Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo EVNNPC, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhiều đường dây được xây dựng từ lâu. Trải qua thời gian, qua nhiều đơn vị tham gia quản lý, các loại hồ sơ như thiết kế, cấp đất, thỏa thuận tuyến, bồi thường, hỗ trợ di dời, cải tạo nhà cửa, công trình… đã bị thất lạc, gây khó khăn cho cơ quan quản lý hiện nay khi xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.
Ông Mai Quang Hùng, Trưởng ban An toàn EVNNPC cho biết, trong năm 2017, EVNNPC phấn đấu giảm 50% số vụ vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Thực hiện chỉ tiêu này không đơn giản, nhưng Tổng công ty xác định, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không chỉ bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, mà còn bảo vệ tài sản, tính mạng và sức khỏe của nhân dân khi mùa mưa bão đã cận kề.
Để phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giảm 50% số vụ vi phạm, EVNNPC đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Trong đó đã yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc thường xuyên kiểm tra, vận động các hộ dân và đơn vị vi phạm tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cưỡng chế đối với các hộ, đơn vị cố tình vi phạm, nhất là các vụ vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cao.
Tổng công ty còn tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường lực lượng kiểm tra, giám sát, kiên quyết không để phát sinh vụ việc vi phạm mới; triển khai các dự án đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lưới điện, giảm các vụ vi phạm khoảng cách pha-đất…
Tuy nhiên, với đặc thù địa hình phức tạp, lưới điện quản lý trải dài trên 27 tỉnh, thành phố từ Hà Giang đến Hà Tĩnh, thì cùng với sự nỗ lực của ngành điện, EVNNPC cũng cần nhận được sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa từ chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động, người dân thực hiện nghiêm các quy định về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đồng thời kiên quyết xử lý cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm.
Toàn Thắng