• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

EVN lọt TOP doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số

(Chinhphu.vn)- Theo thông tin của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vào đầu tháng 2/2025, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt kết quả tốt nhất về chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2024.

10/02/2025 16:10

Đây là kết quả được CMSC đánh giá dựa trên Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc CMSC.

EVN lọt TOP doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số- Ảnh 1.

EVN tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong vận hành các nhà máy điện- Ảnh:VGP/Toàn Thắng

EVN đạt mức độ 4 về chuyển đổi số

Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số các doanh nghiệp thuộc CMSC (gọi tắt là Bộ chỉ số) được Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Chủ tịch CMSC ban hành từ tháng 12/2023. Đây là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp trong CMSC tự thực hiện hoặc thông qua tư vấn viên thực hiện đánh giá trong năm 2024.

Việc đánh giá mức độ chuyển đổi số là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá kết quả hoạt động hằng năm của doanh nghiệp Nhà nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/04/2023 về Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Các tiêu chí đánh giá được Ban Chỉ đạo chuyển đổi số CMSC xây dựng ở mức độ nâng cao, bám sát vào các hoạt động doanh nghiệp, có tính hệ thống. Theo đó, Bộ chỉ số có 6 trụ cột, gồm: khách hàng, chiến lược, công nghệ, vận hành, văn hóa, dữ liệu. Mỗi trụ cột này lại có nhiều nhóm tiêu chí, với tổng số 140 tiêu chí thành phần, đánh giá chi tiết, kỹ lưỡng về mức độ chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.

Bộ chỉ số được áp dụng cho 19 tập đoàn, tổng công ty trong CMSC, làm căn cứ để đánh giá các doanh nghiệp theo 4 mức độ chuyển đổi số. Từ kết quả đó, Hội đồng thẩm định của CMSC chỉ thực hiện thẩm định kết quả chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp có điểm chuyển đổi số từ mức 2 trở lên, lựa chọn ra các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc nhất và thực hiện nghiêm túc nhất trong quá trình đánh giá chuyển đổi số doanh nghiệp theo yêu cầu của CMSC.

Hội đồng thẩm định chuyển đổi số CMSC ghi nhận EVN là doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi từ nhiều năm và đã có chiến lược chuyển đổi số cụ thể, rõ ràng. CMSC đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BCĐCĐS ngày 03/02/2025, phê duyệt kết quả chuyển đổi số của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được ghi nhận đạt mức 4 (trong tổng số 5 mức độ), với tỷ lệ chuyển đổi số là 81,89%, đây là điểm số cao thuộc top dẫn đầu trong các doanh nghiệp nhà nước trên hệ thống đánh giá của CMSC.

EVN lọt TOP doanh nghiệp nhà nước thực hiện tốt nhất về chuyển đổi số- Ảnh 2.

Hệ sinh thái dịch vụ khách hàng, chăm sóc khách hàng của EVN- Ảnh:EVN

Xây dựng chiến lược sớm, đúng hướng

EVN là một tập đoàn kinh tế năng lượng hàng đầu của đất nước, được giao trọng trách là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Với vai trò, vị thế này, EVN luôn tự ý thức và nhạy bén trong triển khai các ứng dụng mới, thành quả của CMCN 4.0, chuyển đổi số nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Năm 2021, Đảng ủy EVN đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 11/01/2021 về "Thực hiện chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam". Nghị quyết này đã nhanh chóng được đưa vào thực tiễn sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Theo đó, ngày 17/02/2021, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã có Nghị quyết số 68/NQ-HĐTV thông qua Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong EVN đến năm 2022, tính đến năm 2025.

Tập đoàn cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chuyển đổi số tổng thể trong EVN giai đoạn 2021 - 2025. Đây là cơ sở để các đơn vị trong EVN xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số của đơn vị mình, thống nhất theo định hướng, chỉ tiêu được tập đoàn giao. Lãnh đạo EVN cũng giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho từng đơn vị, sát sao theo dõi, đánh giá, chấm điểm từng hạng mục công việc, xếp hạng chuyển đổi số các đơn vị trong EVN.

Nhiều năm qua, lãnh đạo CMSC, đều ghi nhận, đánh giá EVN là một trong các doanh nghiệp mạnh về nguồn lực dành cho chuyển đổi số, mạnh về hạ tầng số; có nhiều hoạt động tích cực triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)...

Trước khi được CMSC đánh giá dẫn đầu về chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2024, EVN cũng đã có 4 năm liên tiếp từ 2019 – 2022 đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia. Đồng thời, Tập đoàn cùng các đơn vị cũng có nhiều sản phẩm công nghệ được công nhận "Make in Viet Nam" 2022, 2024…

Thực tế, không dễ dàng khi EVN triển khai đổi mới, chuyển đổi số doanh nghiệp với quy mô doanh nghiệp EVN rất lớn, trải dài trên cả nước với hàng vạn cán bộ công nhân viên. Bên cạnh đó, nhận thức, trình độ công nghệ của mỗi người là khác nhau. Do đó, chuyển đổi số EVN được thực hiện từ sự quyết tâm của người đứng đầu tập đoàn, đồng thời cũng phải được triển khai với sự quyết tâm, nỗ lực của từng cán bộ công nhân viên ở từng vị trí công việc. Cán bộ nhân viên, người lao động EVN đã đồng lòng hình thành văn hóa số trong doanh nghiệp thời đại mới.

Hiện nay, EVN tiếp tục phát triển hệ sinh thái số của tập đoàn, có khả năng kết nối với hệ sinh thái số quốc gia, các bộ, ngành, đối tác… Lãnh đạo EVN nhấn mạnh sẽ tiếp tục tinh gọn hệ thống phần mềm trong tập đoàn, tăng trải nghiệm dễ sử dụng, tiện ích cho người dùng. Đặc biệt, trong nền kinh tế số hiện nay, dữ liệu số là nguồn tài nguyên, là tư liệu sản xuất rất quan trọng, do đó các đơn vị trong EVN sẽ phải tiếp tục chú trọng khai thác và bảo vệ dữ liệu, thực hiện tốt an ninh bảo mật song song cùng quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp.

EVN đang tiến rất gần tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Tập đoàn sẽ tiếp tục lộ trình chuyển đổi số "lấy khách hàng làm trung tâm", đồng bộ với môi trường xã hội và chính sách quốc gia về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tích cực đóng góp xây dựng nền kinh tế số đất nước.

Một số kết quả chuyển đổi số nổi bật của EVN:

Lĩnh vực quản trị: EVN là đơn vị đầu tiên trong toàn quốc thành công trong việc thiết lập trục liên thông văn bản thống nhất trong toàn Tập đoàn, là cơ sở quan trọng để kết nối vào trục liên thông văn bản quốc gia sau này.

Lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng: 100% dịch vụ điện trực tuyến đạt mức độ 4, được EVN cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tỷ lệ giao dịch theo phương thức điện tử toàn EVN đến cuối năm 2024 đạt 99,53%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 99,5%.

Lĩnh vực đầu tư xây dựng: Từ năm 2021 đến nay, 100% các gói thầu được EVN tổ chức đấu thầu qua mạng.

Lĩnh vực sản xuất: EVN đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp; áp dụng tin học hóa công tác sửa chữa theo phương pháp tin cậy hoặc có điều kiện (RCM/CBM). Toàn Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng 63/63 trung tâm điều khiển xa, tổng số trạm biến áp 220-110kV không người trực là 967/996 trạm biến áp, đạt tỷ lệ 97%.

Toàn Thắng