Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công ty Điện lực Đà Nẵng tháo dỡ giàn giáo vi phạm trên đường Đặng Đình Vân, quận Thanh Khê. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Tai nạn do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp
6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên xảy ra 9 vụ tai nạn điện xuất phát từ nguyên nhân vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp (HLBVATLĐCA). Hậu quả làm 2 người chết, 10 người bị thương.
Đơn cử, khoảng 08h30’ ngày 28/3, ông N.V.L cùng vợ là bà T.T.H tại xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk đã tự ý lập giàn giáo để lắp đà lợp tôn dưới tuyến đường dây 22 kV. Trong khi đưa đà lên, do thiếu quan sát, vợ chồng ông L đã vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện đối với đường dây 22 kV đang mang điện dẫn đến bị phóng điện. Hậu quả, bà H chết, còn ông L thì bị bỏng nhẹ.
Hay mới đây, ngày 19/6 tại Quảng Ngãi, 3 người gồm N.T.T, P.M.T và P.V thi công lắp đặt lan can bằng sắt trên tầng 2, để lắp kính cường lực cho một hộ dân tại thôn Phú Nhiêu 2 (Bình Tân Phú, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Khi nâng cao thanh sắt lắp đặt lan can, 3 người này đã vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện vào đường dây 22 kV tại khoảng cột 239/2-239/3 thuộc xuất tuyến 472/220 kV Dung Quất. Hậu quả, ông N.T.T bị thương nặng, còn các ông P.M.T và P.V bị thương nhẹ.
Đó là 2 trong số 7 trường hợp mà nguyên nhân dẫn đến tai nạn điện do thi công xây dựng, sửa chữa nhà, công trình, lắp đặt thiết bị dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn, chiếm 78% tổng số vụ. Và còn nhiều vụ việc vi phạm diễn ra trên khắp các tỉnh, thành phố miền Trung-Tây Nguyên được các đơn vị điện lực phát hiện và xử lý kịp thời đã góp phần ngăn chặn những vụ tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cùng kỳ năm trước, tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã xảy ra 10 vụ làm 5 người chết, 7 người bị thương mà nguyên nhân phần lớn đều do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện. 6 tháng đầu năm 2021, dù đã giảm về số vụ và số người chết nhưng tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện vẫn là vấn đề đáng báo động gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói, những tai nạn trên có thể ngăn ngừa được nếu tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn hành lang lưới điện.
Một công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp tại Đà Nẵng. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền
Theo thống kê, từ đầu năm nay đến nay, trên địa bàn do EVNCPC quản lý đã xảy ra 343 vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, trong đó có 12 vụ công trình nhà ở vi phạm HLBVATLĐCA, 5 vụ vi phạm lưới 110 kV.
Để ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc như trên, các Công ty điện lực đã chủ động lập kế hoạch bố trí nguồn vốn để xử lý các vụ vi phạm; đặc biệt là giải pháp xử lý các vụ nhà ở, công trình vi phạm HLBVATLĐCA. Ông Ngô Trường Thắng, Trưởng Ban an toàn EVNCPC cho biết: “EVNCPC đã chỉ đạo các Công ty điện lực thành viên thông báo kịp thời các trường hợp vi phạm đến các chủ hộ, đơn vị chủ quản có nhà ở, công trình có vi phạm HLBVATLĐCA; đồng thời lập biên bản khi xảy ra sự cố vi phạm gửi đến chính quyền địa phương đề nghị phối hợp xử lý. Trong 12 vụ vi phạm HLBVATLĐCA do công trình nhà ở, đã xử lý 9 vụ, còn 3 vụ sẽ phối hợp với địa phương và đơn vị liên quan giải quyết trong quý III và IV năm 2021”.
Không chỉ vi phạm hành lang an toàn bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không, mới đây vào ngày 27/6, tại TP. Hội An đã xảy ra vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường cáp ngầm cao áp, làm hư hỏng cáp ngầm 22 kV khoảng cột 52-53 trạm 110 kV Hội An dẫn đến sự cố mất điện toàn bộ khu vực đảo Cù lao Chàm. Trường hợp này đã vi phạm quy định theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP và Nghị định 51/2020/NĐ-CP về HLBVATLĐCA. Vụ việc này cũng đã được Công ty điện lực Quảng Nam chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Bên cạnh giải pháp kỹ thuật để xử lý các vị trí vi phạm, các đơn vị điện lực toàn EVNCPC chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn điện trong nhân dân, đặc biệt là thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, như: Tăng cường rà soát các công trình xây dựng gần HLBVATLĐCA, kịp thời treo các bảng cảnh báo an toàn tại các công trình người dân đang xây dựng.
Tùy vào tình hình của địa phương, các đơn vị đã có thêm giải pháp phù hợp để mang lại hiệu quả cao nhất. Như tại Quảng Nam, các đơn vị điện lực đã phát tờ rơi tuyên truyền đến chủ hộ có cây dọc hành lang tuyến. Tại Thừa Thiên Huế, đơn vị điện lực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi cây trồng có tán thấp dưới hành lang lưới điện cao áp.
Công ty Điện lực Kon Tum đã gửi thông báo an toàn cho các cơ sở năng lượng mặt trời mái nhà gần đường dây 22 kV đang mang điện. Công ty Điện lực Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo tai nạn điện do thả diều gần đường dây điện; nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm ở vùng dân tộc thiểu số tại các huyện Ia Grai và Chư Păh của tỉnh này. Còn tại Đắk Lắk, ngành điện cũng đã tiếp tục triển khai gửi thông báo bảo đảm an toàn đến các đơn vị vận tải, đơn vị thi công quảng cáo, nhà dân được phép tồn tại trong HLBVATLĐCA để bảo đảm an toàn điện và công tác quản lý vận hành lưới điện...
Ngoài ra, để ngăn ngừa sự cố xảy ra trong mùa mưa bão, các đơn vị đã chủ động làm việc với các cơ quan liên quan tại địa phương để hỗ trợ chặt tỉa cây ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây, hạn chế thấp nhất nguy cơ sự cố lưới điện. “Đặc biệt là trước mùa mưa bão năm nay, công tác chặt tỉa cây gần đường dây được tăng cường nhằm bảo đảm an toàn điện trong nhân dân và bảo đảm vận hành lưới điện thông suốt trong quá trình xảy ra thiên tai, kịp thời xử lý sự cố sau thiên tai”, ông Ngô Trường Thắng cho hay.
Tại Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu rõ, phạt tiền từ 1-50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn điện: Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; lắp đặt ăng ten ti vi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện; thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; sử dụng bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không vào mục đích khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp; xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây; trồng cây, thả neo tàu thuyền trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; thi công các công trình trong đất hoặc nạo vét lòng sông, hồ, ao trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; chặt và để cây đổ vào lưới điện; xây nhà, công trình lên hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; đào hố, đóng cọc vào trong hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm; điều khiển thiết bị, dụng cụ, phương tiện hoặc các hoạt động khác vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp... Ngoài hình thức phạt tiền thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm... |
Thế Phong