Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
“Vụ rò rỉ thông tin người dùng Facebook” bắt nguồn từ việc một công ty tư vấn chính trị có trụ sở tại Anh - Cambridge Analytica - bị cho là đã sử dụng trái phép dữ liệu của 50 triệu người dùng mạng xã hội facebook.
Vụ bê bối bùng phát khi phóng sự điều tra của Channel 4 (phát ngày 16/3) đã được hai tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ và Anh là The New York Times và The Observer điều tra chuyên sâu. Hai tờ báo đã phát hiện "thông tin và dữ liệu của hơn 50 triệu tài khoản facebook được chuyển giao bất hợp pháp cho Cambridge Analytica".Theo số liệu mới nhất, đến nay, con số người dùng bị chia sẻ thông tin “một cách không thỏa đáng với Công ty Cambridge Analytica” đã lên tới 87 triệu. Facebook cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra từ Ủy ban châu Âu (EC), giới chức Mỹ, Australia… Công ty này cũng đã mất hàng chục tỷ USD do cổ phiếu sụt giá.
"Nguồn cơn"
Vào năm 2013, nhà nghiên cứu Aleksandr Kogan (Đại học Cambridge) đã tạo ra một ứng dụng có tên “This is your digital life” (tạm dịch: Đây là cuộc sống số của bạn), nơi mà người dùng có thể truy cập để làm trắc nghiệm tâm lý. Ứng dụng này được khoảng 300.000 người cài đặt. Những người này đồng ý chia sẻ dữ liệu của mình cũng như của bạn bè trên facebook qua ứng dụng đó. Lúc đó, Facebook chưa siết chặt cách mà các ứng dụng có thể truy xuất thông tin nên điều này có nghĩa là Kogan đã có trong tay dữ liệu của hàng triệu người dùng.
Trong nỗ lực ngăn chặn việc lạm dụng thông tin, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, năm 2014, Facebook thay đổi nền tảng để hạn chế nhiều dữ liệu mà các ứng dụng có thể truy cập. Như vậy, những ứng dụng giống như ứng dụng của Kogan sẽ không thể lấy được dữ liệu của bạn bè người dùng nữa, trừ khi những người bạn này cho phép. Facebook cũng yêu cầu ứng dụng phải được Facebook duyệt để tránh việc thông tin bị đánh cắp.
Sau khi "vụ rò rỉ thông tin" bùng phát, ngày 22/3, lần đầu tiên ông chủ của trang mạng xã hội có hơn 2 tỷ người dùng này, Mark Zuckerberg, đã lên tiếng xin lỗi về những sai lầm mà Công ty phạm phải trong việc xử lý dữ liệu và cam kết sẽ đưa ra những biện pháp sửa chữa “những lỗ hổng” trên facebook để bảo vệ tốt nhất quyền riêng tư.
Facebook chịu nhiều áp lực
Trước “búa rìu dư luận”, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết Facebook đã cấm hoàn toàn Cambridge Analytica sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của mình và bắt đầu thực hiện kiểm toán pháp lý đối với toàn Công ty.
Theo đó, Facebook sẽ điều tra tất cả các ứng dụng yêu cầu quyền truy cập thông tin cá nhân của người dùng; hạn chế hơn nữa việc các nhà phát triển có cơ hội tiếp cận với dữ liệu của người dùng. Công ty sẽ thực hiện chính sách xóa quyền truy cập vào dữ liệu của nhà phát triển nếu người dùng không sử dụng ứng dụng trong vòng 3 tháng và sẽ hạn chế người dùng cung cấp thông tin cho nhà phát triển.
Trong tháng 4, Facebook sẽ ra mắt một công cụ nằm ngay trên bảng tin thông báo (News Feed) những ứng dụng mà người dùng đã sử dụng, đồng thời dễ dàng xóa bỏ quyền truy cập dữ liệu của những ứng dụng mà bạn muốn (hiện công cụ này nằm ẩn bên trong khu vực Privacy).
Cùng với những sửa đổi như trên, ngày 6/4, Facebook lần đầu tiên ủng hộ “luật quảng cáo chính trị” (Đạo luật Quảng cáo trung thực của Mỹ, nhằm giải quyết những lo ngại về việc người nước ngoài sử dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng đến chính trị Mỹ). Theo đó bắt buộc các trang mạng xã hội phải tiết lộ danh tính của những người mua quảng cáo tranh cử chính trị trên mạng.
Tuần tới, Giám đốc điều hành Facebook Zuckerberg sẽ phải ra điều trần trước Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ vào ngày 10/4. Sau đó, ngày 11/4, ông Zuckerberg sẽ có cuộc làm việc với Ủy ban Năng lượng và Thương mại Hạ viện Mỹ.
Thông báo từ các ủy ban Quốc hội Mỹ nhấn mạnh các buổi điều trần là cơ hội quan trọng để làm sáng tỏ vấn đề quyền riêng tư thông tin của người sử dụng và giúp người dùng hiểu rõ hơn về những điều xảy ra với thông tin mà họ đưa lên mạng.
Nhiều chuyên gia công nghệ cũng khuyến cáo từ vụ việc này, người dùng mạng xã hội cần cảnh giác với việc tất cả những dữ liệu mình đăng tải trên mạng (hình ảnh, dữ liệu post, sở thích, mối quan hệ với bạn bè...) đều có thể bị nhiều công ty khai thác. Những công ty này sẽ dùng dữ liệu của bạn cho các mục đích quảng cáo, tiếp thị, bán cho đối tác… Vì vậy hãy cẩn trọng với mọi hành động trên facebook.
Thanh Phương (tổng hợp)