Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trong đó có chỉ đạo "Ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai công tơ thông minh trong đo đếm điện năng từ xa tiến đến xây dựng hệ thống đo đếm điện năng thông minh" các đơn vị thành viên thuộc EVN đã xây dựng lộ trình lắp đặt công tơ điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa theo từng năm.
Đến thời điểm này gần như 100% công tơ điện tử đã được lắp đặt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, thay thế hoàn toàn công tơ trước kia.
Công ty điện lực Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên hoàn thành lắp đặt 100% công tơ điện tử với 100% khách hàng áp dụng hệ thống truyền dữ liệu từ xa từ năm 2018. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) sử dụng phần mềm hệ thống tra cứu chỉ số điện hàng ngày và cung cấp cho khách hàng sử dụng thử nghiệm.
Tổng Công ty điện lực Hà Nội (EVNHANOI) cũng đã hoàn thành lắp đặt công tơ điện tử cho 2,7 triệu khách hàng từ cuối năm 2021, đạt xấp xỉ 100%. Đây là bước chuyển mình quan trọng từ mô hình thủ công sang bán tự động và tự động từ công tác thu thập số liệu đến việc xử lý, phân tích các dữ liệu có được.
EVNHANOI cho biết, sẽ nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ, hướng tới sự hài lòng của khách hàng, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số trong EVN, xây dựng hệ thống điện thông minh theo chủ trương của Chính phủ.
Trong năm 2021,Tổng Công ty điện lực TPHCM (EVNHCMC) cũng đã hoàn thành lắp đặt 2,65 triệu công tơ điện tử, xấp xỉ 100% cho khách hàng sử dụng điện.
Trong khi đó, các Tổng công ty điện lực khác trực thuộc EVN như: Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty điện lực miền Nam (EVNSPC) và Tổng Công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC) cũng đang tích cực triển khai thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử, phấn đấu sớm hoàn thành trong những năm tới.
EVN cho biết, áp dụng công nghệ đo xa bằng công tơ điện tử có nhiều tiện ích vượt trội, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, giúp khách hàng sử dụng điện thuận tiện trong việc theo dõi lượng điện tiêu thụ và hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình.
Dữ liệu từ các công tơ điện tử sẽ được truyền về trung tâm điều hành, sản lượng điện tiêu thụ được cập nhật trên các app chăm sóc khách hàng của EVN cài trên thiết bị di động. Khách hàng có thể xem mức độ tiêu thụ điện vào bất kỳ thời gian và địa điểm, từ đó có thể chủ động điều chỉnh sử dụng điện phù hợp.
Áp dụng công tơ điện tử còn cải thiện khâu minh bạch số liệu và giao tiếp với khách hàng. Thông qua theo dõi dữ liệu trực tuyến, ngành điện sớm phát hiện và xử lý kịp thời sự cố khi khách hàng có sản lượng điện tiêu thụ tăng đột biến. Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng vì thế được nâng cao và ổn định.
Việc thực hiện đo xa giúp giảm nhân công ghi chỉ số điện, giảm nguy cơ tai nạn lao động, đồng thời việc ghi chỉ số được chính xác, góp phần tăng năng suất lao động.
Số liệu công tơ đo đếm thu thập từ xa cũng góp phần phục vụ việc tính hóa đơn tiền điện, giám sát và giảm tổn thất, chất lượng điện năng, tính toán và cải thiện các chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện, giám sát tình trạng vận hành của trạm biến áp và đường dây để nâng cao độ an toàn lưới điện.
Theo EVN, các công tơ điện có chức năng truyền dữ liệu đo đếm từ xa đều được mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi và tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu.
Trong đó, quy cách kỹ thuật để mua sắm công tơ thực hiện theo đúng quy định của EVN, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật điện quốc tế và yêu cầu kỹ thuật quy định trong quản lý đo lường của Việt Nam.
"Ngành điện chỉ lắp đặt những công tơ có kết quả kiểm định đạt yêu cầu để bảo đảm vận hành chính xác", EVN khẳng định.
Toàn Thắng