thực hiện được các cam kết này. Hai hiệp định được sẽ được ký vào 30/6 là hiệp định song phương, các ràng buộc mang tính trực diện, với khối EU ở trình độ đồng đều, có nhiều quan điểm tương đồng. Điểm này khác với CPTPP là một hiệp định đa phương giữa một nhóm nước có trình độ phát triển ít đồng đều hơn, nên sự chú ý vào những vấn đề phát sinh trong quan hệ song phương giữa các thành viên sẽ phân tán hơn.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, những thách thức từ việc thực hiện hai hiệp định với EU sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với những tiêu chuẩn cao nhất của thế giới, duy trì nhịp độ phát triển tốt và bền vững hơn trong dài hạn. "Chơi với bạn tốt sẽ làm chúng ta tốt hơn", ông Long nói./.
TTXVN